DNNN phải đi đầu trong đổi mới công nghệ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví khó khăn với DNNN như “chiếc ô tô tải” đi giữa đường phố đông người.
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lý kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua. “Đừng tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN, “phải nóng ruột”, hồ sơ để trên bàn ông 1-2 ngày là xong, cứ “sống chết mặc bay” thì làm sao DNNN phát triển được”.
Chuyện muôn thủa “phát sinh” từ đất
Thực tế, đây không phải lần đầu yêu cầu này được Người đứng đầu Chính phủ đưa ra. Chính tại Hội nghị này cách đây 1 năm, những chỉ đạo quyết liệt tương tự cũng được đưa ra. Tuy nhiên, công tác sắp xếp, đổi mới hoạt động DNNN vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, cổ phần hoá (CPH) và thoái vốn vẫn “ì ạch” chậm lại cả về số lượng và chất lượng hai năm trở lại đây với “căn bệnh” bắt nguồn từ đất đai.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc TCty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho biết, theo Nghị định số126/2017 và Nghị định số 01/2017 của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm rà soát đất đai Công Ty mẹ và 2 công ty con có 100% vốn nhà nước, công tác này đã gần như kết thúc vào tháng 1/2019.
Thế nhưng, từ tháng 4/2019, Công văn 4544 của Bộ Tài chính quy định phương án sử dụng đất khi CPH doanh nghiệp mở rộng thêm các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức chậm phê duyệt phương án cổ phần hóa
00:00, 17/10/2019
Doanh nghiệp chậm cổ phần hoá vì một công văn
11:10, 16/10/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xem xét trách nhiệm bộ, ngành chậm cổ phần hóa
10:24, 16/10/2019
“Đã phát hiện những việc cố ý làm trái pháp luật trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN”
10:00, 16/10/2019
Cổ phần hoá DNNN: Lận đận và truân chuyên
11:00, 15/10/2019
“Vinafood1 có đặc thù đất đai trải dài 25 địa phương với 248 mảnh đất có những nơi người lao động đã ở và sản xuất từ lâu nên khó thực hiện lấy đất ngay. Cùng với đó nhiều mảnh đất có tranh chấp từ những năm 70, 80 đến này chưa giải quyết để thu hồi được”, TGĐ Vinafood 1 nói.
Cùng với đó, bà Bùi Thanh Tâm cũng bày tỏ băn khoăn khi xác định giá trị đất của các công ty con - sở hữu 51% vốn nhà nước. Lợi ích của các cổ đông của các doanh nghiệp này đã được xác định khi mua cổ phần. Nay tiến hành CPH phần đất đai sẽ làm ảnh hưởng lợi ích của họ khi bị địa phương thu hồi. Do đó, Vinafood 1 khó hoàn thành CPH trong năm 2019 theo kế hoạch.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình cho rằng: “Công văn 4544 của Bộ Tài chính chỉ do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính ký đã yêu cầu các DNNN tiến hành rà soát xây dựng phương án cho tất cả đất đai công ty mẹ, công ty con, công ty cháu của các Tập đoàn, TCty đang gây vướng mắc lớn”.
Kiến nghị bỏ thủ tục Quyết định cổ phần hoá
Là đơn vị có tên trong danh sách cổ phần hoá trong năm 2019, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đáng ra phải hoàn tất xác định giá trị doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Nhưng đến nay, theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT, việc sắp xếp đất đai vẫn chưa xong, có khả năng tiếp tục phải lùi thời hạn CPH.
Theo đó, đất đai cuả VNPT có đặc thù biến động hàng năm, mỗi năm phát triển thêm hàng nghìn trạm thu phát sóng, có cái địa phương giao, có cái thuê. Vì tính biến động liên tục nên việc xác định phương án sử dụng đất khó khăn. Trong khi quy định là chưa xong phương án sử dụng đất, chưa được thuê tư vấn thực hiện phương án CPH.
“Khi thực hiện Nghị định 126, doanh nghiệp làm xong phương án sử dụng đất thì bước tiếp theo là xin Quyết định CPH, sau khi có Quyết định này mới có cơ sở xác định dự toán, chi phí để thuê tư vấn lập phương án CPH. Như vậy, Khi làm phương án sử dụng đất mất 1-2 năm, xin phê duyệt Quyết định CPH mất 6 tháng rồi mới thuê tư vấn lập phương án CPH mất 1 năm nữa...”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị, nên bỏ thủ tục xin Quyết định CPH. Vì chủ trương CPH VNPT thực tế đã được Thủ tướng phê duyệt danh mục. Quan trọng nhất là phê duyệt phương án CPH chỉ nên giữ lại thủ tục phê duyệt Quyết định phương án CPH.
DNNN phải là trung tâm đổi mới sáng tạo
Những vướng mắc trên đã được đưa ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến tháng 9/2019 mới CPH được 36 doanh nghiệp (đạt 28% kế hoạch), thì tiến trình sắp xếp, cải tổ DNNN “không thể bàn lùi”.
"Nguyên nhân có nhiều, cả chủ quan và khách quan, chúng ta phải tự liên hệ thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", Thủ tướng chỉ ra. Nhiều bộ ngành, địa phương và DNNN còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cơ cấu lại theo quy định. Còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan quản lý kể cả DNNN phải nhanh nhạy hơn và nhất trí quan điểm: “Trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực, không để cái gì cũng chạy đi xin”.
Phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu đổi mới kịp thời, khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, bộ máy điều hành quản trị phải được nâng cấp thông qua ứng dụng các quy trình, các chỉ số theo dõi, đánh giá hiệu quả kinh doanh, nâng cao tính tự chủ cho các Tập đoàn, Tcty. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu DNNN quan tâm đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân không chú trọng đầu tư. DNNN phải góp phần trong cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và môi trường. Xây dựng hệ thống các nhà cung ứng phân tầm dưới các Tập đoàn, tổng công ty này. Phải lấy thị trường nội địa là bàn đạp vươn ra toàn cầu.
TS.Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) : Lựa chọn doanh nghiệp để tập trung cổ phần hoá, thoái vốn từng năm Quá trình CPH, thoái vốn DNNN đang diễn ra chậm lại cả về số lượng doanh nghiệp và chất lượng, đặc biệt từ năm 2017 đến nay. Nguyên nhân do CPH thoái vốn trước đây tập trung vào nhà nước quy mô nhỏ và vừa nhưng nay là các Tập đoàn, TCTy lớn. Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện vẫn thiên về cách thức thực hiện hành chính hơn là theo nguyên tắc thị trường và nhu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt, một số trường hợp khi đánh giá lại có sai phạm trong CPH và thoái vốn. Việc CPH, thoái vốn có thể sẽ không đạt mục tiêu về số lượng và chất lượng cũng như số vố cần thoái để đầu tư vào phát triển. Do đó, nên hướng đến chất lượng nhiêu hơn. Thu hút được nhiều hơn nguồn lực hơn là đi vào số lượng CPH. Theo đó, không nên đặt mục tiêu số doanh nghiệp CPH, thoái vốn theo năm mà nên lựa chọn một số doanh nghiệp, tập trung triển khai vào từng doanh nghiệp. Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank): Không thể chần chừ Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Agribank rất quyết tâm cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất đã được xây dựng từ năm 2017 và hiện nay đã hoàn thành, tuy nhiên hiện chỉ có một địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất là tất cả ùn lại. Chúng tôi có hơn 2.000 cơ sở nhà, đất và hiện chỉ còn 194 cơ sở thuộc TPHCM chưa được phê duyệt phương án xử lý. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa. Còn nếu chờ thì chả biết khi nào mới xong. |