MPC lại “mắc cạn”?

Hà Phương 16/11/2019 05:06

Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đã và đang thiếu nguyên liệu cho các nhà máy mới khiến không ít người lo ngại doanh nghiệp này lại rơi vào tình trạng khó khăn.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của MPC. Nguồn : FPTS

Cơ cấu thị trường xuất khẩu của MPC. Nguồn : FPTS

Chính vì khó khăn trên, sau 9 tháng đầu năm nay, MPC mới chỉ hoàn thành được khoảng 31% kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Xuất khẩu giảm mạnh

Báo cáo mới đây của MPC cho thấy, các nhà máy của doanh nghiệp này thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.

Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tháng 9/2019 của MPC chỉ đạt gần 60 triệu USD, giảm gần 34% cùng kỳ năm trước. Giá trị hợp đồng đã ký trong tháng 9 chỉ đạt 32,19 triệu USD, giảm 47,8%; 9 tháng đạt 590 triệu USD, giảm 15,67% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 đạt 5.455 tấn, giảm 35,34% cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt 43.464 tấn, giảm 9% và chỉ hoàn thành 56% kế hoạch năm. Theo đó, doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đạt 484,56 triệu USD, giảm 8,92% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh nhất (giảm 58,8% trong tháng 9 và giảm 14,3% trong 9 tháng đầu năm nay); xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc giảm 20% và các thị trường khác giảm 14,75% so với cùng kỳ năm trước...

Để cứu nguy tình thế, MPC đang đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm 2019 để chủ động hơn nguồn cung và năng lực đáp ứng đơn hàng trong những tháng cao điểm trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Mặc dù đang thiếu nguyên liệu, nhưng MPC vẫn đang mở rộng đầu tư các nhà máy mới, cụ thể doanh nghiệp này đang xúc tiến thủ tục thực hiện dự án nhà máy Minh Quí tại tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư khoảng 51,7 triệu USD, công suất khoảng 40.000 tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2020.

Sau khi xây dựng xong nhà máy Minh Quí, MPC dự kiến tiếp tục xây dựng nhà máy mới tại Kiên Giang và tiến hành chạy thử nghiệm vào năm 2022 với công suất dự kiến khoảng 40.000 tấn/năm, vốn đầu tư ước khoảng 48,5 triệu USD.

Khó tự chủ vùng nguyên liệu

Theo FPTS, MPC có 2 vùng nuôi với tổng diện tích 900 ha gồm: Vùng nuôi tại Kiên Giang (600 ha) với khoảng 1.500 ao nuôi, vùng nuôi Lộc An - Bà Rịa Vũng Tàu (300 ha) với 500 ao nuôi và chỉ mới chủ động được khoảng 10% nguyên liệu đầu vào. Số nguyên liệu còn lại (90%) được thu mua từ hộ nông dân, tập trung tại vùng Tây Nam Bộ gồm các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần nhỏ nhập khẩu từ các nước Ấn Độ, Indonesia…

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu MPC bật tăng sau phản hồi cáo buộc tránh thuế bán phá giá tại Mỹ

    Cổ phiếu MPC bật tăng sau phản hồi cáo buộc tránh thuế bán phá giá tại Mỹ

    17:05, 07/06/2019

  • Giá cổ phiếu MPC liên tục

    Giá cổ phiếu MPC liên tục "nằm sàn" vì đâu?

    05:30, 07/06/2019

  • Rủi ro yếu tố đầu vào với MPC

    Rủi ro yếu tố đầu vào với MPC

    05:01, 17/04/2019

  • Ai đã gom mạnh cổ phiếu MPC?

    Ai đã gom mạnh cổ phiếu MPC?

    04:18, 21/09/2018

Từ thực tế trên, với hàng loạt các nhà máy mới được xây dựng, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề tự chủ nguyên liệu vẫn sẽ là thách thức rất lớn đối với MPC.

390 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2019 của MPC, giảm hơn 42,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo các chuyên gia của VASEP, việc tự chủ nguyên liệu đòi hỏi phải có diện tích vùng nuôi đủ lớn. Tuy nhiên, sau giai đoạn khủng hoảng của ngành thủy sản, nhiều nông dân nuôi tôm bỏ nghề vì thua lỗ. Diện tích nuôi tôm cũng thu hẹp dần, trong khi khai thác quỹ đất mở rộng vùng nuôi là điều không dễ dàng, một phần do các chính sách quy hoạch đất đai chặt chẽ.

Để tự chủ nguyên liệu, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh vùng nuôi, việc liên kết với các hộ nông dân cũng là một trong những biện pháp quan trọng, nhưng tiềm ẩn rủi ro, vì chất lượng nguồn nguyên liệu không đồng nhất. Nếu chất lượng nguồn nguyên liệu không đảm bảo, sẽ gây không ít khó khăn cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Bởi vậy, nếu MPC không kịp thời mở rộng các vùng nuôi công nghệ cao để tự chủ nguồn nguyên liệu, trong khi vẫn mở rộng nhà máy chế biến thủy sản, sẽ có nguy cơ rơi vào “vết xe đổ” của nhiều doanh nghiệp thủy sản khác. 

Hà Phương