Vinatex quyết "rút chân" khỏi 2 doanh nghiệp kinh doanh èo uột
Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VNT) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Len Việt Nam và CTCP Bông Việt Nam.
Vinatex vừa quyết định chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, tương ứng chiếm 67,15% vốn tại Công ty cổ phần Len Việt Nam.
Giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra là 10.500 đồng/cổ phiếu. Nếu bán được toàn bộ cổ phần trên, số tiền tập đoàn này thu về trên 28 tỷ đồng.
Theo đó, Vinatex sẽ chào bán cạnh tranh trong phạm vi 100 nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý VI này.
Đồng thời, Vinatex cũng quyết định chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần, tương ứng 55% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bông Việt Nam. Thời gian thực hiện thoái vốn vào quý IV/2019 và quý I/2020.
Phương thức thoái vốn tại Công ty cổ phần Bông Việt Nam là chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn theo hình thức bán đấu giá công khai, với giá khởi điểm 22.500 đồng/cổ phiếu.
Len Việt Nam đang có tình hình "rất nghiêm trọng, đang bên bờ vực thẳm", theo lời Ban lãnh đạo Công ty. Cụ thể, đơn vị này đã lâm vào cảnh mất khả năng thanh toán nợ vay từ nhiều năm qua.
Kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2018 của Len Việt Nam chủ yếu cũng là do chi phí lãi vay 4,9 tỉ đồng cho khoản vay vốn không có khả năng trả nợ tồn đọng từ các năm trước.
Vào thời điểm 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của Len Việt Nam đã âm 8,5 tỉ đồng. Nợ ngắn hạn Len Việt Nam là 46,8 tỉ đồng, vượt quá lượng tài sản lưu động chỉ 14,5 tỉ đồng của Công ty.
Phía kiểm toán viên cũng lưu ý rằng nợ vay và lãi vay đến hạn chưa thanh toán của Len Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đã là 40,4 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vinatex “đuối sức” đường trường
04:15, 25/08/2019
Vinatex: Lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2018
18:30, 27/12/2018
3 "nguyện vọng" của Vinatex khi chuyển từ Bộ Công Thương về SCIC
05:55, 24/11/2018
Vinatex đạt 51,2% kế hoạch năm 2018
16:41, 30/07/2018
Theo thông tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Len Việt Nam, hiện ngân hàng VietBank đã khởi kiện Công ty. Theo đó, cơ quan thi hành án cũng đã phong tỏa tài khoản của Công ty tại ngân hàng và phía Len Việt Nam cho biết đang không vay vốn được với bất kì ngân hàng nào.
Vietbank vẫn chưa phải là chủ nợ lớn nhất của Len Việt Nam, mà là Vietinbank với khoản cho vay 22,4 tỉ đồng.
Trong năm 2019, Len Việt Nam lên kế hoạch "tìm mọi biện pháp" để thanh lí hàng tồn kho và các máy móc thiết bị không sử dụng , hoặc sử dụng không hiệu quả để có nguồn tài chính trả nợ vay.
Về việc trả nợ vay, phía Len Việt Nam cho biết chỉ cân đối mức trả cầm chừng, do Công ty cũng chưa có bất kì phương án nào để khôi phục sản xuất kinh doanh vì không có nguồn vốn hỗ trợ.
Về phía Bông Việt Nam, tiền thân là Công ty Bông Trung ương được thành lập tháng 1/1978. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức cổ phần từ tháng 6/2007. Hiện Bông Việt Nam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, mua bán bông xơ, sợi bông, vật tư nông nghiệp…
Về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của Bông Việt Nam trong 4 năm trở lại đây (2015 - 2018) cho thấy sự đi xuống rõ rệt. Nếu như năm 2015, Công ty báo lãi ròng 7,3 tỷ đồng, thì con số này đã giảm xuống 6,2 tỷ đồng năm 2016 (giảm 15% so với năm 2015) và 4,4 tỷ đồng năm 2017 (giảm 30% so với năm 2016). Năm 2018, Công ty ghi nhận 255,3 tỷ đồng doanh thu thuần, gần như không đổi so với 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2017.
Đến nay Công ty chưa công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2019 nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2019, lãnh đạo Công ty cho biết, bất lợi trong kinh doanh với Công ty vẫn chưa hề giảm. Cụ thể, giá dầu thế giới giảm làm giá sợi giảm và tồn đọng hàng, kéo theo kinh doanh bông thêm khó khăn. Bên cạnh đó, ngành dệt may nói chung và Công ty nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Việc thoái vốn tại 2 đơn vị kinh doanh èo uột trong bối cảnh ngành dệt may, đặc biệt là xơ sợi chịu không ít bất lợi từ thương chiến Mỹ-Trung được cho là sẽ không dễ dàng với Vinatex.