Liệu SCIC có đấu giá thành công Nhiệt điện Quảng Ninh?

Khánh Hà 21/11/2019 00:00

Ngày 5/12 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ đấu giá toàn bộ 51,4 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP - UPCoM).

Theo thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cung cấp, Nhiệt điện Quảng Ninh là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Dự thu về tối thiểu 1.223 tỷ đồng

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo bán đấu giá trọn lô hơn 51 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,42% vốn của CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã CK: QTP). Thời gian đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 05/12/2019 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

SCIS sẽ bán đấu giá hơn 51 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Quảng Ninh vào đầu tháng 12/2019.

SCIS sẽ bán đấu giá hơn 51 triệu cổ phiếu Nhiệt điện Quảng Ninh vào đầu tháng 12/2019.

Giá đấu khởi điểm được đưa ra là 23.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 2 lần so với thị giá cổ phiếu QTP đang giao dịch trên sàn UpCOM, tương ứng số tiền thu về hơn 1.223 tỷ đồng.

Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh đang vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 & 2 với tổng công suất 1.200 MW, sản lượng là 7,2 tỷ kWh/năm.

Tính đến tháng 4/2019, Nhiệt điện Quảng Ninh có 5 cổ đông lớn, sở hữu trên 5% vốn cổ phần. Cụ thể: Tổng công ty Phát điện 1 nắm giữ 42%, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nắm 16,3%, SCIC nắm 11,42%; Tổng công ty Điện lực TKV nắm 10,63%, cuối cùng Công ty Cổ phần Cơ điện Lạnh nắm 9,35% vốn tại QTP. Như vậy, SCIC là cổ đông lớn thứ 3 tại Nhiệt điện Quảng Ninh.

Nhiệt điện Quảng Ninh có gì?

QTP hiện đang sở hữu 2 nhà máy nhiệt điện than là nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1&2 với tổng công suất là 1,200 MW, cùng với 4 tổ máy, đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia qua trạm biến áp 500kV Quảng Ninh với cấp điện áp 500kV và 220kV, sản lượng bình quân thiết kế là 7.2 tỷ kWh/năm.

Về hoạt động kinh doanh, sau năm 2015 lỗ nặng 1.321 tỷ đồng, từ năm 2016 đến nay, Nhiệt điện Quảng Ninh lãi từ 275 tỷ đồng đến 708 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2019, Công ty có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng; EVN GENCO 1 là cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu 42%.

Theo Nhịp cầu đầu tư, trong 7 quý gần nhất của Nhiệt điện Quảng Ninh, có 2 quý Công ty báo lỗ hàng tỷ đồng. Đặc biệt là trong quý III/2018 khi khoản lỗ lên tới hơn 311 tỷ đồng.

Giải trình về khoản thua lỗ nặng nề này, Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết do sản lượng điện hợp đồng (Qc) trong quý III/2018 giao thấp, làm cho doanh thu không đủ để bù đắp chi phí. Ngoài ra, quý III là giai đoạn mùa mưa, giá thị trường thấp, cùng với đó là việc đại tu tổ máy số 2 nên sản lượng điện phát và sản lượng điện giao nhận quý III/2018 không cao. Nguyên nhân cuối cùng được Nhiệt điện Quảng Ninh đưa ra để lý giải kết quả kinh doanh thua lỗ này đến từ biến động mạnh của tỷ giá giữa VNĐ/USD. Cụ thể, giai đoạn cuối quý III/2018, tỷ giá tăng mạnh làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu than cho nhà máy nhiệt điện: TKV yêu cầu Nhiệt điện Quảng Ninh ký hợp đồng dài hạn

    Thiếu than cho nhà máy nhiệt điện: TKV yêu cầu Nhiệt điện Quảng Ninh ký hợp đồng dài hạn

    06:00, 30/11/2018

  • Hết than, nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng

    Hết than, nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng "ngồi trên lửa"

    16:12, 23/11/2018

  • PM chấm dứt EPC tại nhiệt điện Long Phú 1: PVN đề xuất tự “giải cứu”

    PM chấm dứt EPC tại nhiệt điện Long Phú 1: PVN đề xuất tự “giải cứu”

    11:30, 06/10/2019

  • Động thổ dự án nhiệt điện 'khủng' tại Khánh Hòa

    Động thổ dự án nhiệt điện 'khủng' tại Khánh Hòa

    14:45, 07/10/2019

Kết quả kinh doanh của QTP được cải thiện kể từ quý IV/2018 đến quý II/2019. Tuy nhiên, trong quý III/2019, Công ty lại tiếp tục báo lỗ hơn 5,5 tỷ đồng, con số này nhỏ hơn nhiều so với khoản lỗ cùng kỳ 2018.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2019, QTP cho biết mặc dù trong kỳ sản lượng điện thương phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước, tác động tích cực làm tăng doanh thu. Tuy nhiên biên lợi nhuận vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 5,2% trong quý III/2019. Do đó, sau khi trừ các khoản chi phí, đặc biệt là hơn 117 tỷ đồng chi phí tài chính thì QTP đã lỗ gần 4,3 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, hoạt động khác cũng ghi nhận lỗ hơn 1,2 tỷ đồng. Do vậy, tổng kết quý III/2019, QTP báo lỗ hơn 5,5 tỷ đồng sau thuế. Dù vậy, lũy kế 9 tháng, QTP vẫn lãi ròng 264 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2019, QTP đưa ra mục tiêu sản lượng điện thương phẩm đạt 6,515 tỷ kWh. Tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền về thanh toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá theo quy định hợp đồng mua bán điện, từng bước ổn định tình hình tài chính.

Còn theo FPTS dự báo, lợi nhuận của QTP sẽ giảm mạnh trong năm 2019 và tăng chậm trở lại nhờ nợ vay giảm. Mức biên lợi nhuận gộp giảm về khoảng 7% sẽ kéo giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty. Đồng thời, các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do phân bổ và đánh giá lại cũng sẽ có tác động mạnh tới lợi nhuận thuần của QTP.

Trong các năm tới, QTP dự kiến vẫn sẽ phải ghi nhận 2 khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá gồm có phần còn lại 500 tỷ đồng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối năm 2015 đang được doanh nghiệp phân bổ dần trong thời gian 4 năm liên tiếp giai đoạn 2016 – 2019 theo phương pháp phân bổ đường thẳng, mỗi năm khoảng 129 tỷ đồng. Và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại trong năm của Công ty, khoản lỗ này sẽ giảm dần qua các năm khi QTP dần thực hiện trả nợ.

Về diễn biến chung đối với các nhà máy nhiệt điện than, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, việc thiếu nguồn nguyên liệu than đã làm cho nhiều nhà máy nhiệt điện than không đủ nguyên liệu để tận dụng công suất phát khi giá trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng cao, thậm chí một số nhà máy phải tạm dừng phát ở một số tổ máy. Để giải quyết cho bài toán thiếu than và thiếu điện, Thủ tướng chính phủ và Bộ Công thương đã cho phép TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nhập khẩu than về trộn với than trong nước phục vụ cho mục đích phát điện. Điều này đã giúp cho đa số các nhà máy đủ nguồn nguyên liệu than để phát điện.

Theo dự báo được Bloomberg tổng hợp thì giá than dự kiến sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm tới. Giá than nhập khẩu có độ trễ do thời gian đấu thầu nên giá than nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua không giảm nhanh như giá than thế giới nhưng dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp cho các nhà máy nhiệt điện than gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận.

Khánh Hà