Món nợ của Bông Bạch Tuyết
Sau nhiều năm loay hoay xoay nợ, Bông Bạch Tuyết (BBT) đang có nhiều dấu hiệu trở lại thị trường một cách lạc quan hơn.
Ra đời cách đây 68 năm, Bông Bạch Tuyết từng là niềm tự hào của sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Loay hoay với món nợ lớn
Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được thành lập năm 1960. Sau năm 1975, nhà máy được quốc hữu hóa. Năm 1997, doanh nghiệp cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết với vốn điều lệ ban đầu là 11,4 tỷ đồng.
Bông Bạch Tuyết là doanh nghiệp nổi tiếng nhất trong ngành sản xuất bông băng vệ sinh, y tế thập niên trước. Đây cũng là một trong những công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm 2004.
Trong những năm cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, các sản phẩm bông y tế của Công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước và chiếm 30% thị phần băng vệ sinh phụ nữ.
Dù trong lĩnh vực bông y tế, Bông Bạch Tuyết nắm vị thế thống lĩnh, trong mảng băng vệ sinh phụ nữ, Công ty vấp phải cạnh tranh của các đối thủ lớn, trong đó có các đối thủ nước ngoài, khiến Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất băng vệ sinh hiện đại trong năm 2004-2005.
Tuy nhiên, đó lại là một nước cờ sai lầm và là nguyên nhân chính đẩy Bông Bạch Tuyết đến bờ vực thua lỗ. Ông Tạ Xuân Thọ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty, từng thừa nhận việc đầu tư này khiến năng lực sản xuất tăng lên, nhưng năng lực bán hàng không tăng lên tương ứng, tồn kho tăng mạnh.
Cụ thể, năng lực sản xuất băng vệ sinh thời điểm đó vào khoảng 2 triệu gói/tháng, gấp 10 lần năng lực bán hàng. Điều này khiến Bông Bạch Tuyết chỉ còn vốn cố định, không còn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của ngân hàng.
Một năm, Bông Bạch Tuyết phải trả hơn chục tỷ đồng cả vốn và lãi gốc cho ngân hàng. Và thay vì nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng với sản phẩm, Công ty vẫn đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm băng vệ sinh.
Điều này khiến Công ty lỗ liên tục trong năm 2006-2007, thậm chí dừng hoạt động từ tháng 7/2008 và cổ phiếu bị hủy niêm yết vào tháng 8.2009. Sau khi bị hủy niêm yết 1 tháng, Công ty mới bắt đầu hoạt động trở lại, chỉ còn chú trọng vào mảng bông y tế và ngừng hẳn sản xuất băng vệ sinh. Chỉ sau 3 năm góp mặt trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết báo lỗ tổng cộng 14 tỷ đồng cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan.
Khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh, Bông Bạch Tuyết phải hủy niêm yết vào năm 2009.
9 năm sau, Bông Bạch Tuyết trở lại niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với tổng cộng 6,84 triệu cổ phiếu trên UPCoM vào tháng 6/2018. Cổ đông lớn nhất hiện tại của Bông Bạch Tuyết là Công ty Cổ phần Dệt may Gia Định nắm 30% vốn. Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp là 68,4 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông hồi tháng 8/2018, Bông Bạch Tuyết cho biết, chủ nợ lớn nhất của công ty hiện nay là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - trước đây là Maritime Bank), với tổng giá trị khoản nợ là 43,4 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 19,9 tỷ đồng và nợ lãi 23,5 tỷ đồng. Bông Bạch Tuyết đã trả xong khoản nợ gốc 19,9 tỷ đồng nhưng vẫn còn khoản nợ lãi.
Công ty thừa nhận hoạt động vẫn có thể bị ngưng trệ nếu không thể dàn xếp ổn thỏa với các chủ nợ. Trong đó, năm 2018, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã đề nghị cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản.
Trước đề nghị của Maritime Bank, cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản của Bông Bạch Tuyết.
Trên đường hồi sinh
Mới đây, HĐQT Công ty CP Bông Bạch Tuyết vừa có Nghị quyết thông qua phương án xử lý nợ đối với khoản vay tại Ngân hàng này.
Theo đó, Bông Bạch Tuyết sẽ thanh toán 18 tỉ đồng cho Maritime Bank chậm nhất vào ngày 26/11 để tất toán toàn bộ khoản vay để được miễn giảm toàn bộ số dư nợ lãi tính đến thời điểm hiện tại hơn 2,5 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Bông Bạch Tuyết có thoát khỏi tình cảnh nợ "bất bình thường"?
05:45, 21/06/2018
Điều gì giúp Bông Bạch Tuyết "hồi sinh" sau 8 năm vắng bóng?
05:00, 07/08/2017
Thời gian hoàn tất các thủ tục tất toán khoản vay tại Maritime Bank và giải tỏa các quyết định ngăn chặn của Cục Thi hành án dân sự TP HCM 3 ngày kể từ ngày thanh toán.
Để trả nợ vay cho Maritime Bank, HĐQT Bông Bạch Tuyết đã thông qua phương án vay vốn tại CTCP May Sài Gòn 3 với số tiền 18 tỉ đồng và lãi suất 10% mỗi năm. Thời gian vay từ ngày 26/11-10/12/2019.
Công ty cho biết sẽ dùng chính dòng tiền thu thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty để trả nợ.
HĐQT công ty giao cho bà Võ Thị Bích Thúy, Tổng Giám đốc triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tất toán khoản vay tại Maritime Bank, giải tỏa các quyết định ngăn chặn của Cục thi hành án dân sự TP HCM và vay vốn tại May Sài Gòn 3.
Được biết, sau giai đoạn thua lỗ, Bông Bạch Tuyết đang hồi sinh mạnh mẽ. Thực tế, ngay trong giai đoạn thua lỗ, Bông Bạch Tuyết vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu. Kể từ năm 2014, công ty bắt đầu có lợi nhuận, cho dù chưa lớn. 2 năm 2016-2017 vừa qua, Bông Bạch Tuyết đều đặn thu lãi khoảng 15 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu của Bông Bạch Tuyết là 98 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đến hết năm 2018 là 96 tỷ, nợ phải trả là 70 tỷ đồng, trong đó 99% là nợ ngắn hạn.
Năm 2019, Bông Bạch Tuyết đặt kế hoạch sản lượng sản xuất đạt 660 tấn, tăng 6% so với thực hiện năm 2018; doanh thu 112 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế tăng 17%, ở mức gần 15 tỷ đồng (chưa tính dự án Nguyễn Văn Săng).
Tại thời điểm tháng 6/2019, cổ đông lớn của Bông Bạch Tuyết chính là CTCP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Sài Gòn 3 với tỷ lệ nắm giữ 6,63%, CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC) nắm 13,65%.