Vận tải thủy đang phát triển ngược
Mặc dù có lợi thế sông ngòi chằng chịt, thế nhưng hiệu quả khai thác đường thủy nội địa trong nước chỉ đạt chưa đầy 20%.
Trong khi đó, đường bộ đang quá tải và bị coi là điểm nghẽn tăng chi phí logistics.
Công ty TNHH Ngọc Hùng (Hải Phòng) nhập gạch men qua cảng Hải Phòng. Dù có rất nhiều đơn hàng đi Tuyên Quang, Phú Thọ… thế nhưng đơn vị này vẫn chỉ có thể lựa chọn vận tải bằng đường bộ.
Theo ông Ngô Ngọc Hùng - Giám đốc công ty TNHH Ngọc Hùng, chi phí thời gian để vận chuyển 1 container đi từ cảng Hải Phòng tới cảng Hải Linh (Tp. Việt Trì) phải mất hơn 10 tiếng.
Mặc dù giá cước vận chuyển 1 container bằng sà lan chỉ bằng 1 nửa so với vận chuyển bằng xe ô tô nhưng chi phí tăng bo hai đầu bến đến nơi giao hàng lại phát sinh thêm rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Vận hội mới cho vận tải thủy nội địa?
14:02, 06/08/2019
Nhiều điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa bị "xóa sổ"
23:01, 25/09/2018
Tuyến vận chuyển đường thuỷ giữa Việt Trì – Hải Phòng là tuyến vận chuyển container đầu tiên miền Bắc được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) đưa vào khai thác từ năm 2017.
Tuy nhiên, sau 2 năm khai thác, cung đường vận tải này cũng không được khách hàng mặn mà bởi thời gian giao hàng gấp 3 lần đường bộ do đi qua các sông có độ dốc lớn như sông Đuống, sông Hồng gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại.
Mặc dù giá cước vận chuyển nghe có vẻ thấp nhưng do chi phí vận chuyển 2 đầu bến đội lên khiến doanh nghiệp hờ hững.
Mới đây, Vinaline có đề xuất mở “cung đường vàng” là tuyến vận tải thủy Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, nhu cầu vận chuyển container trên tuyến vận tải thủy Hà Nội - Hải Phòng được dự báo chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Thêm vào đó, cùng với QL5, QL18 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là một tuyến thu gom rút hàng chủ lực cho các cảng biển vùng duyên hải Đông Bắc Bộ nói chung và cảng Hải Phòng nói riêng.
Thực tế, tại các quốc gia phát triển, tỷ lệ vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu vận tải (khoảng 30 – 45%).
Tuy nhiên ở Việt Nam, với mạng lưới sông ngòi dày đặc thì tỷ lệ này mới chỉ chiếm chưa đến 20%. Trong khi đường bộ đang quá tải, đường sắt thì “giậm chân tại chỗ” với…vài %.
Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận, giao thông vận tải Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển ngược.
Bởi Việt Nam có đường bờ biển dài, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, không phải đầu tư lớn, chi phí vận tải đường thủy thấp nhưng mang lại hiệu quả rất cao với việc tận dụng khai thác tự nhiên... nhưng lại không phát triển.
Còn giao thông đường bộ phải đầu tư lớn, chi phí cao lại là chủ lực để vận tải hành khách và hàng hóa.
Về ký thuyết, đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa là lối thoát vận tải. Thế nhưng, để các dòng sông phát huy năng lực vận tải dường như vẫn là câu chuyện... dài tập.