240 nhà đầu tư tranh mua cổ phần, Nước sạch Bắc Giang có gì?
Phiên đấu giá ngày 9/1 tới của Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Giang (UPCoM: BGW) sẽ có sự tham gia của 240 nhà đầu tư, với lượng đặt mua cao gấp 3,3 lần lượng chào bán.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết phiên đấu giá bán cổ phần Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Giang ( UPCoM: BGW ) sẽ có sự tham gia của 240 nhà đầu tư. Trong đó có 2 tổ chức và 238 cá nhân.
Tổng khối lượng các nhà đầu tư đăng ký mua là hơn 20,5 triệu cổ phiếu, gấp 3,3 lần lượng cổ phần đấu giá.Trong đó 2 tổ chức đặt mua 12,6 triệu cổ phiếu và các cá nhân đặt mua 7,9 triệu cổ phiếu.
Đây là phiên đấu giá cổ phần BGW do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang sở hữu, dự kiến diễn ra vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 9/1. Hiện tỉnh Bắc Giang nắm giữ 85,9% vốn và dự kiến giảm xuống 51% nếu thoái vốn thành công.
Giá khởi điểm tỉnh đưa ra là 19.071 đồng/cp, tạm tính theo đó số tiền Nhà nước dự kiến thu về khoảng 120 tỷ đồng.
Nước sạch Bắc Giang tiền thân là đội Xây dựng công trình 76 thuộc Công ty Xây dựng tỉnh Hà Bắc được thành lập ngày 18 tháng 10 năm 1976.
Được biết, sau khi cổ phần hoá vào năm 2015, vốn điều lệ của Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang tăng từ hơn 145 tỷ đồng lên gần 182 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 85%, còn lại là cổ phần của người lao động và nhà đầu tư bên ngoài. Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty này là ông Hướng Xuân Công. Đến 31/10/2017, cổ phiếu BGW chính thức giao dịch trên UPCoM.
Tháng 10/2018, Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang đã phải ký hợp đồng mua bán buôn nước sạch với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Bắc Giang với khối lượng mua là 10.000m3/ngày đêm; Từ năm 2019 đến năm 2020, cam kết mua bình quân 20.000m3/ngày đêm.
Có thể bạn quan tâm
Cần Thơ đề xuất nhà nước giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hoá các công ty nước sạch
11:00, 31/12/2019
Đáp ứng nguồn nước sạch gắn với trách nhiệm xã hội
10:09, 18/12/2019
Hà Nội sẽ chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch
13:21, 04/12/2019
Nghệ An: Hình thành thị trường cạnh tranh nguồn cấp nước sạch
08:48, 30/11/2019
Tuy nhiên, với công suất nhà máy hiện tại là 35.000m3/ngày đêm, việc bỏ tiền đi mua lại 20.000m3 nước của một doanh nghiệp khác đã khiến doanh nghiệp này phải tự cắt giảm sản lượng lên đến gần 50% công suất khiến tâm lý người lao động công ty này nghi ngại.
Với 85% phần vốn Nhà nước tại Công ty, trong khi khả năng lợi nhuận sẽ giảm, như vậy có thể thấy việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước sẽ mang lại lợi nhuận thấp trong thời gian tới.
Tất nhiên, do phần vốn Nhà nước đang chiếm 85% nên UBND tỉnh Bắc Giang có quyền quyết định các quyết sách quan trọng - đó là việc mua lại nước của một doanh nghiệp khác dẫn đến việc phải tự cắt giảm công suất kèm lợi nhuận của chính mình. Trong khi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào xây dựng hệ thống bể chứa, mở rộng mạng lưới…
Tờ Pháp luật Plus tháng 9/2019 có trích đăng 1 bản báo cáo tài chính do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) lập cách đây vài tháng về nước sạch Bắc Giang. Theo đó, Dự án nhà máy nước số 2 đơn vị đang là chủ đầu tư đã dừng triển khai theo thông báo số 120/TB-TU của Tỉnh ủy Bắc Giang ngày 25/11/2016 để đầu tư vào dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai.
Hiện toàn bộ chi phí đầu tư thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nước số 2 Thành phố Bắc Giang đã phát sinh với số tiền 12.002.822.443 đồng. Toàn bộ chi phí đầu tư thực hiện Dự án xây dựng nhà máy nước số 2 Thành phố Bắc Giang đã phát sinh này sẽ được tập hợp và giải quyết khi Dự án được quyết toán.
Theo thông báo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang số 120/TB-TU ngày 25/11/2016: Nhất trí chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai, dừng triển khai và không vay vốn ADB thực hiện dự án Nhà máy nước số 2 Thành phố Bắc Giang do Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang làm chủ đầu tư, theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh tại Tờ tình số 3686/TTr-UBND ngày 18/11/2016.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính làm trung gian, phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang và Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai trong quá trình Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai tham gia mua cổ phần làm cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang cũng như giải quyết các chi phí phát sinh cho dự án Nhà máy nước số 2 Thành phố Bắc Giang vay vốn ADB theo quy định”.
Được biết, năm 2016, Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ký kết khoản vay, trong đó ký một hợp đồng vay phụ giữa Bộ Tài chính và Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang về việc sử dụng khoản vay số 3251-VIE của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) theo hợp đồng ngày 17/6/2016.
Đến tháng 11/2016, thì việc xây dựng dự án Nhà máy nước số 2 Thành phố Bắc Giang đã tạm dừng và tỉnh Bắc Giang sẽ không vay vốn ADB.
Cũng trong tháng 11/2016, Tỉnh ủy Bắc Giang nhất trí chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang của Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai.
Như vậy, đến đây, có thể thấy rõ vai trò của DNP - Bắc Giang trong câu chuyện thị phần nước sạch rõ ràng tới mức nào. Rất có thể, Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai sẽ tham gia mua cổ phần làm cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang. Việc giải quyết chi phí phát sinh hơn 12 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy nước số 2 chính là cái thòng lọng khiến chuyện này trở thành sự thật.
Về đất đai, công ty nước sạch Bắc Giang có 7 khu đất sản xuất kinh doanh tại Bắc Giang với tổng diện tích 17.716 m2 là đất thuế được miễn tiền thuê đất. Ngoài ra, công ty còn có 1 lô đất rộng hơn 7.298 m2 để xây dựng hệ thống cấp nước, là đất thuê trả tiền thuê hàng năm.