[THƯƠNG HIỆU VANG BÓNG MỘT THỜI]: Mì Miliket: Vang bóng và sinh tồn
Là một trong những thương hiệu nổi tiếng của người Việt có tuổi đời gần 50 năm, giờ đây Miliket đang vật lộn tìm cách để tiếp tục sinh tồn.
Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995).
Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket để thực hiện cổ phần hóa.
Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm. Còn Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5.
Tháng 8/2006, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.
Tính đến 15/11/2016 Colusa - Miliket có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 80,51% vốn điều lệ công ty, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VNF2 – Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn.
"Huyền thoại" hai con tôm
'Huyền thoại' mì hai tôm Miliket đã trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam trong 1-2 thập kỷ cuối thế kỷ 20 và là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam, thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam, cũng được xem là thương hiệu “độc quyền” trên thị trường trong hàng chục năm của thập niên 70, 80.
Thương hiệu này nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng từng có giai đoạn mì tôm Miliket trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người, khi chúng chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.
Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng, thành thói quen và thành luôn cái tên chung cho các loại mì gói được sản xuất về sau này.
Theo chia sẻ của nhiều người tiêu dùng lớn tuổi, những năm 80 của thế kỷ trước, mì tôm Miliket chỉ có 2 sản phẩm chính là mì gói giấy với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì và mì ký (bán theo kg) với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 kg.
Không có thống kê nào về kết quả kinh doanh của vua mì tôm Miliket những năm trước 2000 được công bố, tuy nhiên với vị thế “độc quyền”, thành công mà Miliket gặt hái được thời điểm đó không ai có thể phủ nhận.
Khát vọng sinh tồn
Sau năm 2000, sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket dần mất đi.
Các hãng mì mới xuất hiện với nguồn lực mạnh mẽ hơn rất nhiều và đầu tư, quảng bá hình ảnh những gói mì ăn liền ấn tượng với hình ảnh minh họa trên bao bì bắt mắt cùng với kênh phân phối rộng lớn. Ra đời sau nhưng nhờ tiềm lực lớn, Vina Acecook, Masan, Asia Foods… nhanh chóng chiếm thị phần của Miliket.
Từ người dẫn đầu, đến này thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.
Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lắm tiền nhiều của, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, chứ không bán rộng khắp. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống khỏe trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình và đang lớn mạnh về doanh thu.
Có thể bạn quan tâm
"Thần dược" một thời Cao Sao Vàng giờ ra sao?
11:07, 30/01/2020
Hành trình tìm lại ánh hào quang cho thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan
08:44, 29/01/2020
Những thương hiệu truyền cảm hứng
00:00, 28/01/2020
Doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường, cả sản xuất thêm phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền và lấn sân sang sản xuất các mặt hàng gia vị như : Nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật,... Các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất hiện tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Singpore,...
Và đặc biệt, Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký, sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất.
Không chỉ cố gắng bắt kịp thị trường, để cạnh tranh, vua mì tôm cũng thay đổi cả chiến thuật phân phối hàng. Công ty thực hiện giao chỉ tiêu, sản lượng cho từng khu vực, tỉnh, thành theo tình hình tiêu thụ thực tế. Công ty cũng phải làm việc với nhà phân phối, thống nhất cam kết sản lượng, doanh số hoặc mở thêm nhà phân phối tại các tỉnh, thành để đảm bảo sản lượng. Hiện tại, Công ty Mesa là đơn vị phân phối lớn nhất của Miliket
Tháng 7/2017, “vua mì tôm” một thời đã chính thức chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket đạt vốn hóa 124 tỷ đồng.
Người tiêu dùng hoài cổ có lẽ thấy vui khi thương hiệu mì 2 con tôm của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (CMN) đang dần hiện diện nhiều hơn và kinh doanh tốt lên.
Trong nửa đầu năm 2018 qua, doanh thu của Miliket đạt mức 283 tỷ, tăng trưởng 11%. Lợi nhuận sau thuế thu về 11,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017.