May Sông Hồng khó chồng khó vì lệ thuộc nguyên liệu Trung Quốc
Do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, May Sông Hồng có khả năng thiếu hụt hàng tồn kho trong quý 2/2020.
Dịch virus virus COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn thể nền kinh tế nói chung, và một số ngành xuất khẩu nói riêng. Trong đó, nhóm ngành dệt may với phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong đại dịch virus COVID-19, đặc biệt tình hình dịch đang ngày càng gia tăng tại quốc gia này. Như vậy, việc gián đoạn sản xuất từ Trung Quốc về lâu dài có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành dệt may, giới phân tích cho hay.
Trong đó, là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm có thâm niên 20 năm tại Việt Nam, May Sông Hồng (MSH) trong cuộc thảo luận ngắn với SSI Research mới đây đã xác nhận việc sản xuất vẫn đang diễn ra bình thường vì công ty có đầy đủ hàng tồn kho để sản xuất trong quý 1/2020.
Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Công ty cho rằng có khả năng thiếu hụt hàng tồn kho trong quý 2/2020. Các nhà cung cấp từ Trung Quốc sẽ quay trở lại sản xuất từ ngày 20/2/2020, nhưng hiện vẫn chưa rõ công suất sản xuất khi các nhà máy hoạt động trở lại. Khả năng MSH chuyển sang nhập nguyên liệu từ nước khác ngoài Trung Quốc là rất thấp. Mặc dù việc sản xuất ở Trung Quốc bị gián đoạn có thể gây ra sự thiếu hụt nguyên liệu, MSH tin rằng các nhà cung cấp sẽ không lợi dụng sự kiện này để tăng giá nhờ mối quan hệ kinh doanh lâu dài và uy tín của Công ty.
Kế hoạch năm 2020 theo MSH chia sẻ có thể được điều chỉnh, do kết quả kinh doanh kém của mảng chăn ga gối đệm trong năm 2019 và tác động có thể xảy ra từ việc bùng phát dịch virus COVID-19.
Trước đây, MSH đã lên kế hoạch cho năm 2020 về doanh thu FOB đạt 165 triệu USD (tăng 10% và doanh thu mảng chăn ga gối đệm tăng 150%. Công ty có thể cần đánh giá tác động của dịch virus COVID-19 và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, SSI Research nhận định.
Ngược lại, các kế hoạch kinh doanh khác như ra mắt bộ sưu tập chăn ga gối đệm mới vào tháng 3, giao đơn hàng đầu tiên cho Walmart vào tháng 4, và việc đưa nhà máy SH10 đi vào hoạt động trong quý 4/2020 dự kiến vẫn diễn ra theo kế hoạch. Trong năm 2021, MSH dự kiến tăng giá trị đơn hàng của Walmart lên 10 triệu USD, so với giá trị đơn hàng trong năm 2020 là 2 triệu USD. Hoạt động của nhà máy SH10 cũng sẽ gia tăng công suất của MSH lên 35% trong năm 2021. Với những yếu tố hỗ trợ này, chúng tôi tin rằng MSH vẫn còn dư địa để tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trong năm 2021.
Chiều ngược lại, MSH không mong đợi được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA, vì Công ty không thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ từ khâu vải trở đi. Điều này cũng không gây thiệt hại nhiều vì EU không phải là thị trường xuất khẩu chiến lược của Công ty khi có tới 90% giá trị xuất khẩu của Công ty là sang thị trường Mỹ.
Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần MSH đạt 4.425 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ, LNST đạt 452 tỷ đồng tăng 22% so với 2018. So với kế hoạch, Công ty đã vượt 3% mục tiêu về doanh thu và vượt 15,6% mục tiêu về lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu MSH sẽ tiếp tục phục hồi?
05:30, 09/09/2019
Nguyên liệu dệt may đâu cần cách li?
15:00, 08/02/2020
[Triển vọng ngành 2020]: Những khó khăn tiếp tục làm giảm tăng trưởng ngành dệt may
01:22, 22/01/2020
Dệt may "lao đao" vì thị trường “nóng, lạnh” bất thường
03:00, 22/12/2019
Theo SSI, để đạt được lợi ích trong dài hạn (sau 2 năm khi thuế suất theo MFN giảm dần từ 12% xuống 0%), các doanh nghiệp dệt may phải nỗ lực để tăng tỉ lệ sử dụng vải trong nước trong đơn đặt hàng FOB sang EU.
Về việc sản xuất vải, SSI cho rằng đây là một nút thắt trong ngành vì nhiều lý do, bao gồm tác động tiêu cực của việc sản xuất vải đến môi trường.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP. Hai năm đầu triển khai, hầu hết các sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, bởi mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này thực tế cao hơn mức thuế suất theo GSP là 9%.
Trong 3-7 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu của hầu hết các sản phẩm từ Việt Nam sang EU được loại bỏ dần khỏi biểu thuế MFN từ 12% xuống 0%. Những sản phẩm sẽ được giảm thuế ngay lập tức là những sản phẩm không phải là hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU như sợi.
Theo SSI, trong số các công ty sợi niêm yết trong nước, hiện tại không có công ty nào có thị phần xuất khẩu sang EU.