Bí ẩn doanh nghiệp có số vốn đăng kí bằng “big four” của Việt Nam

Nguyễn Long 26/02/2020 15:40

Một doanh nghiệp đã đăng ký số vốn “khủng” lên đến 144 nghìn tỷ đồng, tương đương tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất Việt Nam.

Trụ sở doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng. Ảnh: BizLive

Trụ sở doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng. Ảnh: BizLive

Vốn khủng, kinh doanh đa ngành

Theo đó, Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC, trụ sở đăng ký tại số 10, ngõ 234, đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết doanh nghiệp này đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD). Đây là số vốn khủng tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (hiện khoảng 141.000 tỉ đồng).

Điều bất thường là số vốn góp lên tới 144 ngàn tỉ đồng sẽ được 3 cá nhân trên cam kết góp hoàn toàn bằng tiền VND. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khả năng kê khai vốn ảo rất cao.

Về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp này đăng ký 59 lĩnh vực kinh doanh, từ bất động sản cho đến tận giáo dục.

Cụ thể, các ngành nghề kinh doanh là xây dựng nhà để ở, xây dựng nhà không để ở, công trình đường sắt, đường bộ, công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông, công trình công ích…

Xây dựng công trình thủy, công trình khai khoáng, công trình chế biến - chế tạo. Ngoài ra, còn có bán lẻ đồ điện gia đình, giường tủ, bàn ghế, đồ nội thất, đèn…; kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, xe bus, xe taxi, vận tải hàng hóa…

Trong lĩnh vực giáo dục, doanh nghiệp đăng ký từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, trung cấp, đại học và thạc sỹ; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế; đăng ký hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa…

Có thể bạn quan tâm

  • Sàn giao dịch vốn khởi nghiệp: Cần cơ chế nào để hút vốn ngoại?

    04:00, 25/02/2020

  • Lời giải cho bài toán vốn của Startup

    11:03, 24/02/2020

  • Vốn đầu tư giảm mạnh, mùa đông đang đến với các startup Châu Á

    06:18, 24/02/2020

Ai là người đứng tên?

Doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập là bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng chiếm 40% vốn điều lệ. Cổ đông thứ ba là ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%). Ông Trần Gia Phong là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của USC Interco. Ông Phong sinh năm 1979, có hộ khẩu tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Đáng chú ý, người đại diện doanh nghiệp khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn trong 90 ngày theo quy định pháp luật. Vì vậy, theo quy định pháp luật thì cơ quan đăng ký kinh doanh buộc phải cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho họ.

Tuy nhiên, Cục Đăng ký kinh doanh cho biết đang theo dõi chặt chẽ, chủ yếu liên quan đến việc góp vốn mà không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Theo đó, nếu sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tình hình góp vốn.

Hiện theo Luật Doanh nghiệp nếu sau thời hạn 90 ngày, có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày.

Nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, thì theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả, bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.

Nguyễn Long