Nguyên liệu sản xuất sắp cạn

Thúy Anh 28/02/2020 10:50

Một số ngành sản xuất “cầm cự” trước nguy cơ thiếu nguyên liệu trước tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa phải ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BCT ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ phát triển xuất khẩu, tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, nhiều nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của dịch Coivd-19 tại Trung Quốc khi các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, thiếu hụt nhiều loại linh kiện để cấu thành sản phẩm.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo tính toán, với ngành điện - điện tử, năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã là khoảng 32 tỷ USD. Hiện tại, các doanh nghiệp chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3.

Trong khi đó, ngành dệt may và da giày, túi xách, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và 12,7 tỷ USD vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu. Nguyên phụ liệu ngành này còn đến khoảng giữa tháng 3 và đầu tháng 4. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất của ngành dệt may vì phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc.

Theo Cục Công nghiệp, đến cuối quý I năm nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ chịu ảnh hưởng từ việc thiếu hụt linh kiện. Cục Công nghiệp cũng đánh giá các doanh nghiệp Việt khó tìm được nguồn thay thế nguyên phụ liệu, linh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các sản phẩm đầu vào nhập khẩu từ các quốc gia khác thường có giá thành cao hơn từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu kinh kiện từ các nước khác ngoài Trung Quốc cũng khó khăn khi dịch diễn biến phức tạp, thận trọng trong giao thương hàng hóa.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, doanh nghiệp Việt nếu muốn sản xuất thì chỉ chi tiết rất đơn giản. Bản thân chi tiết đơn giản các hãng toàn cầu đã sản xuất cho tập đoàn này thì không sản xuất cho tập đoàn kia, không dùng chung nên lại càng khó. Cục đề xuất cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào.

Bộ Công Thương cũng đề xuất đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số mặt hàng quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục khó khăn từ bên ngoài; Đồng thời tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Thúy Anh