Hapro đang toan tính gì?
Việc Hapro tái cấu trúc mạnh mẽ cũng như bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG không còn trực tiếp đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Hapro được coi là một mũi tên trúng nhiều đích.
Cuối tháng 6/2018, Hapro đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông lần đầu, chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn BRG sau khi một công ty con của BRG bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược.
Một mũi tên trung nhiều đích
Sau gần 2 năm thực hiện cổ phần hóa, năm 2019 lợi nhuận trước thuế của Hapro đạt 141 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với năm 2018 và gấp 10 lần so với năm 2017. Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hapro đạt gần 60 triệu USD với trên 40.000 tấn hàng hóa các loại. Đây là một bước tiến vượt trội khi mà thời điểm trước cổ phần hoá, năm 2017, lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt trên 14 tỷ đồng. Hapro đã thực sự hồi sinh bởi tay ngang BRG.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là việc bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG không còn trực tiếp đảm nhận vị trí Chủ tịch Hapro từ ngày 11/2/2020, đồng thời Hapro đẩy mạnh thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp trong hệ thống.
Giữ cương vị Chủ tịch mới của Hapro là ông Nguyễn Thái Dũng, một người rất am hiểu trường bán lẻ với hơn 20 năm làm việc tại các Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia. Đây là người được kỳ vọng giúp Hapro xây dựng hệ thống bán lẻ với tiêu chuẩn quốc tế nhằm đem đến trải nghiệm mua sắm tối ưu nhất phục vụ người tiêu dùng, từ đó đưa Hapro tăng tốc trên nền móng và chiến lược đã được Hapro xây dựng trong suốt thời gian vừa qua.
Như vậy có thể nói việc BRG thâu tóm Hapro là một mũi tên bắn trúng hai đích. Một là tái cấu trúc nâng cao năng lực của Hapro theo hướng tập trung phát triển lĩnh vực bán lẻ, thương mại và xuất nhập khẩu; thứ hai là thâu tóm và khai thác hiệu quả các mảnh đất vàng hiện có.
Khai thác “đất vàng”
Việc bà Nga rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT cho thấy Hapro đang đi đúng lộ trình. Bởi những đồn đoán trước đó cho rằng BRG thâu tóm Hapro là “nhắm” tới các khu đất vàng nhiều hơn. Điều này là có cơ sở bởi, theo Bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa Tổng công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất.
Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.
Hàng loạt "đất vàng" tại Hà Nội mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: Số 19-21 Đinh Tiên Hoàng diện tích đất 280 m2; số 1 Điện Biên Phủ diện tích đất 500 m2; số 135 Lương Đình Của diện tích đất 1.843 m2; C12 Thanh Xuân Bắc diện tích đất 1.780 m2; D2 Giảng Võ Ba Đình diện tích 1.230 m2.
Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; Tòa nhà số 362 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng 7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2; dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2...
Bên cạnh đó, Hapro còn được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2...
Để xử lý khối “đất vàng” trên, trong năm 2019 Hapro đã liên tục thoái vốn tại nhiều công ty con sở hữu quỹ đất lớn.
Đáng chú ý, bên nhận chuyển nhượng cổ phần là các doanh nghiệp có ít nhiều liên quan tới Tập đoàn BRG. Chẳng hạn, đối với Công ty CP Gốm Chu Đậu Hapro, năm 2019 Hapro đã công bố thoái 21% vốn tại Gốm Chu Đậu cho Tập đoàn BRG, giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần.
Hay với thương vụ thoái vốn tại Hafasco, 2 đối tác nhận chuyển nhượng hơn 3,4 triệu cổ phiếu từ Hapro là Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại An Khang; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phương Đông. Đây vốn là các pháp nhân có liên quan tới Tập đoàn BRG.
Quay về giá trị cốt lõi
Năm 2020, Hapro định hướng tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công một số dự án Trung tâm thương mại mang thương hiệu Hapro Shopping Center, Hapro Shopping Mall, các chợ đầu mối, chuẩn hóa và mở rộng phát triển chuỗi siêu thị Hapromart và chuỗi cửa hàng chuyên doanh dịch vụ ăn uống mang thương hiệu Hapro Bốn Mùa và chuỗi các cửa hàng chuyên doanh khác. Những ngành kinh doanh thứ yếu, không còn phù hợp với định hướng phát triển, Hapro đang từng bước tiến hành thu gọn hoặc thoái vốn để tinh gọn bộ máy, đồng thời tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực cần tăng cường phát triển.
Như vậy có thể hiểu Hapro sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực truyền thống của mình đồng thời đẩy manh thoái vốn khỏi các công ty thành viên. Hapro thoái vốn tại nhiều đơn vị thành viên được kỳ vọng không chỉ giúp công ty tái cơ cấu toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn có thêm nguồn tiền dồi dào, đảm bảo nguồn lực tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.
Khai thác hiệu quả mảng thương mại dịch vụ từ Hapro cho thấy BRG đã làm rất tốt việc vốn tay ngang và bây giời là lúc BRG phát huy sở trường khai thác quỹ đất vàng đang có.