[GÓC NHÌN DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP ĐA CHIỀU] Tôi thấy tôi thương những con tàu!
“Tôi thấy tôi thương những con tàu - Ngàn đời không đủ sức đi mau - Có chi vương víu trong hơi máy..."?
Sau phát biểu “dừng tàu” gây sốc của ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR dư luận đặt câu hỏi về ngành đường sắt đúng như tâm trạng của nhà thơ Tế Hanh từ những năm 1938.
Tiền trở thành rào cản...?
Sự kiện nóng nhất trong tuần qua chính là những thông tin về dịch COVID- 19 và ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo, đường sắt này đang đối diện với nguy cơ phải dừng tàu do không có tiền chi trả lương cho công nhân.
Vấn đề “ngừng chạy tàu” được đưa ra trong buổi làm việc giữa Tổ công tác Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong bối cảnh nếu hoàn tất thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc bắc- nam, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5.2020.
Với khá nhiều người lao động đường sắt thì đây là tin sốc, vì trong lịch sử gần 140 năm, kể cả trong bom đạn chiến tranh, chưa bao giờ họ lâm vào cảnh “phải dừng tàu” huống hồ chi thời bình. Nhất là khi VNR vừa phải trình kế hoạch kinh doanh 2019… lỗ 168 tỷ đồng do Bộ GTVT triển khai 4 dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc- Nam với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng.
>>> Chi tiết xem tại đây
7.000 tỷ đồng "cứu trợ" đang ở đâu?
Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam được đánh giá đã xuống cấp ở mức trầm trọng từ nhiều năm nay. Nhiều nhà ga, cầu, hầm của tuyến đường cần được nhanh chóng được tu sửa, gia cố vì nó liên quan đến an toàn đường sắt. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sau nhiều lần đề xuất, cuối cùng dự án cũng đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư, cải tạo.
Theo đó, nguồn vốn để đầu tư cho dự án thuộc nguồn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn là 7.000 tỷ đồng. Quý IV/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức phê duyệt nguồn vốn này. Bộ GTVT cũng đã phê duyệt vào cuối năm 2019.
Như vậy, đến hết năm 2020, tức còn chưa đầy 1 năm nữa, việc nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sắt Bắc - Nam phải hoàn thành thì mới đảm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay, chưa dự án thành phần nào được tiến hành thi công. Dự kiến phải đến tháng 10/2020 mới khởi công hai dự án cải tạo công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn và hoàn tất vào năm 2021. Còn lại, tất cả vẫn nằm trên giấy tờ.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trước đây, Bộ GTVT giao cho VNR là một trong hai đơn vị thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam. Tuy nhiên, VNR vừa chuyển từ Bộ GTVT vể trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên hiện nay “Tổng” này không tham gia làm chủ đầu tư, dù trước đó toàn bộ công tác chuẩn bị dự án đều do “một tay” VNR thực hiện. Hiện thẩm quyền chủ đầu tư đã chuyển từ VNR sang PMU 85.
Sau thay đổi "hình hài” đơn vị chủ quản, do sự thiếu đồng bộ của các quy định pháp luật, VNR không được giao dự toán ngân sách bảo trì hạ tầng đường sắt, quản lý vốn,… dẫn đến thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong bảo đảm an toàn, có thể dẫn tới khả năng phải dừng chạy tàu.
>>> Chi tiết xem tại đây
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, một nhiệm vụ được Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh 2 tháng qua Tổng công ty đường sắt Việt Nam vì không được giao kinh phí bảo trì nên không có tiền trả lương cho hơn 1 vạn lao động, khiến nguy cơ phải dừng chạy tàu do mất an toàn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh: An ninh an toàn đường sắt là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Ngành đường sắt có nhiều đặc thù, chịu sự chi phối của nhiều luật như luật Ngân sách, luật Quản lý sử dụng tài sản công, luật Đường sắt; có hệ thống đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng, tuân thủ quy định pháp luật, trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
>>> Chi tiết chỉ đạo của Thủ tướng xem tại đây
Chỉ một ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 4 dự án đường sắt sử dụng 7.000 tỷ đồng vốn kế hoạch dự phòng 2016-2020.
Theo đó, đối với 4 dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM sử dụng 7.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2106 - 2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân công hợp lý, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/3.
>>> Chi tiết chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem tại đây
"Không phải muốn dừng là dừng!"
Sau tiếng "kêu cứu" của VNR, ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng tuyên bố như vậy là hơi quá, hoạt động của đường sắt quốc gia là việc rất lớn và phải được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
“Việc chạy tàu hay không phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đường sắt quốc gia không phải muốn chạy thì chạy, thích dừng là dừng! Vướng thì cùng nhau giải quyết chứ không thể vì vướng mà dừng chạy tàu” - Cục trưởng Đường sắt nói.
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt, những vướng mắc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang được tháo gỡ, Cục cũng rất nỗ lực để xúc tiến những giải pháp cần thiết, cùng VNR giải quyết khó khăn.
“Kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được Bộ Giao thông vận tải chuyển về tài khoản của Cục từ ngày 31/12/2019. Thời gian qua, Cục Đường sắt đã 4-5 lần mời VNR lên làm việc để thương thảo hợp đồng đặt hàng theo quy định, nhưng phía VNR cho biết chưa có quy định nào cho phép VNR ký hợp đồng với 20 doanh nghiệp bảo trì, bởi vậy đến nay VNR chưa ký kết với Cục và việc giao vốn hàng năm cho VNR chưa thực hiện được” - ông Khôi thông tin.
>>> Xem phản hồi của Cục Đường sắt tại đây
Đồng quan điểm với Cục đường sắt Việt Nam, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, các quy định pháp luật đã có đầy đủ, vấn đề ở chỗ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải phối hợp với Cục Đường sắt ký hợp đồng, giải ngân nguồn vốn.
“Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR 4 lần lên để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do doanh nghiệp (tức VNR) chứ không phải của Nhà nước”, ông Tiến nói.
Một tồn tại của VNR được Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chỉ rõ là doanh nghiệp này thuộc một trong những tổng công ty tái cơ cấu, chuyển đổi doanh nghiệp rất chậm.
“Khi Luật Đường sắt, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách ra đời, bộ máy của tổng công ty trên vẫn không thay đổi để phù hợp với luật. Bởi thế, khi tất cả các tổng công ty, doanh nghiệp khác thay đổi, chuyển sang đặt hàng đấu thầu dịch vụ công thì VNR vẫn muốn đòi làm theo dự toán. Nói thẳng ra là ông không làm được, mượn áp lực ép lên để thực hiện theo cơ chế cũ.
>>> Phản hồi của Cục Tài chính doanh nghiệp xem tại đây
"Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"!
Sau những tranh luận của VNR, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Tài chính doanh nghiệp, ai đúng, ai sai?
Trước hết, phải nói rằng tại thời điểm hiện nay, bất kể Bộ GTVT, Cục Đường sắt hay Tổng công ty ĐSVN đứng ra giao dự toán NSNN thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS đều ít nhiều vướng luật. Hệ thống hành lang pháp lý đều chưa bám sát được thực tế đang diễn ra hàng ngày.
Bản thân, dù rất muốn nhưng VNR cũng không thể giao nhiệm vụ cho 20 công ty CP như trước đây mà theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đường sắt và Nghị quyết 87 của Quốc hội phải tổ chức đấu thầu dịch vụ công.
Một lần nữa người ta thấy Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khá lúng túng trước những bất cập kéo dài của đường sắt mà không thấy “dấu ấn CEO” như kỳ vọng khi tách chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước của các bộ chủ quản.
Những ý kiến hiểu sâu về kinh doanh đường sắt cho rằng việc VNR đang phải dừng tàu thật, do không có khách đi tàu từ đầu năm đến nay mới là mối lo lớn và lâu dài hơn tuyên bố “gây sốc” vừa qua. Thời gian gần đây đường sắt đã phải liên tiếp bãi bỏ tàu khách Thống Nhất, sắp tới cũng sẽ phải dừng chạy tàu NA35/36 (Hà Nội-Vinh), SP1/2 (Hà Nội- Lào Cai).
Tự "cứu" mình nhanh hơn ỷ lại Nhà nước "cứu"
Sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các Bộ ngành để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc với ngành đường sắt diễn ra vào ngày 24/2, Bộ GTVT công bố công khai số liệu giao dự toán chi hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước năm 2020.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam hơn 2.800 tỷ đồng trong số dự toán chi ngân sách Nhà nước được giao cho hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 là 3.042 tỷ đồng.
Có thể thấy, hoạt động phụ thuộc vào dự toán ngân sách giao hằng năm, nên khi “bầu sữa mẹ” này gián đoạn, Tổng công ty đường sắt VN (VNR) và 20 công ty thành viên đã kêu cứu khắp nơi về nguy cơ dừng tàu, thiếu tiền trả lương cho công nhân.
Để "giải cứu" kịp hơn chục nghìn công nhân đường sắt và đảm bảo an toàn chạy tàu, rất có thể Chính phủ sẽ dành cho VNR một cơ chế riêng về giao vốn duy tu, bảo trì hoặc điều chuyển DN này ngược từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về lại Bộ GTVT như VNR mong muốn. Nhưng lần khủng hoảng này đã bộc lộ rất rõ những thiếu sót trong mô hình hoạt động của VNR, mà nếu không tìm được hướng giải quyết phù hợp, thì ngành đường sắt lúc nào cũng cần “giải cứu”.
>>> Chi tiết xem tại đây
Tới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các Bộ, ngành sẽ phải cân nhắc xem nhà nước nên giao dự toán ngân sách nhà nước cho Cục đường sắt hay Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì giúp cho đường sắt Việt Nam có cơ hội phát triển hơn? Những người am hiểu đường sắt đều cho rằng “giải cứu đường sắt” không đơn thuần là giao dự toán ngân sách quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho ai. Những vướng mắc về cơ chế, tổ chức chỉ là phần nổi.
Cần phải có một chiến lược đồng bộ để giải quyết những bất cập, khủng hoảng lâu nay của ngành đường sắt, làm sao đạt được mục tiêu như trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050: Ngành đường sắt phải “Phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả…”.
Và để làm được điều đó, cần đẩy mạnh quá trình thu hút vốn tư nhân vào hạ tầng đường sắt. Tư nhân đã tham gia phát triển thành công nhiều dự án hạ tầng đường bộ, đường không, nếu có thể áp dụng với đường sắt thì có lẽ con tàu Việt Nam sẽ sớm được "đi suốt bốn mùa vui"...