Gemadept sẽ “lột xác” nhờ EVFTA
Sau nhiều năm đầu tư ngoài ngành không thành công, Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD) đang “bẻ lái” trở lại từ mảng kinh doanh cốt lõi, đón bắt cơ hội mới khi EVFTA có hiệu lực.
Những ngày cuối năm 2019 các quỹ ngoại liên tục bán ra hơn 15 triệu cổ phiếu GMD sau nhiều đợt đăng ký.
Lợi nhuận giảm sâu
Mới đây nhất, VI FUND II đã đăng ký bán toàn bộ hơn 42,8 triệu cổ phiếu GMD vào cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên hết thời gian giao dịch vẫn chưa bán được bất kỳ cổ phiếu nào và vẫn là cổ đông lớn nhất của Gemadept với 14,4% cổ phần. Trên thị trường chứng khoán, sau giai đoạn lao dốc mạnh từ đầu tháng 11, cổ phiếu GMD hiện đang giao dịch quanh vùng đáy 18.900 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo tài chính của Gemadept cho thấy, doanh thu thuần quý 4/2019 đạt 645 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của Gemadept chỉ giảm nhẹ 2,5%. Tuy nhiên quý 4 và cả năm 2019, Gemadept ghi nhận sự sụt giảm sâu về lợi nhuận trước và sau thuế. Cụ thể, lợi nhuận quý 4 chỉ đạt 66,4 tỷ đồng, giảm 61,5% và lợi nhuận cả năm 2019 đạt 613 tỷ đồng, giảm sâu 68% so với năm 2018.
Giải trình về tình hình hoạt động kinh doanh, Ban Lãnh đạo Gemadept cho biết, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đạt mức tăng gần 96 tỷ đồng do tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh chính là khai thác cảng và logistics. Ngoài ra, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm hơn 190 tỷ đồng.
Tuy nhiên phân tích các chỉ số hoạt động kinh doanh, các chuyên gia chỉ ra rằng, sở dĩ Gemadept kém hiệu quả do các khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ. Trong giai đoạn 2009-2012, Gemadep đã đầu tư mạnh vào nhiều mảng kinh doanh không cốt lõi bao gồm cao su, bất động sản, môi giới, thực phẩm, ngân hàng, khai thác khoáng sản. Các mảng này có giá trị 2.331,7 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng tài sản. Hầu hết các khoản đầu tư này đều thua lỗ. Trong số các dự án đầu tư khổng lồ, dự án đồn điền cao su trị giá 1.745,8 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ do giá cao su kém khả quan. Hiện Gemadep đã tìm kiếm các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng để thoái vốn khỏi đồn điền cao su.
Thách thức gia nhập EVFTA
Cho đến nay Gemadep đã tạo dựng một thương hiệu trong mảng khai thác cảng, chủ yếu thông qua cụm cảng tại khu vực Hải Phòng. Các cảng của Gemadept ở Hải Phòng, bao gồm Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải ICD, có lợi thế về luồng lạch được nạo vét sâu với công suất khai thác cao và cơ sở hạ tầng hiện đại để đón tàu có trọng tải lớn.
Không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở miền Bắc, GMD còn hiện diện dọc theo chiều dài đất nước thông qua cảng Dung Quất (cảng hàng rời) ở khu vực miền Trung và cảng Phước Long ICD ở miền Nam…
Có thể bạn quan tâm
Gánh nặng của Gemadept
11:10, 16/08/2019
Gemadept- “bàn đạp” cho DN ngoại
06:20, 05/10/2017
Gemadept và đường đến logistics 3PL
23:27, 16/01/2016
Theo báo cáo của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), Gemadept chiếm 7,3% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Việt Nam trong năm 2018, xếp sau Tân cảng Sài Gòn (chưa niêm yết) – công ty khai thác cảng lớn nhất với hơn 50% thị phần tổng sản lượng hàng hóa của Việt Nam.
Theo Quy hoạch tổng thể của Bộ GTVT cho ngành cảng Việt Nam tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 869,6 triệu tấn vào năm 2020 và 1.542 triệu tấn vào năm 2030 (tương ứng tăng trưởng 5,9% mỗi năm trong giai đoạn 2020-30).
Giai đoạn 2021 sẽ thấp hơn dự báo nhưng vẫn duy trì ở mức hai chữ số vì sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU dự kiến sẽ tăng. Ngoài ra, theo các FTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế xuất nhập khẩu xấp xỉ 0% khi giao dịch với các thị trường mới ở Mexico, Peru, Canada và EU. Các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế biến gỗ, dệt may, nông sản và sản phẩm điện tử có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường này.
Theo đó Gemadept nói riêng và các doanh nghiệp cảng biển nói chung có thể hưởng lợi từ dòng chảy thương mại gia tăng. Dù là ông lớn của ngành nhưng doanh thu từ hoạt động kinh doanh khai thác cảng tăng, nhưng lĩnh vực logistics không còn được hợp nhất các công ty liên doanh do đã bán vốn năm trước, nên nguồn thu của Gemadept giảm mạnh so với năm 2018. Cộng với tình hình tài chính không được khoẻ mạnh, đầu tư ngoài ngành lớn sẽ là thách thức rất lớn đối với Gemadept trong bối cảnh cạnh tranh ngành cảng biển ngày càng khốc liệt…