Dự án Đạm Ninh Bình: Rủi ro tài chính, bất cẩn lựa chọn nhà thầu EPC
Một số chỉ tiêu quan trọng tại phương án tài chính được xác định không hợp lý, thiếu thận trọng dẫn tới việc đánh giá hiệu quả của dự án không chính xác, đầy đủ.
Đây là một phần nội dung Kiểm toán Nhà nước gửi lên Thủ tướng về dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc này dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc quyết định đầu tư dự án. Một số chỉ tiêu, số liệu không có thuyết minh, tính toán nên không đủ căn cứ đánh giá sự phù hợp.
Cụ thể, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của nhà máy (than cám 4a và cám 5) được xác định theo giá trung bình xuất khẩu và cố định không thay đổi trong suốt vòng đời của dự án (28 năm), là không hợp lý và thiếu thận trọng do theo văn bản số 5081/CV-KHZ ngày 2/7/2007 của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam về lộ trình tăng giá than cung cấp cho các đơn vị trong nước, giai đoạn từ năm 2007 đến 2030 giá than trong nước sẽ tăng bình quân từ 5-8%/năm.
Phương án tài chính thiếu thận trọng
Nếu áp dụng biểu giá và lộ trình tăng giá than theo văn bản số 5081/CV-KHZ, thì đến năm 2030 giá than tăng hơn giá được xác định tại phương án tài chính của dự án khoảng 49%, vượt ngưỡng an toàn 15% như thuyết minh, tính toán độ nhạy của dự án tại phương án tài chính.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Đạm Ninh Bình “nhập nhằng" thông tin xuất xứ
13:44, 08/03/2020
Dự án Đạm Ninh Bình: Kiểm toán "đụng” đâu sai đấy!
03:30, 07/03/2020
Đạm Ninh Bình ngày càng "bế tắc"
01:46, 06/03/2020
Đạm Ninh Bình "rối như tơ vò" vì điệp khúc lỗ và nợ
14:15, 06/08/2019
Phương án tài chính xác định từ năm thứ 3 kể từ khi đưa vào khai thác, sản lượng urê sản xuất ra được tiêu thụ hết toàn bộ trong năm (100% công suất của nhà máy theo thiết kế) mà chưa xem xét, tính toán một hệ số điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ do ảnh hưởng bất lợi bởi hiệu suất hoạt động của hệ thống và sự ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy urê trong nước khác và urê nhập khẩu là chưa hợp lý, thận trọng.
Phương án tài chính chưa tính toán độ nhạy của dự án đối với sự thay đổi của yếu tố công suất (sản lượng sản xuất và tiêu thụ) của nhà máy là chưa đầy đủ để đảm bảo tính thận trọng, an toàn cho phương án. Kết quả tính toán độ nhạy của dự án ảnh hưởng bởi sự thay đổi của công suất chạy máy (trong điều kiện giả định tất cả các yếu tố khác tại phương án tài chính không thay đổi) cho thấy, nếu công suất và sản lượng tiêu thụ đạt dưới 95% công suất thiết kế thì dự án sẽ không khả thi do không có khả năng hoàn vốn.
Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, một số chỉ tiêu tính toán tại phương án tài chính không có thuyết minh căn cứ, cơ sở và số liệu tính toán chi tiết, như nguyên giá tài sản cố định để trích khấu hao; chi phí nguyên liệu, nhiên liệu và điện, chi phí tiền lương, chi phí bảo dưỡng, chi phí khác, doanh thu sản phẩm phụ, chi phí quản lý khác; phần vốn lưu động của từng năm (vốn lưu động của tài sản có bao gồm các khoản phải thu; lưu kho; tiền mặt; dự trữ khác; doanh thu bán điện hàng năm, thuế GTGT tương ứng; Vốn tài chính; cơ sở của việc sử dụng vốn chủ đầu tư chi trả phần xây dựng và toàn bộ chi phí lãi vay; cơ sở, cách xác định lãi suất chiết khấu của dự án i=8,53%.
Vì không có hồ sơ, tài liệu, căn cứ tính toán chi tiết nên chưa có đủ căn cứ, cơ sở để xác định tính đúng đắn, hợp lý của số liệu liên quan. “Do đó, trách nhiệm liên quan đến tồn tại, hạn chế này thuộc về đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp Hóa chất, đơn vị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổ thẩm định của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, cơ quan phê duyệt là Tổng công ty Hóa chất Việt Nam”, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Không kiểm tra năng lực nhà thầu EPC
Nhà thầu EPC của dự án được lựa chọn theo hình thức đàm phán trực tiếp (Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương theo văn bản số 185/TTg-CN ngày 25/1/2006). Nhà thầu tham gia đàm phán với chủ đầu tư là Tổng công ty Thiết kế Thầu khoán Hoàn Cầu – Trung Quốc (HQCEC), do Phòng tham tán Kinh tế và Thương mại (Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) giới thiệu tại văn bản số 112TM/2005 ngày 30/8/2005.
Tuy nhiên, theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, công tác đàm phán, thương thảo và lựa chọn nhà thầu EPC của dự án còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của gói thầu EPC nói riêng và dự án nói chung. Đơn cử, công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu của gói thầu EPC còn sai sót về xác định số lượng thiết bị, các nội dung yêu cầu đối với năng lực nhà thầu tham gia chưa được nghiên cứu để đưa vào hồ sơ yêu cầu. Hồ sơ yêu cầu chưa phù hợp về số lượng máy nghiền và sấy than so với số lượng máy nghiền và sấy than trong báo cáo trong báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế sơ bộ).
Cụ thể, báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế sơ bộ) quy định “Hệ thống nghiền và sấy than: 2 máy nghiền và sấy than đồng thời (1 máy chạy, 1 máy dự phòng), công suất mỗi máy 70 tấn/giờ”. Tuy nhiên, hồ sơ yêu cầu đối với xưởng khí hóa phải có “3 dây chuyền nghiền sấy than, mỗi dây chuyền công suất bằng 50% công suất của xưởng khí hóa, trong đó 2 dây chuyền hoạt động, 1 dây chuyền dự phòng, công suất mỗi dây chuyền 70 tấn/giờ”.
Hồ sơ yêu cầu không có quy định các điều kiện cụ thể về năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật của nhà thầu là không tuân thủ quy định tại Mục 16, Điều 1, Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 của Chính phủ. Trách nhiệm liên quan đến những tồn tại này theo Kiểm toán Nhà nước, thuộc về tư vấn lập là Trung tâm tư vấn thiết kế xây dựng (CECO), đơn vị phê duyệt là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, quá trình đánh giá năng lực nhà thầu EPC còn hạn chế, thiếu thông tin khẳng định năng lực nhà thầu phù hợp với thông tin tự kê khai tại hồ sơ đề xuất, do đó thông tin năng lực của nhà thầu khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là thiếu căn cứ, thông tin, tài liệu để chứng minh.
Cụ thể, chủ đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất không xem xét, kiểm tra kỹ năng lực của nhà thầu EPC thông qua việc yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, bằng chứng cụ thể để chứng minh năng lực, kinh nghiệm như đã kê khai tại hồ sơ đề xuất (kinh nghiệm từng tham gia thi công các công trình ở Trung Quốc và quốc tế).
Chủ đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ không chính xác, đầy đủ về thông tin năng lực của nhà thầu EPC. Tại thời điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1144/CV-ĐTXD ngày 30/9/2005, chủ đầu tư chưa chắc chắn về năng lực nhà thầu nhưng lại khẳng định “đã xem xét kỹ năng lực nhà thầu HQCEC và đủ năng lực để tham gia dự án”. Tuy nhiên, sau đó tại văn bản số 1206/CV-ĐTXD ngày 19/10/2005, chủ đầu tư vẫn yêu cầu nhà thầu QHCEC bổ sung hồ sơ năng lực để xem xét lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC. Theo đó, yêu cầu bổ sung một số đối tác có đầy đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để thành lập một liên doanh thực hiện gói thầu EPC.
Thực tế thi công, nhà thầu HQCEC thực hiện gói thầu EPC đã thực hiện không đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng, nhiều hạng mục đến thời điểm bàn giao vẫn còn tồn tại phải sửa chữa, tiếp tục hoàn thiện,thậm chí có hạng mục chưa thi công. Một số chỉ tiêu kỹ thuật không đạt thông số đảm bảo. Các tồn tại này đã được chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất các phiên đàm phán, giải quyết các vấn đề tồn tại sau khi bàn giao quyền điều hành nhà máy. “Trách nhiệm liên quan đến những tồn tại này thuộc về Tổ chuyên gia đàm phán và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam”, Kiểm toán nhà nước nêu rõ.