Nút chờ của bột giặt NET
Hậu M&A Netco, Masan hứa hẹn từng bước đưa bột giặt NET từ “thương hiệu nông thôn” trở thành thương hiệu phổ biến.
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong số hơn 30 công ty trong nước, NET (Công ty cổ phần Bột giặt Net - Netco) là 1 trong 3 công ty có chỗ đứng nhất định trên thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận (chủ yếu là thị trường nông thôn).
Thương hiệu hơn nửa thế kỉ còn sót lại
Tiền thân của Công ty cổ phần Bột giặt NET (Netco - Mã: NET) là Việt nam Tân Hóa phẩm công ty, được xây dựng từ năm 1968. Đến năm 1972, nhà máy chính thức hoàn thành đưa vào sản xuất với công suất thiết kế 5.800 tấn sản phẩm/năm.
Lúc mới thành lập, Việt nam Tân hóa phẩm công ty đã cho một số thành viên trong công ty sang nước cộng hòa Pháp học cách làm xà bông bột. Sau khi trở về nước, những thành viên này lấy tên thương hiệu là NET.
Năm 1975, Chính phủ quốc hữu hóa và chuyển tên gọi từ Việt Nam Tân hóa phẩm Công ty thành Nhà máy quốc doanh Bột giặt Đồng Nai hạch toán dưới dạng báo sổ trực thuộc công ty Bột giặt Miền Nam.
Năm 1992, được sự chấp thuận của Tổng công ty hóa chất công nghiệp và hóa chất tiêu dùng, công ty đã nhận lại Nhà máy Mỹ phẩm Bình Đông và chuyển chi nhánh NET từ số 39 Phó cơ Điều, phường 12, quận 5, TP HCM về số 617 – 629 bến Bình Đông, phường 13, quận 8, TP HCM
Năm 2000, Công ty khánh thành chi nhánh NET tại km 01 đường Phan Trọng Tuệ, huyện Thanh Trì, thủ đô Hà Nội với một tháp Bột giặt có công suất 10.000 tấn bột giặt/năm.
Tháng 4/2003, Bộ Công nghiệp có quyết định số 50/2003/QĐ-BCN về việc cổ phần hóa công ty Bột giặt NET. Đến ngày tháng 7/2003, công ty chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Bột giặt NET với số vốn điều lệ là 22 tỉ đồng.
Kể từ khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của Bột giặt Net liên tục được điều chỉnh tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Cuối năm 2009, sau 6 năm đổi mô hình hoạt động, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng gấp đôi, từ 22 tỉ lên thành 45 tỉ đồng. Đến năm 2016, vốn điều lệ của Bột giặt Net đạt gần 224 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với ở thời điểm bắt đầu cổ phần hoá và giữ nguyên đến nay.
Tháng 4/2010, ĐHĐCĐ Netco đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến giữa tháng 9/2010, Công ty chính thức thực hiện giao dịch cổ phiếu tại HNX.
Netco có 2 nhà máy, 1 tại Hà Nội và 1 tại Biên Hòa, với công suất thiết kế khoảng 180.000 tấn bột giặt và 90.000 tấn tẩy rửa lỏng.
Bột giặt Net cho biết đã đầu tư công nghệ phun sấy trong sản xuất bột giặt, đối với các sản phẩm tẩy rửa lỏng thì áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến nhất, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chống vi sinh. Sử dụng tia cực tím xử lí nước đưa vào sản xuất.
Công nghệ này của Netco được các chuyên gia kĩ thuật của Unilever tư vấn và hỗ trợ.
Không chỉ nhận hỗ trợ về công nghệ từ Unilever, hiện Bột giặt Net còn được xem là đối tác quan trọng của Unilever tại thị trường Việt Nam.
Doanh nghiệp nội địa này chính là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa mang nhãn hiệu nổi tiếng quen thuộc với mỗi gia đình người Việt, như bột giặt OMO, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà VIM…
Ngoài việc cung ứng sản phẩm cho Unilever, Bột giặt NET còn cung ứng một lượng lớn bột giặt, nước rửa chén cho thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Australia, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi…
Việc gia công đã giúp bột giặt NET lấp đầy công suất thừa và hoạt động khá nhàn. Ngược lại, giá trị gia tăng đến từ việc gia công cho Unilever là khá thấp. Vì vậy, song song với việc vẫn làm gia công, doanh nghiệp buộc phải tìm cách mở rộng quy mô và phát triển sản phẩm riêng để có hiệu quả lớn hơn.
Sau khi mua lại nhà máy của Unilever tại Hà Nội, đồng thời tăng dần lượng sản phẩm mang thương hiệu riêng, tỉ lệ gia công của Netco đã giảm từ mức 70% năm 2.000 xuống các mức thấp trong những năm gần đây.
Netco hiện cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu của Netco đã tăng từ 33% trong tổng doanh thu năm 2016 lên gần 50% tổng doanh thu năm 2017 và 2018. Các thị trường mang lại nhiều doanh thu là Nhật Bản, Philippines và Campuchia. Theo đó, thị trường xuất khẩu bột giặt được mở rộng sang cả Đài Loan, Australia, Nam Phi.
Năm 2019, Hội đồng quản trị Netco cho biết công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của đội nghiên cứu sản phẩm và thị trường của Công ty nhằm đưa ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, kết hợp quảng bá hình ảnh công ty và thương hiệu NET.
Lợi nhuận lại tỷ lệ nghịch với quy mô sản xuất
Tuy là đối tác chiến lược của Unilever và có thị trường xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, song tình hình kinh doanh những năm gần đây của Bột giặt Net lại không ổn định.
Đỉnh cao nhất của doanh nghiệp bột giặt nội địa này là giai đoạn 2015-2016, khi lợi nhuận trước thuế vượt 100 tỉ đồng. Kể từ đó đến nay, lợi nhuận của Bột giặt Net liên tục sụt giảm. Điều đáng chú ý là dù lãi giảm liên tục thì ngược lại, doanh thu của công ty tăng đều đặn hàng năm.
Năm 2018, Bột giặt Net đạt tổng doanh thu 1.128 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2017. Đây cũng là năm mà Bột giặt Net có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, lãi trước thuế của doanh nghiệp chỉ ở mức 60 tỉ đồng, giảm 18% so với năm 2017. Đây lại là một trong những năm mà Net có lợi nhuận thấp nhất.
Báo cáo thường niên năm 2018 của Bột giặt Net cho biết doanh thu chính của công ty đến từ các sản phẩm chất tẩy rửa, như bột giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, nước xả vải.
Trong đó, doanh thu nội địa đạt 760 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kì. Doanh thu xuất khẩu đạt 357 tỉ đồng, tăng 5%. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tốc độ tăng trưởng sản phẩm và doanh thu từ xuất khẩu có xu hướng tăng nhanh hơn thị trường nội địa.
Năm 2019, Netco ghi nhận doanh thu thuần 1.157 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của Netco chỉ tăng 4% nhưng lợi nhuận tăng trưởng tới hơn 40%.
Tại báo cáo thường niên năm 2018, lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định năm 2019 sẽ là một năm nhiều thách thức. Ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khi các công ty đa quốc gia chiếm tỉ trọng lớn về sản phẩm chất tẩy rửa tại thị trường nội địa.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng đang trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, khiến thị trường hàng tiêu dùng ngày càng chật vật.
Đáng chú ý, trước khi Tập đoàn Masan thông tin đề nghị chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty CP Bột giặt Net, thì một loạt nhà đầu tư lớn đã thoái vốn khỏi công ty bột giặt này.
Ngày 10/12/2019, tổ chức America LLC đã hoàn tất bán hơn 2 triệu cổ phiếu NET, tương đương 9,33% vốn của Bột giặt NET. Giao dịch được America LLC thực hiện bằng phương thức thoả thuận. Ứớc tính America LLC thu về được hơn 95 tỉ đồng từ đợt chào bán này.
Tổ chức America LLC thoái toàn bộ vốn khỏi Bột giặt Net diễn ra đúng 1 tuần trước khi công ty này chốt danh sách cổ đông, để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt. Tỉ lệ tạm ứng là 8%, tức mỗi cố phiếu nhận được 800 đồng.
Không chỉ America LLC, quỹ ngoại Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund cũng không còn là cổ đông lớn của Bột giặt Net, khi bán ra 384.000 cổ phiếu, giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty từ 5,29% xuống còn 3,57%.
Trước America LLC và Jom Silkkitie Asia Equity Investment Fund, đầu tháng 7, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng thoái vốn thành công khỏi Bột giặt Net, tỉ lệ sở hữu sau thoái vốn từ 51% xuống còn 36%. Việc thoái vốn của Vinachem được thực hiện theo lộ trình thoái vốn nhà nước.
Chờ Masan thể hiện năng lực M&A
Ngoài truyền thống lâu đời, NETCO không có gì nổi trội khi chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần trong ngành hàng chất tẩy rửa hiện nay. Đây là con số rất nhỏ so với Unilever chiếm 54,9% thị phần, Procter & Gamble 16,0%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.
Được biết, NETCO là một trong số ít những DN mà Vinachem thoái vốn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Bởi mẫu số chung của nhóm DN này là đều được Vinachem mang ra đấu giá với mức giá cao “ngất ngưởng” trong khi hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí sụt giảm.
Tuy nhiên, độ “hot” của cổ phần Bột giặt NET nằm ở những lô đất công ty đang quản lý, bao gồm 60.000m2 đất công nghiệp thuê 50 năm trả tiền hàng năm tại khu công nghiệp (KCN) Lộc An, Bình Dương, Đồng Nai – là văn phòng công ty; 21.196,6m2 đất côn nghiệp thuê 50 năm tại KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai; 2.045,5m2 đất thương mại dịch vụ thuê trả tiền hàng năm tại số 617-629 Bến Bình Bông, phường 13, quận 8, Tp.HCM; 1.549m2 đất thương mại dịch vụ tại số 617-629 Bến Bình Bông, phường 13, quận 8, Tp.HCM; 4.699m2 đất thương mại dịch vụ tại km số 1, đường Phan Trọng Tuệ, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.
Sau khi Vinachem và các quỹ ngoại đồng loạt thoái vốn, Masan thông qua công ty con cũng đã hoàn tất việc mua lại Công ty Cổ phần Bột giặt NET (NETCO). Masan đã chi ra khoảng 550 tỷ đồng để mua lại 52% cổ phần của NETCO với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, NETCO được định giá khoảng 46 triệu USD. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Masan tiếp quản Vimart, Vinmart+ cùng các nông trại VinEco từ tay Vingroup.
Kế hoạch kinh doanh hậu M&A với Netco chưa được Masan tiết lộ cụ thể. Song, động thái đầu tiên của Masan là tích hợp Netco vào hệ thống phân phối của mình gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống và 3.000 siêu thị VinMart, VinMart+ trên cả nước.
Mục tiêu chiến lược của Masan là đưa NET từ “thương hiệu nông thôn” trở thành thương hiệu phổ biến trên cả nước. Trong năm nay, Masan sẽ hoàn tất việc xây dựng một phòng nghiên cứu phục vụ phát triển sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc gia đình.
Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ phân chia thị phần trong ngành hàng chất tẩy rửa có thể thấy các hãng nước ngoài đã thâu tóm thành công thị trường Việt Nam. Sử dụng chất tẩy rửa nước ngoài đã trở thành thói quen của người Việt.
Có thể bạn quan tâm
Masan Consumer hoàn tất mua 52% cổ phần Công ty Cổ phần Bột giặt Net
09:55, 20/02/2020
[VANG BÓNG MỘT THỜI] Bột giặt LIX và cuộc chiến “ngầu bọt”
03:17, 18/02/2020
Bột giặt NET sẽ “trôi” về đâu?
05:25, 21/12/2019
Trước đó, Cục Quản lí cạnh tranh đánh giá rằng các DN bột giặt trong nước hiện đang thất thế so với Unilever và P&G do khả năng quyết định giá hạn chế. Các doanh nghiệp trong nước muốn tiêu thụ sản phẩm bắt buộc phải bán với mức giá rẻ hơn trung bình khoảng 30-40% so với mức giá sản phẩm của thương hiệu ngoại.
Điều này cũng đồng thời cho thấy sức cạnh tranh sụt giảm rõ rệt của các DN Việt Nam trong nhiều ngành hàng. Số liệu từ báo cáo của Euromonitor cho thấy, lĩnh vực chăm sóc cá nhân và gia đình là ngành tiêu dùng giá trị khoảng 3,1 tỉ USD. Tuy nhiên, thị phần hiện tại của Netco trong ngành hàng bột giặt chỉ là 1,5% so với 54,9% thị phần của Unilever và 16% của Procter & Gamble.
Dù vậy, thực trạng yếu kém cũng là cơ hội lớn cho NET, thương hiệu Việt tồn tại hơn nửa thế kỷ. Với việc chấp nhận bỏ ra một mức giá cao so với thu nhập hiện tại (P/E khoảng 19 lần), một số phân tích lại thấy rằng Masan đã nhìn thấy cơ hội nếu giữ được thương hiệu Việt Nam và làm mới NET. Chấm dứt kiếp gia công, giành lấy thị phần để tăng lợi nhuận.
Với việc lập một công ty thành viên thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình, kết hợp các điểm phân phối và dòng tiền của Netco, Masan cũng được dự báo sẽ tràn sang các sản phẩm khác như sữa tắm kem đánh răng bằng cách thức nào đó, có thể trước mắt là phân phối…
Nhìn vào thực tế kinh doanh của bột giặt Net, chiến lược “tạo ra sản phẩm vượt trội” và “thương hiệu truyền cảm hứng” của Masan Consumer sau khi thâu tóm Netco có “qua mặt” được các ông lớn hay không, hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.