R&D - Đâu phải muốn là có
Thúc đẩy R&D giúp Việt Nam cạnh tranh trong vai trò là nhà sản xuất công nghệ cao là chiến lược dài hơi và mang nhiều lợi ích hơn là thay thế vai trò công xưởng giá rẻ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, mục tiêu trở thành trung tâm R&D của Việt Nam hiện nay đang khá xa vời.
Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nhiều vốn R&D từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Intel, Samsung, LG, Microsoft, Panasonic...
Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright): Việt Nam đã xác định động lực tăng trưởng tới đây dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, do đó, nên có nhiều ưu đãi cho lĩnh vực này. Các nội dung này đang dần được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có việc thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên. Việt Nam có thể là công xưởng bên cạnh một số công xưởng khác chứ không thể nào thay thế Trung Quốc do Việt Nam có địa bàn hẹp, lực lượng lao động ít hơn. Trong khi đã gọi là công xưởng thế giới, đòi hỏi phải phát triển trên quy mô chiều rộng. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu thu hút và phát triển theo chiều sâu chứ không nên là chiều rộng như Trung Quốc trong thời gian qua. Việt Nam chỉ có thể thoát được “cái áo” gia công dịch vụ khi hàm lượng R&D trong sản phẩm thật sự tăng. Trước đây, các nước trong khu vực, thậm chí các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật cũng đi làm thuê cho các nước khác nhưng đã biết đầu tư cho R&D để bứt phá khi vươn ra thị trường quốc tế. |
Điều kiện cần đã hình thành
Mới đây, Samsung Việt Nam vừa công bố kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Khu Đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Trung tâm này có vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022. Đây cũng là Trung tâm R&D được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm R&D của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá, nhờ trung tâm này, dấu ấn R&D của người Việt sẽ rõ ràng hơn không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (A.I), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G...
Nhưng trước đó, Việt Nam đã thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và các thiết bị di động lớn của thế giới. Riêng sản xuất điện thoại di động, với các nhà máy của Samsung, số lượng điện thoại di động thông minh sản xuất tại Việt Nam đứng thứ 2 thế giới. Điều đó cũng có nghĩa VIệt Nam đã và đang hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất điện thoại di động. Tuy nhiên, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia lại mong muốn: “Việt Nam đã trở thành công xưởng lớn sản xuất thiết bị di động. Tôi hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thiết kế, trung tâm R&D của thế giới”.
Thực tế, nhiều ứng dụng S Pen, S Note, Knox, Smart Switch... đều có dấu ấn của các kỹ sư Việt Nam. Tuy nhiên, dấu ấn R&D của người Việt hiện đang rất mờ nhạt do đây đều là các sản phẩm thuộc bản quyền Samsung. Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho nguồn lực về con người để có thể tham gia những khâu có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là khâu thiết kế những linh kiện, thiết bị quan trọng.
Muốn đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho R&D, cần tạo ra một đội ngũ kỹ sư không chỉ biết lắp ráp mà còn biết thiết kế những sản phẩm có công nghệ hàng đầu.
Gần đây, Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực về hoạt động R&D từ các tập đoàn công nghệ lớn khác như Qualcomm, Grab, Fujitsu, SAP, Google... Sự bùng phát của dịch COVID-19 chỉ củng cố thêm quyết tâm dịch chuyển cơ sở sản xuất tại Trung Quốc của các tập đoàn công nghệ. Trong xu hướng này, Việt Nam là một lựa chọn với những ưu thế về thị trường, nhân lực và giờ đây là cả tiềm năng về R&D.
Trong lĩnh vực dược phẩm, vốn thường xuyên đòi hỏi chi phí nghiên cứu và phát triển lớn, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpham (IMP) thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ ở mức 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm khá đều đặn. Trong đó, phần lớn được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Riêng trong năm 2018, phòng R&D của IMP đã nghiên cứu và đưa ra thị trường 17 sản phẩm mới.
Điều kiện đủ mới manh nha
Như đã nói, để tham gia vào chuỗi toàn cầu, cần phải có một đội ngũ kỹ sư không chỉ biết lắp ráp mà còn biết xây dựng, thiết kế những công nghệ hàng đầu. Vấn đề là làm thế nào để có thể đào tạo ra lớp kỹ sư như thế này.
Có một sự thật là các doanh nghiệp như Samsung nếu tuyển dụng các kỹ sư Việt Nam đều phải có chương trình đào tạo lại từ đầu để thích ứng với môi trường của doanh nghiệp. Phần lớn các kỹ sư Việt Nam hiện nay đang ở mức độ tiếp thu công nghệ và ứng dụng. Lý thuyết được xây dựng trên thực tiễn, muốn có được lớp kỹ sư biết xây dựng, sáng tạo thay vì tiếp thu, ứng dụng thì Việt Nam cũng cần có cơ sở hạ tầng đặt ra những nhu cầu cho các kỹ sư. Tuy nhiên, nền tảng công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam hiện nay đang rất yếu, gần như không có và phụ thuộc hẳn vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Mô hình điển hình nhất của phát triển công nghiệp phụ trợ tiến tới R&D tại Việt Nam là VinGroup với 2 dòng sản phẩm xe Vinfast và điện thoại VinSmart. Trong lĩnh vực xe điện, Vinsfast mua bản quyền sản xuất công nghệ pin lithium của LG. Nhờ đó, VinGroup sẽ có dây chuyền sản xuất pin lithium riêng, đào tạo được lớp nhân lực mới phù hợp với công nghệ phát triển để sẵn sàng cho bước chuyển sản xuất các sản phẩm R&D của mình. Lưu ý rằng VinGroup cũng đang phối hợp với Siemens để nghiên cứu phát triển công nghệ pin lithium mới của mình, ứng dụng cho các loại xe điện trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc "hút" các dự án R&D dược phẩm
07:30, 02/08/2019
Nông nghiệp không thể “hà tiện” cho R&D
11:03, 03/12/2018
Nhật Bản: Xu hướng chuyển dần các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tới Việt Nam
07:00, 21/09/2018
Doanh nghiệp và bài toán nguồn nhân lực R&D
05:39, 31/10/2017
Hay Vinsmart cũng được thiết kế dựa trên những nền tảng của Xiaomi. Nhưng đến nay các sbarn phẩm dòng Vinsmart đã có những bước tiến vượt trội về thiết kế cũng như thuật toán AI cho máy ảnh tích hợp. Hệ điều hành VOS 2.0 được phát triển dựa trên nền tảng của Android 9.0 được đánh giá tương thích với người Việt. Hệ sản phẩm của Vinsmart đều dựa trên nền tảng nhập ngoại, hoàn thành chuỗi công nghiệp phụ trợ của riêng VinGroup, từ đấy thúc đẩy R&D.
Tuy nhiên, quá trình này của VinGroup mới chỉ diễn ra trong vòng 3 năm trở lại đây và đang chỉ ở mức bắt đầu nghiên cứu. Để VinGroup có thể có một sản phẩm R&D của riêng mình - như Bphone – nhưng mang tính phổ cập hơn, thì vẫn còn phải mất thêm nhiều nhiều thời gian nữa.
Đây là con đường Việt Nam nếu muốn trở thành một trung tâm R&D.