[GỠ KHÓ CHO NGÀNH THÉP] COVID-19 đang “phong tỏa” ngành thép
Để vượt qua COVID-19, ngoài sự chủ động của bản thân, ngành thép rất cần sự hỗ trợ của nhà nước liên quan đến các chính sách lãi suất, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu...
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, cũng như nhiều ngành nghề khác, dịch bệnh COVID-19 tác động đến ngành thép trong nước ở cả sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, ở chiều hướng tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp trong ngành thép 2 tháng đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng đáng kể. Nhiều công trình xây dựng trong nước, ngoài nước sử dụng thép cũng bị trì trệ, khiến cho nhu cầu sử dụng thép giảm so với cùng kỳ năm trước.
Với nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, khi các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tiêu thụ thép xây dựng từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 65% so với cùng kỳ 2019, xuất khẩu bằng 80% so với cùng kỳ 2019.
Sụt giảm sản lượng
Về mặt hàng, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tiêu thụ trong nước đạt gần 70%, xuất khẩu bằng 60% so cùng kỳ năm 2019; thép cán nguội bán hàng bằng 87% và xuất khẩu 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái...Theo đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam, thị trường diễn biến bất lợi và dịch COVID-19 tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tổng công ty. Cụ thể, hoạt động tháng 2 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19, tiêu thụ đến hết 26/2 mới đạt gần 14.000 tấn, chỉ đạt 23% kế hoạch tháng. Dự kiến tiêu thụ thép cán quý I chỉ đạt được 75% mục tiêu đề ra và việc thực hiện kế hoạch 2020 sẽ rất khó đạt được.
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ "khủng hoảng thừa" ngành thép Trung Quốc và hệ lụy
07:15, 15/01/2020
[Triển vọng ngành 2020]Dự báo xu hướng tăng trưởng ngành thép
01:04, 11/01/2020
Trở ngại ngành thép chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến HPG?
00:19, 06/01/2020
Mất cân đối cung cầu, gian lận xuất xứ: Sức ép kép của ngành thép Việt Nam
00:17, 06/10/2019
Vận xám bao trùm ngành thép
10:00, 01/10/2019
"Đại chiến" ngành thép: Tăng thuế hay không?
15:24, 12/09/2019
Với Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), đại diện VNSteel cho biết, đây là đơn vị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong các đơn vị thuộc hệ thống Tổng công ty bởi dịch bệnh do đặt gần biên giới Việt - Trung và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa 2 bên. Các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị của công ty chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị ngừng trệ, đặc biệt, tồn kho than cốc hiện rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu thụ quặng sắt trong nước. Xuất khẩu phôi thép của công ty cũng bị ngưng trệ. Dự kiến, quý II đơn vị sẽ vẫn khó khăn.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Tổng công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu VTM gấp rút làm việc với các cơ quan hữu quan của Lào Cai để nối lại hoạt động xuất nhập bình thường đối với mặt hàng than cốc và phôi thép nhằm duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Đồng thời, VTM tìm kiếm các nguồn than cốc đường biển để thay thế từ Nga, Indonesia… Tổng công ty cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ UBND tỉnh Lào Cai về các vấn đề giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh ghiệp…
Đối với Tisco, doanh nghiệp rà soát lại các hợp đồng về than điện cực, vật liệu chịu lửa và có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất; kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu theo kế hoạch thận trọng và an toàn; làm việc với các nhà phân phối thép để điều chỉnh các chính sách tiêu thụ thành phẩm theo điều kiện hiện tại.
Cần chính sách tài chính
Để giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp ngành thép, ông Nguyên kiến nghị, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ, có thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ. Đồng thời có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.
Cùng với đó, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - chuyên gia ngành thép, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp ngành thép, khó khăn chủ yếu đến từ việc các thị trường thắt chặt kiểm soát dịch bệnh, khiến cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất thép trong nước và xuất khẩu đều gặp khó.
Vì vậy, doanh nghiệp thép trong nước cần chủ động kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu để có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất. Mặt khác, để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp cần chú ý đến những diễn biến thị trường, làm tốt công tác dự báo để có những chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường trong nước cũng như thế giới.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp, trong đó có ngành thép. Về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất trong nước, bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.