Chủ tịch Nafoods: "Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng vẫn chỉ nằm ở đâu đó, chưa tới được doanh nghiệp"

Thy Hằng 02/04/2020 11:42

Chủ tịch Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng doanh nghiệp rất mừng, nhưng gói hỗ trợ này vẫn chỉ nằm ở đâu đó, doanh nghiệp xin giãn nợ thi bị cho vào nợ xấu.

Được mệnh danh là những “chiến sĩ áo xanh” trong cuộc chiến chống COVID-19, những doanh nghiệp nông nghiệp có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm phục vụ cho cuộc chiến.

Dù được đánh giá là có nhiều cơ hội hơn các doanh nghiệp lĩnh vực khác, tuy nhiên, chính những “chiến sĩ áo xanh” này cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện vai trò “hậu phương” của mình. 

Nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tiép cận gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp "vượt bão" COVID-19.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cho biết, để giúp doanh nghiệp "vượt bão", chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã có, các gói hỗ trợ như gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn nợ... đã có nhưng chưa đến được doanh nghiệp.

“Khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 tỷ doanh nghiệp rất mừng, vì đơn hàng có, nguyên liệu có chỉ cần có vốn để đẩy sản xuất. Nhưng khi đăt vấn đề với các ngân hàng thì được cho biết, chính sách hỗ trợ nói là như thế nhưng phân bổ về các ngân hàng thương mại phải thẩm định, cẩn thận. Hiện các ngân hàng chi nhánh đều phải thận trọng chưa dám cho vay khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy hỗ trợ tín dụng vẫn chỉ nằm ở đâu đó, chưa tới được với doanh nghiệp”, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods nhấn mạnh. 

Đặc biệt, ông Hùng cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn nên có đề xuất xin giãn nợ thuế đến tháng 6, nhưng đều được người quen tại ngân hàng khuyên từ từ vì xin giãn nợ thuế sẽ đưa vào nợ xấu, sẽ thành "vết" trong hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.

“COVID-19 thì lây lan rất nhanh nhưng chính sách hỗ trợ, đặc biệt về vốn lại rất chậm. Nhiều doanh nghiệp đang phải vay tín dụng đen với lãi suất 3-5 nghìn đồng/triệu/ngày”, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods chia sẻ.

Đồng quan điểm “Vua chuối” Võ Quan Huy cũng cho rằng gói tín dụng là đã có, vấn đề nằm ở cách tiếp cận. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có hỗ trợ về tiếp cận vốn, các gói tín dụng cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà"

    11:00, 01/04/2020

  • Đề xuất cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo

    02:52, 31/03/2020

  • Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới ít nhất đến ngày 28/3

    15:45, 25/03/2020

  • Ngành Công Thương với xuất khẩu gạo: Đừng để chính sách "giật cục"

    08:29, 26/03/2020

  • Gỡ khó tín dụng cho vùng hạn hán, xâm nhập mặn ĐBSCL

    20:00, 23/03/2020

  • Triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ, lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp

    06:49, 11/03/2020

“Bởi COVID-19 cũng là cơ hội với ngành nông nghiệp, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tín dụng để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội này”, ông Huy nói. Đồng thời khẳng định, trong chiến tranh, công tác hậu cần là tối quan trọng, với cuộc chiến chống COVID-19 này cũng vậy.

Bởi vậy, các doanh nghiệp đều cho rằng, các gói tín dụng cần được nhanh chóng triển khai về các địa phương với tiêu chí hướng dẫn cụ thể, xác định các đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ nhanh chóng không phải qua thanh kiểm tra quá rườm rà.

“Chính phủ cần dành riêng cho nông nghiệp một gói tín dụng thiết thực với những điều kiện đi kèm cụ thể, có vậy các doanh nghiệp mới tiếp cận được”, ông Nguyễn Hoàng anh, Giám đốc Cty Thuỷ sản Nam Miền Trung đề xuất. 

Đặc biệt, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cho giãn các vấn đề về đóng góp như BHXH, quỹ công đoàn...để doanh nghiệp nông nghiệp tập trung sản xuất cung cấp lương thực thực phẩm trong cuộc chiến chống COVID-19 nhiều diễn biến phức tạp.

Thy Hằng