Đại diện VASEP: Doanh nghiệp thủy hải sản gặp khó khăn trùng trùng trong mùa dịch

Nhóm phóng viên 03/04/2020 18:08

Ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cho biết, đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị tạm hoãn giao hàng hoặc bị hủy do khách không bán được vì dịch bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19", diễn ra chiều nay (3/4) ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản khẳng định, tuy không chịu nhiều ảnh hưởng như các ngành điện tử, điện lạnh, nhưng COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng.

Chúng tôi bị co ngành hàng lại và gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị tạm hoãn giao hàng hoặc bị hủy do khách không bán được vì dịch bệnh”, ông Nam nói.

ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản

Theo số liệu từ cuộc khảo sát các hội viên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến gần cuối tháng 3, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu tạm hoãn và hủy ở mức rất cao 50 – 70%.

Con số này tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, phần lớn các đơn hàng tôm của thị trường châu Âu đều bị hoãn hoặc hủy.

Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Vì những nguyên nhân trên, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Thứ nhất, nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng khiến doanh nghiệp Việt thu hồi tiền hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.

Thứ hai, lãi suất cho vay. Mặc dù đến nay, đã có 1 số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng việc thực hiện chưa đồng đều ở các ngân hàng và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng.

Thứ ba, doanh nghiệp chịu nhiều loại phí tại ngân hàng cho các đơn hàng xuất khẩu trong tình trạng khó khăn như phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo Có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí gửi hồ sơ ...

Thứ tư, phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gặp khó khăn hiện nay như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng... Chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19.

Thứ năm, các chi phí đầu vào thông thường như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân… cũng là vấn đề lớn trong bối cảnh ít đơn hàng được ký và hoạt động sản xuất gần như cầm chừng.

Có thể bạn quan tâm

  • “Hơn 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19”

    16:55, 03/04/2020

  • Chủ tịch VCCI: Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19

    16:13, 03/04/2020

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ông Nam cho rằng việc tích trữ đông lạnh các sản phẩm thủy sản rồi chờ xuất khẩu cũng là một giải pháp tốt.

Kho trữ đông sẽ giúp cho tiêu thụ hàng trương nước tiêu thụ hàng của bà con ngư dân, giúp họ yên tâm sản xuất kinh doanh. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần đề xuất cơ chế, để những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng đầu tư để trữ khó đông để đảm bảo an sinh”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, dù là nước xuất khẩu thủy sản với số lượng lớn nhưng hiện tại, hệ thống kho trữ đông lạnh của Việt Nam đang thua các nước trong khu vực cả về quy mô, số lượng và chất lượng.

Hệ thống kho trữ đang là vấn đề quan trọng, chúng tôi xin cơ chế ưu đãi để đầu tư vào hệ thống trữ kho động lạnh. Chúng tôi đề nghị, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Đồng thời, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành. Như vậy, thì doanh nghiệp có thể yên tâm để đầu tư, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh không biết đến bao giờ mới chấm dứt”, ông Nam nói.

Nhóm phóng viên