Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tìm giải pháp ứng phó trong dịch COVID-19
HANOIBA sẽ tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên, xây dựng một bản kiến nghị về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gửi tới các cơ quan chuyên môn Thuế, Bảo hiểm, Hải quan…của TP Hà Nội.
Nhận định chung về tác động của dịch COVID- 19 của các doanh nhân là doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến tài chính.
Nguy cơ phá sản hiện hữu
Theo ông Trần Đăng Nam - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HANOIBA) - Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services Corp: Một nhóm đang rất khủng hoảng về vấn đề doanh thu, đặc biệt là ngành du lịch, một nhóm doanh thu vẫn ổn định và duy trì, nhưng gặp vấn đề về kiểm soát dòng tiền và thu hồi công nợ.
"Nguy cơ phá sản là hiện hữu nếu dịch bệnh vẫn kéo dài. Vấn đề làm sao chúng ta thu hồi công nợ", ông Nam nói.
Theo Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea, giải pháp là doanh nghiệp phải xem xét khả năng trả nợ, đánh giá khả năng thanh khoản của khách hàng để đưa ra quyết định lựa chọn đối tác cho phù hợp. Đồng thời cắt giảm những chi phí không cần thiết, đàm phán với đối tác về mặt bằng, các nhà cung ứng, chuyển đổi vận hành doanh nghiệp từ offline sang online.
Với HANOIBA, ông Nam thông tin: Hiện có 1 nhóm doanh nghiệp hội viên sẵn sàng tập hợp để đưa ra gói hỗ trợ chuyển đổi vận hành online như MISA, FSI, VMCG, BPO Mắt Bão...
Về các gói kích cầu, ông Trần Đăng Nam lưu ý, với những doanh nghiệp du lịch hay khách sạn, họ không có doanh thu, không có đầu vào. Như vậy nếu có những gói kích cầu về mặt tín dụng, thì họ cũng không thể cầm cự lâu dài được. Từ nhận định trên, ông Nam nhấn mạnh đến suy nghĩ về chuyển dịch mô hình kinh doanh hay cơ cấu lại doanh nghiệp.
Bà Đoàn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch HANOIBA - Giám đốc Công ty cổ phần CANIFA cho rằng: Hiện các doanh nghiệp đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: Tài chính - Nhân sự - Vận hành bộ máy.
Về tài chính, bà Ngọc cho biết, qua trao đổi, các doanh nghiệp HANOIBA chia thành 2 loại. Thứ nhất là "khổ quen rồi", nhóm này đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, họ sẽ tiếp tục sử dụng những kinh nghiệm đã có để vượt qua giai đoạn này. Nhóm thứ 2 là những doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng nặng nề hoặc trực tiếp trong giai đoạn đã qua. Tuy nhiên cả 2 nhóm trên đều đang gặp khó khăn về dòng tiền, đây là câu chuyện liên quan đến ngân hàng.
"Chủ trương lớn đã có, nhưng các doanh nghiệp phản ánh ngân hàng chưa đưa ra được hướng dẫn cụ thể, những đánh giá ảnh hưởng đến doanh nghiệp còn đang rất chậm", Giám đốc CANIFA cho biết. Đồng thời, mong muốn HANOIBA thể hiện vai trò 1 kênh cùng doanh nghiệp, tương tác hiệu quả về những quy trình với ngân hàng, để làm sao có được chính sách tốt nhất cho các doanh nghiệp hội viên của mình.
Bà Ngọc thông tin thêm, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang chủ động cắt giảm tối đa các chi phí cố định. Doanh nghiệp nào có thể "ngủ đông" được thì nên "ngủ đông". Kịch bản ứng phó hiện thay đổi từng tuần, thậm chí từng ngày.
Có thể bạn quan tâm
[Thế giới hậu COVID-19] Sự chuyển dịch nền kinh tế toàn cầu
06:00, 11/04/2020
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] ACV không thoát "vòng xoáy" sụt giảm
04:07, 11/04/2020
Doanh nghiệp đồng lòng “truyền lửa” nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19
01:51, 11/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Phát triển thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
00:30, 11/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Các đầu tàu kinh tế hiến kế
16:20, 10/04/2020
Đối với nhân sự, Phó Chủ tịch HANOIBA khuyến cáo nên đưa ra 3 cấp độ. Cấp độ 1 là phần nhân sự "giữ bằng mọi giá", phần nên giữ và phần bắt buộc phải giảm. Về giải pháp cho vấn đề này, bà Ngọc chia sẻ nên sử dụng các dịch vụ Outsource (thuê ngoài).
"Kể cả với phần nhân sự giữ lại chúng ta cũng phải đưa ra 3 kịch bản với các chính sách và mức lương khác nhau, bởi dịch bệnh không biết thế nào mà lường trước được. Câu chuyện ở đây là chúng ta phải thành thực và chia sẻ với nhau tất cả những kịch bản", bà Ngọc nói.
Liên quan đến vận hành doanh nghiệp trong thời buổi Covid-19, Giám đốc CANIFA dẫn chứng ngay tại doanh nghiệp mình. Theo đó, CANIFA có những đơn hàng xuất khẩu không thể chậm, nên ngay từ đầu đã có kế hoạch giãn công, giãn ca, trong khi đó phần đơn hàng nội đã cho "ngủ đông". Công ty cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, như hỗ trợ tiền thuê nhà cho nhân sự thu nhập dưới 10 triệu/tháng.
"Có những việc làm rất nhỏ nhưng lại mang lại ảnh hưởng lớn tới truyền thông nội bộ, qua đó thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp, động viên người lao động rất tốt", bà Ngọc chia sẻ.
Tái cấu trúc doanh nghiệp
Tuy nhiên, trong rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chủ tịch HANOIBA - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long lại cho rằng: Bối cảnh này buộc doanh nghiệp về cơ bản tập trung các giải pháp liên quan đến tái cấu trúc. Đây cũng là cơ hội, là thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp.
Trong đó tập trung rà soát, cắt giảm các chi phí đầu vào, đàm phán lại với các đối tác về giá thành. Tìm kiếm giải pháp bán hàng, tăng cường công cụ kinh doanh online, và tăng cường hoạt động kết nối đối với các diễn đàn xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
"Về quản trị nhân sự, dịp này là cơ hội tìm kiếm nhân sự tốt", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long nói, đồng thời khuyên các doanh nghiệp tích lũy về tiền mặt để đầu tư khi có cơ hội.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, ông Nguyễn Phúc Long đánh giá vẫn có cơ hội trong ngắn hạn.
Ông Long cũng mong muốn thúc đẩy giao thương nội khối. Hội viên tăng cường sử dụng dịch vụ lẫn nhau trong quan điểm đảm bảo giá cả, chất lượng phục vụ. Đây cũng là cách cùng nhau vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Phụng Thắng, Chủ tịch HANOIBA cho biết: Sẽ tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp hội viên, xây dựng một bản kiến nghị chung về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, và thông qua Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ gửi tới các cơ quan chuyên môn như Thuế, Bảo hiểm, Hải quan…của TP Hà Nội cũng như Chính phủ.
Về nội bộ, HANOIBA thúc đẩy chia sẻ, tư vấn giúp nhau quản trị khủng hoảng trong chính các hội viên theo hình thức 1:1. Các doanh nghiệp lớn giúp doanh nghiệp nhỏ, Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng giúp đỡ các doanh nghiệp ít kinh nghiệm hơn hoặc các doanh nghiệp có cùng mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, tăng cường giao thương nội khối, khuyến khích hội viên sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp khác trong hội. Sử dụng các kênh truyền thông online của hội để truyền thông tới các doanh nghiệp trong hội về nhu cầu giao thương.
Hội cũng sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý và vận hành doanh nghiệp. HANOIBA sẽ thiết lập nhóm các doanh nghiệp công nghệ để xây dựng các gói giải pháp phù hợp với quy mô của từng doanh nghiệp, bao gồm hạ tầng, đào tạo quả lý vận hành thậm chí thuê ngoài để chuyển dần hình thức làm việc tập trung (offline) sang hình thức làm việc trực tuyến (online), giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.
Đồng thời, tăng cường chia sẻ chuyên môn, đào tạo nâng cao năng lực cho hoanh nghiệp. Hội sẽ nghiên cứu và làm việc với các đơn vị đào tạo có uy tín để xây dựng khóa đào tạo e-learning về các biện pháp xử lý khủng hoảng doanh nghiệp.