Sản xuất, xuất khẩu khẩu trang: Doanh nghiệp Việt tận dụng tiềm năng lớn!

Hoài Anh 11/04/2020 11:01

Sản xuất và xuất khẩu khẩu trang là bước chuyển mình đầy tiềm năng của doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu mặt hàng này trên thế giới đang khá lớn và doanh nghiệp dệt may đang khó tìm kiếm đơn hàng.

Để tháo gỡ khó khăn khi xuất khẩu không khả quan, Tổng Công ty May 10-CTCP đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, thậm chí công ty còn nhập khẩu thiết bị về sản xuất khẩu trang y tế. Chỉ trong 1 tháng qua, May 10 đã sản xuất được 5 triệu chiếc khẩu trang vải, doanh thu đạt 35 tỷ đồng. 

Ngày 6/4, Tổng Công ty đã nhập dây chuyển sản xuất khẩu trang y tế và đang tiến hành lắp đặt. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đối tác lớn đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế, dự kiến, giao từ tháng 7/2020 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu Tổng Công ty trong năm nay). Ngoài ra, còn có một số đối tác đặt mua 20 triệu khẩu trang vải giao trong 6 tuần và 1 đối tác đã nhận 2 triệu khẩu trang vải, tiếp tục đặt 06 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, ngày 15/4 tới đây, doanh nghiệp sẽ ra mắt thương hiệu khẩu trang M10 Pro. Ngoài khẩu trang, Tổng Công ty cũng đang sản xuất các bộ đồ phòng chống dịch.

Năng lực sản xuất khẩu trang của các DN Việt là khá lớn

Năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp Việt khá lớn

Ngay sau khi nhận được thông báo tạm ngừng nhận đơn hàng từ các nhà nhập khẩu Tây Ban Nha, Đức, Italia, Mỹ… Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với sản lượng 500 nghìn chiếc/ngày.

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh thu từ sản xuất khẩu trang tuy không bù đắp được thiệt hại do hoãn, huỷ đơn hàng xuất khẩu nhưng giúp doanh nghiệp trang trải một phần chi phí, nhất là khoản trả lương cho người lao động.

Năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn. Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năng lực của các doanh nghiệp hiện nay có thể sản xuất được 40 triệu chiếc khẩu trang/ngày. Con số này tương ứng với khoảng 1,2 tỷ chiếc/tháng.

Lạc quan hơn, nếu huy động tối đa ngành may mặc, có thể sản xuất được 100 triệu chiếc/ngày (khoảng 3 tỷ chiếc/tháng).

Có thể bạn quan tâm

  • Đơn hàng 400 triệu khẩu trang y tế, trị giá 52 triệu USD đã có chủ

    14:10, 08/04/2020

  • "Nóng" cuộc đua sản xuất khẩu trang y tế

    07:00, 07/04/2020

  • Xuất khẩu khẩu trang sẽ cứu nhiều doanh nghiệp

    11:57, 03/04/2020

  • Hải Phòng: Xử lý gần 100 trường hợp không đeo khẩu trang

    19:09, 03/04/2020

  • Phạt đến 7 triệu đồng nếu vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định

    20:49, 05/04/2020

Còn theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mỗi tháng doanh nghiệp dệt may trong nước có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu chiếc khẩu trang vải. Với năng lực này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu công tác phòng dịch trong nước mà vẫn dôi ra một lượng đáng kể cho xuất khẩu.

Đây thực sự là cơ hội tốt cho doanh nghiệp tận dụng trong bối cảnh nhu cầu thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang, bao gồm cả khẩu trang vải của thế giới đang nóng lên từng ngày.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường khẩu trang trong nước đang dần bão hòa. Trong khi đó, nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch COVID-19. Thế giới không chỉ có nhu cầu về khẩu trang y tế mà còn cả khẩu trang vải.

Hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã rất nhanh nhạy khi sản xuất được các loại khẩu trang sử dụng vải thông thường, vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là ngăn được tia UV… Trong khi đó khẩu trang là mặt hàng đơn giản trong các mặt hàng dệt may, đầu tư không cần quá nhiều.

“Thời điểm này dịch đang căng thẳng, nhu cầu khẩu trang thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng lại chưa biết tìm ai để giới thiệu và bán hàng. Hiện Bộ Công Thương đã vào cuộc, tích cực đẩy mạnh chắp nối doanh nghiệp Việt với đối tác nước ngoài. Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tiếp gửi về các thông tin chào hàng của đối tác. Từ đó giúp doanh nghiệp Việt có thể liên hệ, sản xuất và trao đổi hàng hóa”, ông Hải cho hay.

Cùng với việc thông tin về thị trường, theo Vitas, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP (về chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19), số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải từ đối tác nước ngoài đã tăng lên.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang không phải khẩu trang y tế được thực hiện theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu. Đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan đưa ra hướng dẫn rõ ràng về khẩu trang y tế để hải quan địa phương thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp xuất khẩu.

Hoài Anh