Nhiều đề xuất "ứng cứu" ngành hàng không

Khánh Hà 04/05/2020 03:00

Trên thực tế, thị trường hàng không rất khó phục hồi nhanh trong 3 tháng tới đây, do các đường bay quốc tế chưa thể mở lại trong ngắn hạn.

Việc mở lại hạn chế với các đường bay nội địa trong giai đoạn trước mắt sẽ giúp các hãng hoạt động cầm chừng, giảm lỗ, dù chưa thể vực dậy được doanh thu và tăng trưởng cho các hãng. Tuy nhiên, cơ hội với thị trường hàng không Việt Nam về dài hạn vẫn là rất lớn.

Nhiều giải pháp gỡ khó

Để trợ lực cho các hãng bay, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành trước khó khăn vì dịch COVID-19. Theo cơ quan này, mức thu phí mới sẽ áp dụng đến hết năm 2020 và trở lại mức ban đầu kể từ năm 2021.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt đề xuất giảm mức thu, nộp phí quyền khai thác cảng hàng không, sân bay cũng như phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không với các chuyến bay của nước ngoài đến Việt Nam.

Bộ tài chính đề xuất cho các hãng hàng không được giảm một loạt phí, lệ phí áp dụng đến hết năm 2020 và trở lại mức ban đầu kể từ năm 2021.

Bộ tài chính đề xuất cho các hãng hàng không được giảm một loạt phí, lệ phí áp dụng đến hết năm 2020 và trở lại mức ban đầu kể từ năm 2021.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không sân bay bằng 90% mức thu hiện hành tại Điều 4 Thông tư 247/2016. Hiện tại, mức thu phí đối với dịch vụ này là 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh; phí kinh doanh cảng hàng không là 335.000 đồng/lượt tương tự.

Với mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm ở mức tương ứng.

Theo đó, mức thu đề xuất sẽ bằng 90% mức hiện tại. Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 194/2016, mức lệ phí ra, vào cảng, hàng không sân bay là 50 USD/chuyến bay đến và phí hải quan cũng là 50 USD/chuyến.

Cũng tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính còn đề xuất giảm mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay và phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay.

Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận chứng chỉ; cơ sở thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, thử nghiệm máy bay và các trang thiết bị lắp trên tàu bay… sẽ giảm từ 20 triệu xuống còn 16 triệu/lần đối với cấp lần đầu.

Phí cấp lại do thay đổi nội dung cũng giảm từ 15 triệu xuống 12 triệu đồng, và phí cấp lại do mất, rách, hỏng giảm từ 2,4 triệu xuống 1,92 triệu đồng.

Với phí thẩm định cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay: Các cơ sở kiểm soát đường dài (ACC); Trung tâm Quản lý luồng không lưu (ATFM); Cơ sở Kiểm soát tiếp cận tại sân (APP/TWR); Cơ sở Thông tin dẫn đường giám sát (CNS) được đề xuất giảm từ 30 triệu xuống 24 triệu đồng với hình thức cấp lần đầu và giảm từ 10 triệu xuống còn 8 triệu với phí cấp lại.

Phí thẩm định cấp giấy phép cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác giảm từ 15 triệu xuống 12 triệu đồng/lượt lần đầu.

Bên cạnh đó, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh, dịch vụ hàng không cũng được đề xuất giảm 20%.

Trong đó, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại giảm từ 20 triệu đồng xuống 16 triệu.

Phí cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không quốc tế giảm từ 50 triệu xuống 40 triệu đồng. Và cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không khác giảm từ 30 xuống 24 triệu.

Để trợ lực cho các hãng bay, trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị miễn hoặc giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Áp dụng chính sách giảm 50% giá cất hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa từ 1-3 đến hết 31-8. Đồng thời, cho phép áp dụng mức giá dịch vụ tối thiểu 0 đồng để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có thể giảm giá cho các hãng hàng không...

Hiện các hãng bay đang kêu khó bởi quy định của Bộ GTVT giãn cách hành khách 1 hàng ghế trên máy bay khiến hãng bay chỉ được mở bán 66% số ghế, nên Cục Hàng không VN đã đề nghị bỏ quy định này.

Hiện quy trình kiểm soát, phòng dịch chặt chẽ, đặc biệt đối với khách đi máy bay như đo thân nhiệt, khai báo thông tin, một hãng hàng không cho rằng xóa bỏ quy định giãn cách sẽ giúp các hãng tăng hệ số sử dụng ghế, tăng doanh thu để vượt qua giai đoạn "bĩ cực" của ngành hàng không.

Hàng không sẵn sàng trở lại

Khi được hỏi kế hoạch phục vụ trở lại sau dịch, các đơn vị hàng không cho biết dịch COVID-19 khó dự đoán chính xác khi nào được đẩy lùi, song tín hiệu vui khi số lượng chuyến bay khai thác đang dần tăng trở lại. Các sân bay nội địa nhỏ như Thọ Xuân, Tuy Hòa, Côn Đảo... cũng bắt đầu mở cửa phục hồi các chuyến bay sau thời gian gần 3 tháng "cửa đóng then cài". Thống kê ngày 30-4, cả nước có 575 lần cất, hạ cánh ở các sân bay, tăng 28 lần so với ngày trước.

Một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết từ cuối tháng 4, tần suất khai thác nội địa tăng nhưng chưa thể "bung" hết năng lực với đội bay của hãng. Tuy nhiên đây cũng là tín hiệu hồi phục của ngành hàng không. Thậm chí, khi tính toán các chuyến bay hòa vốn, hãng vẫn bay để máy bay không nằm đất. Việc kiểm tra, bảo dưỡng máy bay "nằm đất" vẫn được thực hiện liên tục để sẵn sàng cất cánh trở lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng không tiếp tục kiến nghị tăng tần suất bay nội địa trước dịp nghỉ lễ

    Hàng không tiếp tục kiến nghị tăng tần suất bay nội địa trước dịp nghỉ lễ

    10:17, 28/04/2020

  • Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?

    Hàng không tăng tốc sau COVID-19 ?

    11:00, 25/04/2020

  • Bán vé bay trở lại sau ngày 15/4, các hãng hàng không bị “tuýt còi”

    Bán vé bay trở lại sau ngày 15/4, các hãng hàng không bị “tuýt còi”

    17:47, 14/04/2020

  • Hàng không chuyển hướng để không bị “nằm đất”

    Hàng không chuyển hướng để không bị “nằm đất”

    22:20, 07/04/2020

  • "Cơn ác mộng" của ngành hàng không chưa dứt

    11:08, 07/04/2020

Theo bà Đoàn Thị Mai Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco), khi chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi, các hãng hàng không nội địa đã nối lại đường bay, số lượng chuyến bay sẽ tăng mạnh và sẵn sàng mở cửa hầu hết các cửa hàng, dịch vụ mua sắm, phòng chờ trong sân bay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hiện các nhà cung cấp hàng hóa ký gửi bày bán trong sân bay đang rục rịch lên kệ, thêm sản phẩm mới để tiếp cận khách hàng tốt hơn. "Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây là tín hiệu lạc quan bởi các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho việc tái hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi sau dịch, chờ cơ hội bứt phá" - bà Hương nói.

Trả lời trên Tuổi trẻ, PGS.TS Lý Hùng Anh - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết ngành hàng không như lò xo đang nén lại, nếu kịch bản phục hồi sau dịch tốt, sẽ bật ra kéo theo các ngành kinh tế khác tăng trưởng trở lại.

Ông Hùng Anh cũng nhận định thời điểm khó khăn sẽ là cơ hội để các đơn vị hàng không chuyển mình với những sản phẩm tốt, chất lượng để kích cầu hành khách đi lại hơn.Tuy nhiên, muốn vượt khó nhanh chóng, cần có sự chung tay, hỗ trợ giữa các đơn vị để dìu nhau, đừng mạnh ai nấy làm..

Khánh Hà