Hiệp định EVFTA: Doanh nghiệp nông sản Việt Nam đã thực sự sẵn sàng?
Việc EU cam kết xóa bỏ ngay thuế quan đối với nhiều mặt hàng nông sản với thuế suất 0% như: cà phê, hạt tiêu… khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thì đây sẽ là cơ hội tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
Có thể nói, nếu hiệp định EVFTA có hiệu lực thì đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cho ngành nông sản Việt Nam sang một trang mới và có nhiều triển vọng.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng…
Đặc biệt với cam kết EU đưa ra là: “Sẽ xóa bỏ ngay thuế quan đối với nhiều mặt hàng nông sản và sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% như: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên…
Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau như ván dăm, sợi, gỗ dán. Tuy nhiên, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật linh hoạt, nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như thủy sản, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế, vấn đề hóa chất kháng sinh tồn dư trên sản phẩm.
Doanh nghiệp Nông sản Việt Nam đã sẵn sàng khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, cho thấy: Hồ tiêu là một trong những ngành hàng nông sản tỷ đô có “lợi thế vàng” khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Với việc EU cam kết xóa bỏ ngay thuế quan, đây sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước châu Âu, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lâm Ngọc Lâm - Giám đốc công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây, cho biết: "Là một doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hồ tiêu vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản và Dubai, chúng tôi đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và sẵn sàng để tận dùng thời cơ xuất khẩu".
Cũng theo ông Lâm, chúng ta đang xây dựng vùng nguyên liệu ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu một cách khá bài bản. "Vì vậy, với Bầu Mây, chúng tôi sẽ không ngại bất cứ một thị trường nào, vì 2 thị trường khó tính và cao cấp nhất là Nhật Bản và Dubai chúng tôi đã chinh phục được, nên chúng tôi rất tự tin nếu EVFTA có hiệu lực", ông Lâm nói.
Những rào cản cần vượt qua
Ông YWERT VISSER - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại VN (EUROCHAM). Hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp. "Ví dụ một số thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, vì vậy tôi tin rằng sau khi EVFTA đi vào thực thi, khuyết điểm này sẽ được khắc phục, giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, với tiêu chuẩn chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có thể xuất khẩu sản phẩm một cách dễ dàng hơn', ông YWERT VISSER nói.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn cũng được chỉ ra, bởi, EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra chúng. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất ra không ít hàng hóa nông sản xuất khẩu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối có FTA với EU thì đây cũng là một rào cản. Bên cạnh đó là những yêu cầu rất khắt khe về tồn dư hóa chất, điều mà nhiều mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê… mắc phải.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, chia sẻ: Cuộc chơi không đơn giản, người ta sẽ chuyển sang rào cản kỹ thuật, bây giờ hàng loạt các nước, đặc biệt là Châu Âu thì người ta sử dụng các công cụ như là vấn đề hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt Châu Âu liên tục đưa ra những loại hóa chất mới và vấn đề này sẽ trở thành rào cản. Đơn cử, đối với cà phê thì cacbelaziem, briphosap… là một minh chứng.
Nhận định dở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTN, cho rằng: Về quản lý nhà nước sẽ là một nội dung rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, tính quản lý chuỗi đồng bộ theo đánh giá của EU. Do đó, khi Hiệp định này có hiệu lực vừa mới thông qua, chúng ta phải xác định là có cơ hội nhưng đồng thời phải xác định thách thức, thậm chí giai đoạn đầu thách thức rất nhiều.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Quy mô sản xuất lớn, nhưng nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc... các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được tối đa các ưu đãi do EVFTA mang lại.