FECON có thể phát triển đột phá khi "bắt tay" với CHEC?

HÀ LÊ 23/06/2020 14:15

FECON vẫn xác định kế hoạch tăng trưởng cho năm 2020 với mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng - tăng trưởng 29,4% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 233 tỷ đồng - tăng 10% so với năm 2019.

Kỹ sư của FECON tại dự án Năng lượng tái tạo

Kỹ sư của FECON tại dự án Năng lượng tái tạo

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP FECON, năm 2020, FECON vượt qua “cơn bão” Covid-19 khi liên tiếp trúng thầu nhiều dự án với giá trị hợp đồng lớn.

Dự kiến doanh số ký kết hợp đồng cả năm 2020 sẽ vào khoảng 5.500 tỷ đồng. Dấu ấn của 2 quý đầu năm 2020 chính là các dự án xây dựng công nghiệp: FECON đã thi công hoàn thành 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió và đang chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng, đồng thời công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió với tổng công suất 5 dự án sau khi hoàn thành khoảng 700MW. Công ty cũng đang có những bước đi quan trọng cùng với các nhà đầu tư và các tổng thầu nước ngoài chuẩn bị tham gia đầu tư và thi công các dự án điện than và điện khí hóa lỏng LNG tại Việt Nam sẽ khởi công vào cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều phải giảm kế hoạch doanh thu lợi nhuận so với năm trước, FECON vẫn xác định kế hoạch tăng trưởng cho năm 2020 với mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng - tăng trưởng 29,4% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 233 tỷ đồng - tăng 10% so với năm 2019.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cho biết: “Ban lãnh đạo FECON xác định năm 2020 và 2021 là 2 năm bản lề giúp FECON triển khai thành công chiến lược 2020 - 2025, đưa FECON trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam”.

Nhằm hoạch định cho 5 năm tiếp theo và tầm nhìn 2030, chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 chính thức được ra đời với sự tham gia tư vấn của KPMG và các chuyên gia chiến lược. 5 lĩnh vực kinh doanh chiến lược bao gồm: Nền và móng; Công trình ngầm; Hạ tầng; Xây dựng; Đầu tư dự án. FECON xác định tầm nhìn trở thành nhà thầu và nhà đầu tư uy tín theo chuẩn quốc tế sở hữu năng lực xuất sắc về nền móng và công trình ngầm với mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 825 tỷ đồng vào năm 2025.

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT công ty CP FECON phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2020

Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT công ty CP FECON phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên 2020

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2020, FECON đã tuyên bố chiến lược vươn lên thành nhà thầu xây dựng công nghiệp & hạ tầng hàng đầu Việt Nam và nhà đầu tư dự án uy tín theo chuẩn quốc tế dựa trên năng lực xuất sắc về nền, móng và công trình ngầm.

Trong lĩnh vực xây dựng, FECON đánh dấu bước đi mạnh mẽ với vai trò là nhà thầu chính/tổng thầu. Các dự án đã hoàn thành và tạo lập uy tín tốt cho FECON trong năm vừa qua có thể kể tới như: Đại học Phenikaa Hà Nội; Dự án Empire City TP.HCM; Dự án Gamuda City TP.HCM; Dự án Logistic Thăng Long Hưng Yên; Dự án Trường Liến cấp Wellspring Hà Nội...

Cùng với đó là nhiều dự án lớn đang triển khai như dự án Metro line 3 Hà Nội, Khu đô thị Hoa Sen Đại Phước Đồng Nai, Cảng Vĩnh Tân Đồng Nai, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn Bà Rịa Vũng Tàu, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 Thanh Hóa, Nhà máy nước thải Yên Xá Hà Nội, dự án Lotte Mall Hà Nội, các dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 2021.

Trên thị trường quốc tế, FECON đã tham gia một số gói thầu tại Dự án cầu Bago; Dự án cảng quốc tế Sittwe tại Myanmar. Việc mở rộng kinh doanh sang các nước trong khu vực như Myanmar, Bangladesh, Campuchia hay Philippines cho thấy FECON đã khẳng định được uy tín trên thị trường quốc tế.

Tại HĐCĐ, các cổ đông đã thông qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu của công ty là 100% vốn điều lệ. Cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10%, chia đều cho tiền mặt và cổ phiếu. Đại hội cũng thông qua chủ trương Công ty China HarBour Engineering (CHEC - Trung Quốc) trở thành cổ đông lớn nhất của FECON.

Được biết, CHEC là đơn vị thi công và đầu tư quốc tế, có ngành nghề khá tương đồng với FECON, họ muốn hợp tác với FECON làm bàn đạp triển khai các dự án tại Việt Nam và Đông Nam Á, trong đó có các dự án ven biển và trên biển.

Đại hội cổ đông thông qua phương án phát hành 32 triệu cổ phần với tổng giá trị phát hành dự kiến tối thiểu là 480 tỷ đồng (tương đương 15000 đồng/cổ phiếu) để tăng vốn. Toàn bộ số cổ phần này dự kiến bán cho CHEC, tỷ lệ sở hữu sau khi chào bán của CHEC dự kiến là 20,32%. Mục đích của đợt phát hành này là tăng nguồn vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động, tạo cơ sở phát triển bền vững, thực hiện thành công chiến lược phát triển 2020 – 2025 của FECON. Đây được coi là một trong những nguyên nhân cổ phiếu FECON được quan tâm.

HÀ LÊ