QCVN20 "gây khó" cho doanh nghiệp thép không gỉ?
Tiếp tục chờ tháo gỡ QCVN20, nhiều doanh nghiệp thép không gỉ bày tỏ quan ngại sâu sắc về “số phận” của mình trong thời gian tới.
“Thông tư 15/2019/TT-BKHCN quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN20:2019/BKHCN (QCVN20) yêu cầu các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các mặt hàng nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu , nhưng lại “thả nổi” các sản phẩm nhập khẩu như ống, hộp, đồ gia dụng,… thép không gỉ mà không áp dụng bất cứ tiêu chuẩn nào. Quy chuẩn này có nguy cơ bức tử các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ trong nước, ngay cả với những thuơng hiệu đã tổn tại trên 20 năm.” Đó là nỗi băn khoăn của ông Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc công ty TNHH Kim khí Tuấn Đạt Hà Nội.
Theo chia sẻ của ông Mạnh, công ty TNHH Kim khí Tuấn Đạt đã tồn tại trên thị trường gần 20 năm, tạo dựng uy tín đối với khách hàng trên khắp cả nước, cùng nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác.
Tuy nhiên, trong quá trình Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – BKHCN (TCĐLCL) soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ QCVN20, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ trong nước đã không được tham gia, đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất. Dẫn đến khi Quy chuẩn được ban hành và Thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp mới bàng hoàng.
Đứng trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về “số phận” của mình trong thời gian tới. Kể từ khi thông tư số 15 có hiệu lực, nhiều công ty đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Điển hình tại công ty TNHH kim khí Tuấn Đạt, hiện quy mô sản xuất mỗi tháng khoảng 1000 tấn ống, hộp thép không gỉ, trong đó mặt hàng J1 chiếm đến 50% tổng sản lượng. Bắt đầu từ tháng 6, sản lượng của công ty đã sụt giảm khoảng 30%, dự kiến tháng 7 sụt giảm lên đến 40-45% do dần mất đi thị trường hàng J1. Vì vậy, kế hoạch của công ty trong thời gian tới sẽ phải tạm ngừng 50% dây chuyền sản xuất và tạm thời cho nghỉ việc 50% lượng công nhân tại nhà máy.
“Vòng quay vốn của doanh nghiệp bị hụt hẫng, dẫn đên mất cân đối về tài chính, khả năng chúng tôi chỉ duy trì được từ 6-8 tháng. Đối với các công ty có quy mô lớn hơn mỗi tháng từ 3000-5000 tấn thép, lượng công nhân làm việc nhiều hơn, nếu phải ngừng hoạt động, thiệt hại là không thể đong đếm, chưa kể một lượng lớn lao động thất nghiệp không biết trông chờ vào đâu.
Đứng trước cuộc thanh lọc thị trường này, khả năng chỉ còn khoảng 20-30% doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ có thể tồn tại.Nếu các quy định không được tháo gỡ kịp thời, nguy cơ doanh nghiệp phải đóng cửa là rất cao”, vị giám đốc công ty bày tỏ.
Được biết, toàn bộ các nhà sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam đã áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, trải qua quá trình xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường nhằm cho ra các sản phẩm tối ưu phục vụ khách hàng. Mặt khác, tất cả sản phẩm đầu ra của các nhà máy sản xuất trong nước đều có xuất xứ rõ ràng, đầy đủ chứng chỉ chất lượng xuất xưởng, một số sản phẩm thậm chí còn đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ ASTM A554, tiêu chuẩn JIS của Nhật.
Còn đối với các thành phẩm nhập khẩu, cơ quan quản lý nhà nước bỏ qua khâu kiểm định sản phẩm, không phải áp dụng Quy chuẩn QCVN20, vì thế không thể kiểm soát được chất lượng. Vậy làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trước các mặt hàng nhập khẩu kém chất lượng ?
Bên cạnh đó một số mác thép không gỉ có chất lượng kém hơn nhiều như các mã hàng 410, 405, 409,.. thì lại đạt QCVN20 và nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, trong khi các mã hàng J1, J2, J3, J4 chất lượng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ nhưng lại nằm trong danh mục không được phép nhập khẩu do không đạt QCVN20. Bảng chỉ số thành phần hóa học chi tiết của các sản phẩm theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất.
Các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua dịch COVID-19 và dịch bệnh này vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều đơn hàng xuất khẩu bị huỷ hoãn, chuỗi cung ứng đứt gãy, nguyên liệu đầu vào cũng không dễ dàng để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Vừa qua, đại diện các doanh nghiệp thép không gỉ đã gửi đầy đủ thông tin cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản lượng nhập khẩu thép không gỉ theo tiêu chuẩn J1; J2; J3; J4 vào Việt Nam năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020; hợp đồng xuất khẩu, tờ khai Hải quan của hàng J1; J2; J3; J4 sang Hàn Quốc và một số nước châu Âu khác. Bảng so sánh tiêu chuẩn, thành phần hoá học của thép không gỉ tiêu chuẩn J1; J2; J3; J4 và TCVN: 409; 410; 430.
Các doanh nghiệp cho biết thêm, các nước Hàn Quốc hay một số nước châu Âu vẫn chấp nhận cả tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất thì việc Việt Nam "loại" ra khỏi danh mục QCVN 20:2019/BKHCN liệu có hợp lý?
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng TCĐLCL cho biết, có 8 vấn đề được nêu ra liên quan đến QCVN 20:2019/BKHCN. Tổng cục và ban soạn thảo cùng các đơn vị liên quan đã tham gia giải đáp. Vấn đề duy nhất hiện nay còn vướng, đó là kiến nghị cho phép chấp nhận mặt hàng thép theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất tự công bố hoặc do doanh nghiệp tự công bố.
Trong khi, theo thông lệ chung, tất cả các quy chuẩn quốc gia của các nước trên thế giới được ban hành phải có hội đồng chuyên gia, các ban kỹ thuật, các bên liên quan đại diện cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, đại diện cho người tiêu dùng, đại diện cho cơ quan quản lý… cùng nhau thảo luận trước khi đưa ra quyết định có tính chất hài hòa và đồng thuận cao.
Ông Linh đồng thời nhấn mạnh, một số kiến nghị đang tiếp tục nghiên cứu khi đánh giá có điểm hợp lý đó là: Có các sản phẩm hoặc sử dụng nguyên liệu từ thép không gỉ để làm ra thành phẩm mà chúng ta không kiểm soát chặt thì dẫn đến sản phẩm kém chất lượng vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam tới tay người tiêu dùng.
Mặc dù QCVN 20:2019/BKHCN đã có hiệu lực, tuy nhiên, do thời gian qua dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên Tổng cục TCĐLCL đã kiến nghị Bộ KH&CN xem xét gia hạn thời gian, hiệu lực triển khai QCVN 20:2019/BKHCN.
Tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh là điều hết sức cần thiết trong lúc này. Quy chuẩn QCVN20 nếu thực hiện thì cần phải áp dụng với tất cả các mặt hàng, bao gồm cả thành phẩm sản xuất trong nước và thành phẩm nhập khẩu. Nếu không rất khó để đảm bảo chất lượng hàng hoá, người tiêu dùng mất đi cơ hội sử dụng sản phẩm tốt, trong khi doanh nghiệp chết dần chết mòn vì mất đi thị trường.
“Mặt khác, nếu áp dụng quy chuẩn với toàn bộ hàng hoá, dẫn tới công tác kiểm định sản phẩm cần một bộ máy cồng kềnh, tốn kém về chi phí cũng như nguồn nhân lực”, các doanh nghiệp băn khoăn.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có văn bản đề nghị Bộ KH&CN nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp thép không gỉ, đặc biệt là tác động của Thông tư 15 đến hoạt động sản xuất trong nước.
Văn bản do ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI ký gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nêu rõ: Mục tiêu chính sách ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (Thông tư 15/2019/TT-BKHCN) là cần thiết, nhằm bảo đảm chất lượng thép không gỉ sử dụng tại Việt Nam, tránh tình trạng sản xuất, nhập khẩu thép không gỉ có chất lượng kém, bị thôi nhiễm hoạt chất, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, nội dung của Quy chuẩn này hiện chỉ áp dụng cho thép không gỉ nguyên liệu (dạng tấm, thanh, que, dây...) mà không áp dụng cho thép không gỉ dạng ống hộp và thành phẩm (như bồn nước, đồ gia dụng, đồ nội thất...) đã ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Đối với các doanh nghiệp sử dụng thép không gỉ nguyên liệu để gia công chế tạo sản phẩm khác, thì nguyên liệu đầu vào phải đáp ứng Quy chuẩn trong khi doanh nghiệp nhập khẩu thép không gỉ dạng ống hộp hay nhập khẩu thành phẩm không cần đáp ứng quy chuẩn.
Điều này khiến hàng hóa sản xuất trong nước phải đáp ứng yêu cầu cao hơn so với hàng hóa cùng loại nhập khẩu và trở nên kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa các nước.
VCCI cũng cho rằng, việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật dù cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp và có giải pháp để nhiều doanh nghiệp biết rõ sự thay đổi chính sách này.
“Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu thép không gỉ hay các doanh nghiệp thương mại… thì các doanh nghiệp thiếu thông tin về sự thay đổi chính sách để chủ động trong các phương án kinh doanh, gây thiệt hại lớn”, văn bản của VCCI nhấn mạnh.
Chính vì thế VCCI đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp, đặc biệt là tác động của Quy chuẩn đến hoạt động sản xuất trong nước. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ vào Điều 153.1.b của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyết định ngưng hiệu lực của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN để điều chỉnh phù hợp.
Có thể bạn quan tâm