Các nhà đầu tư điện gió đang bị o ép cả về giá và tiến độ sản xuất
"Nếu như 2021 đã xóa bỏ ưu đãi với điện gió thì tôi e rằng sẽ khó thu hút các nhà đầu tư" - ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam chia sẻ.
Chia sẻ về thực trạng này với Diễn đàn Doanh nghiệp Ông Bùi văn Thịnh - Chủ tịch Hội điện gió Bình Thuận, một trong những người tiên phong đầu tư điện gió ở Việt Nam cho biết: Tại hội nghị thượng đỉnh Năng lượng 2020, chúng ta chứng kiến những biên bản hợp tác, các kế hoạch đầu tư các dự án lên đến hàng ngàn MW, tạo nên 1 “bức tranh tương lai” của Năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam vô cùng tươi sáng.
Bức tranh thực tế
Tuy nhiên nhìn vào “bức tranh hiện tại”, ông Thịnh cho rằng điện gió Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập: “Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ từ rất sớm so với điện Mặt trời, nhưng sau 11 năm kể từ ngày tuabin gió đầu tiên vận hành nối lưới tại Việt Nam năm 2009, đến nay cả nước mới có 10 dự án với hơn 400MW đi vào vận hành, bằng 1/13 điện mặt trời và thấp hơn rất nhiều so với qui hoạch được duyệt”.
Câu hỏi được dư luận đặt ra là tại sao lại như vậy? Trả lời về vấn đề này theo ông Thịnh: “Giá mua điện gió dù được Chính phủ tăng lên 8,5USCent/kWh vẫn chưa thực sự hấp dẫn; hơn nữa giá này sẽ hết hạn vào tháng 10/2021 và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm làm các nhà đầu tư càng thêm đắn đo và thận trọng”.
Nghị quyết TW55 về định hướng phát triển năng lượng Quốc gia có nói về điện gió rất rõ ràng: “Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”. Tuy nhiên ông Thịnh đắn đo: “với các dự án qui mô lớn như điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500MW vừa ký MOU ngày 22/7 vừa qua, cần có lộ trình cụ thể, trong đó có chính sách về giá mua điện và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện như thế nào.”
Lý giải về phần “Giá thành điện năng hợp lý” của Nghị quyết TW55, ông Thịnh cho rằng: “Hầu hết các thiết bị điện gió chúng ta phải nhập khẩu, giá nhân công trong nước ngày càng tăng, giá đền bù cũng tăng đột biến sau cơn bão điện mặt trời vừa qua làm giá thành sản xuất điện gió khó có thể giảm sâu được.”
Lý giải cụ thể hơn những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tâm Tiến - TGĐ Tập đoàn Trung Nam cho biết: Hiện nay Nhà nước mới có chính sách 8,5 Uscent/kWh cho điện gió trên bờ và 9,8 Uscent/kWh cho điện gió ngoài khơi trong trong khoảng thời gian nhất định.
Với giá FIT 8,5 Uscent với điện gió trên bờ là đầu tư được. Tuy nhiên với giá FIT 9,8 Uscent cho dự án ngoài khơi thì doanh nghiệp không có lãi do chi phí, thiết bị vô cùng đắt đỏ. Ông Tiến dẫn chứng, hiện Trung Nam đang chuẩn bị thi công dự án ở Trà Vinh với công suất 300 MW, nhưng phải đầu tư 1 trạm điện lên tới 200 triệu USD, một chiếc cáp nằm biển lên tới 1.500 tỷ đồng và nhiều chi phí khác. Còn nếu đầu tư Tuabin offshore thì giá FIT không biết bao nhiêu cho đủ, vì vận hành được Tuabin offshore ngoài biển có chi phí đầu tư là vô cùng lớn.
Đến năm 2021 thì điện gió cũng đã hết hạn hưởng ưu đãi giá 8,5 cent. Thông thường một nhà máy điện mặt trời làm trong khoảng từ 6-8 tháng tùy vào tiến độ giải tỏa. Nhưng muốn làm nhà máy điện gió thì phải mất tới 1 năm làm thiết bị.
Ông Tâm Tiến chia sẻ, để chạy đua với hạn năm 2021, Trung Nam đã phải mua 57 cần cẩu siêu trường siêu rộng để chuẩn bị cho việc lắp đặt một loạt thiết bị trong năm 2021-2022-2023. Một số dự án nearshore của Trung Nam có công suất lên tới 2.700 MW, trước mắt sẽ lắp đặt 700 MW ở Trà Vinh.
Trung Nam cũng phải mua 3 chiếc tàu chuyên dụng có giá trị gần 250 triệu đô. Những tàu này làm ở mực nước sâu 10-12m, quá nguy hiểm, cũng khó có thể thuê ở nước bạn vì nhạy cảm an ninh biển đảo.
"Các nhà đầu tư đang bị o ép cả về giá và tiến độ sản xuất" - ông Nguyễn Tâm Tiến nhấn mạnh.
Ông Tâm Tiến đề nghị: "Hãy giúp các nhà đầu tư có kiến nghị với Chính phủ kéo dài thời hạn hưởng giá FIT". Để xây dựng một nhà máy điện gió trên biển chi phí rất đắt, khoảng 2,2 triệu đô cho 1 MW, cáp đi dưới biển đắt và chi phí OM trên biển cũng rất đắt vì độ ăn mòn của kim loại ở biển gấp 10 lần trên bờ.
"Nếu như 2021 đã xóa bỏ ưu đãi thì tôi e rằng sẽ khó thu hút các nhà đầu tư" - ông Tâm Tiến nói. Điện gió lợi ích hơn vì giờ phát đều đặn hơn mặt trời, diện tích đất sử dụng ít hơn.
Cần thực hiện hoá chính sách
Đưa ra giải pháp trong thời điểm này đại diện Tập đoàn Trung Nam đề xuất, doanh nghiệp rất cần Chính phủ cứu doanh nghiệp bằng biện pháp gia hạn giá FIT như Bộ công thương đề xuất với Chính phủ đến thời hạn tháng 12/2023. Trong đó mức đề xuất gia hạn là 8,5 Uscent/kWh cho điện gió đất liền và 9,8 Uscent/ kWh cho điện gió ngoài khơi tới năm 2030.
Đồng thời, Chính phủ cần quy hoạch truyền tải kết nối điện lưới quốc gia và ưu tiên cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nguồn năng lượng kèm đầu tư đường dây nhằm giải tỏa công suất.
Ông Tiến cũng đề nghị Chính phủ xem xét đồng ý bổ sung công suất đối với các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhất mà không làm thay đổi tổng số trụ và diện tích đang được sử dụng.
Trả lời về các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục Trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương cho biết: Để giảm giá thành đầu tư, cần có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xây dựng nhà máy sản xuất cung cấp thiết bị để giảm tối đa chi phí. Hiện tại Bộ công thương cũng đang phối hợp với nhà đầu tư lớn để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, hy vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ làm chủ khâu sản xuất thiết bị.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia về năng lượng cũng đề xuất, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định.
Có thể thấy rõ các yêu cầu cấp thiết được các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đặt ra với Nhà nước như: Hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu, nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án; Cần kéo dài thời hạn khung giá FIT, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt bổ sung và quy hoạch đối với các dự án có đủ điều kiện....
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, các thông tin thực tế và đề xuất, kiến nghị trên sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Do đâu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời phát sai công suất?
05:30, 17/07/2020
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh về điện gió của Diễn đàn Doanh nghiệp
07:50, 04/07/2020
Đầu tư điện gió: Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ
04:00, 26/06/2020
Cần có cơ chế minh bạch để phát triển điện gió
09:02, 10/05/2020