Big Lots – “gã bán lẻ lạ lùng”
Khi người ta đang chứng kiến các vụ phá sản bán lẻ xảy ra liên tiếp cùng hàng loạt các cửa hàng đóng cửa trong đại dịch COVID-19 thì có một “gã bán lẻ lạ lùng” đang sống khỏe, đó chính là Big Lots.
Big Lots, một nhà bán lẻ với hơn 1.400 cửa hàng ở Mỹ, đã chứng kiến doanh số bán hàng có mức tăng trưởng kỷ lục trong quý gần đây nhất, khi giành được thị phần từ các đối thủ. Giá cổ phiếu tăng đến gần 60% trong năm nay, khiến họ trở thành một trong những cổ phiếu có mức tăng trưởng hàng đầu của năm 2020.
Vậy Big Lots có gì khác biệt?
Trên thực tế thì họ hoàn toàn … giống các cửa hàng bán lẻ truyền thống khác ngoài sự đơn giản trong cách bài trí cửa hàng. Các cửa hàng của Big Lots được thiết kế đơn giản, không rườm rà với biển hiệu màu trắng và cam sáng sủa.
Bên trong Big Lots đang bán rất nhiều loại hàng hóa - mọi thứ từ nệm, ghế dài, đèn và thiết bị nhà bếp đến đồ chơi, đồ ăn nhẹ, thức ăn cho vật nuôi và dụng cụ vệ sinh... Các đồ vật dụng từ mùa hè cho đến mùa đông.
Các nhà phân tích cho biết, sự đa dạng của các mặt hàng này giúp Big Lots tạo được sự khác biệt với những nhà bán đồ nội thất và đồ trang trí nhà truyền thống, cũng như các cửa hàng tạp hóa. Về cơ bản các cửa hàng của họ giống như một siêu thị bình thường với hàng nghìn chủng loại hàng hóa.
Theo các nhà phân tích, Big Lots đã được hưởng lợi từ một số xu hướng tiêu dùng và kinh tế trong thời kỳ đại dịch COVID-19 tại Mỹ.
Trên thực tế, Big Lots được coi là một nhà bán lẻ "thiết yếu" trong thời kỳ đại dịch vì họ bán cả thực phẩm và các mặt hàng chủ lực gia dụng. Vì vậy, họ vẫn mở trong suốt mùa xuân, ngay cả khi các đối thủ khác đóng cửa. Đây là một lợi thế lớn khi người tiêu dùng Mỹ hầu hết phải mua sắm các thứ gia dụng thiết yếu trong thời gian đầu của đại dịch.
Joseph Feldman, nhà phân tích tại Telsey Advisory Group, cho biết: “Big Lots có nhiều lợi thế so với các đối thủ chỉ bán một loại mặt hàng, hoặc hàng gia dụng hoặc là thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng khi mua sắm ở Big Lots thường sẽ mua cả hai loại”.
Trong báo cáo kinh doanh của Big Lots cho thấy, người tiêu dùng Mỹ trong thời kỳ đại dịch, họ dành nhiều thời gian ở nhà và chuyển việc đi du lịch, đi ăn tối hoặc đi xem phim sang mua sắm sang trang trí nhà cửa.
Và điều đó khiến Big Lots “vớ bẫm”. Nội thất và hàng gia dụng chính là mảng kinh doanh lớn nhất của công ty và Big Lots cho biết họ đã chứng kiến sự tăng vọt về doanh số bán đệm, đồ nội thất hiên nhà, tủ, đồ văn phòng gia đình và đồ dùng nhà bếp.
Bên cạnh đó, các gói kích thích của chính phủ Mỹ và tăng cường trợ cấp thất nghiệp thêm 600 đô la một tuần, đang khiến khả năng chi tiêu của người Mỹ tăng vọt trong thời điểm đại dịch.
"Khi mọi người làm việc ở nhà, học ở nhà, họ dành nhiều thời gian hơn ở nhà và điều đó đòi hỏi họ phải đầu tư vào nhà của mình", Giám đốc điều hành của Big Lots, Bruce Thorn cho biết. "Chúng tôi đáp ứng được điều đó."
Ngoài ra, Big Lots thu hút khách hàng bằng mức giá thấp, hấp dẫn với cả những khách hàng có thu nhập cao hơn đang săn lùng món hời trong thời kỳ suy thoái và những người tiêu dùng eo hẹp về kinh tế.
Ken Perkins, chủ tịch của Retail Metrics, một công ty nghiên cứu bán lẻ, cho biết: “Chiến lược của Big Lots là dùng mức giá rất hợp lý và hấp dẫn người tiêu dùng có ngân sách eo hẹp cùng với các "chiêu trò" thu hút những khách hàng giàu có hơn”.
Trong thời kỳ đại dịch, rất nhiều người tiêu dùng Mỹ mua sắm tại Target, Amazon và Trader Joe's – những trang thương mại điện tử giao hàng tận nhà nhưng vẫn còn rất nhiều người đến với Big Lots. Đơn giản vì nó rẻ hơn và nhiều thứ hơn.
Mặc dù có được sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, họ sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai. Đơn giản một điều, các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ còn nhỏ và thua xa các đối thủ truyền thống lớn hơn như Walmart và Target. Khi các đối thủ này tập trung hơn vào mảng này, Big Lots có thể gặp nhiều nguy cơ.
“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số của mình,” CEO Bruce Thorn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm