“Quốc tế hoá” chuẩn mực kế toán, kiểm toán
Chuẩn hoá khung pháp lý và chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế là công cụ, ngôn ngữ kinh doanh quốc tế giúp DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu tổn thất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Được thành lập theo xu thế chung của quốc tế, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) là nơi hội tụ cũng như kết nối và lan tỏa tất cả các giá trị của những kiểm toán viên hành nghề, bao gồm những kiểm toán viên (KTV) hành nghề cá nhân và các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) với ba giá trị: độc lập - trung thực - minh bạch.
“Cánh tay nối dài”
Điều đầu tiên phải nói đến khi nhắc tới VACPA chính là việc phối hợp tham gia với Bộ Tài chính hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực và các hướng dẫn liên quan đến hành nghề kế toán, kiểm toán độc lập tại Việt Nam, bởi trên thực tế, kiểm toán độc lập là dịch vụ kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam. Cùng với đó, VACPA là một “cánh tay nối dài” đưa những thông lệ quốc tế tốt nhất tới các doanh nghiệp, tổ chức chia sẻ ý kiến qua các kênh trực tiếp của mình tới Bộ Tài Chính.
“VACPA đã tham gia với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán. Đồng thời chủ trì hoàn thành xây dựng hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Hoạt động của Hội trong chặng đường 15 năm qua đã để lại dấu ấn đáng ghi nhớ, đặt nền tảng, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo”, PGS.TS Trần Văn Tá, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, Chủ tịch danh dự VACPA nhấn mạnh.
Minh bạch báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế chính là thách thức lớn nhất mang tính hệ thống cho việc doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài
Bên cạnh đó, VACPA thông qua hệ thống KTV, DNKT kiểm toán thành viên tạo ra chất lượng của các báo cáo kiểm toán cũng như tạo thêm những dịch vụ tư vấn về quản trị công ty, quản trị rủi ro và thiết lập hệ thống tài chính kế toán trung thực. Điều này tạo niềm tin với công chúng, với các nhà đầu tư, đối với các công ty niêm yết, tạo nhiều niềm tin đối với các cổ đông người nước ngoài cũng như các nhà cung cấp, khi mà các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“VACPA tạo tiền đề và kích thích nâng cao chất lượng đối với các KTV và hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tài chính minh bạch, hiệu quả”, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch VACPA chia sẻ về giá trị của VACPA. Đồng thời cho rằng, VACPA góp phần minh bạch thông tin tài chính thông qua hoạt động kiểm toán BCTC, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo VACPA cũng thẳng thắn rằng, hiện còn nhiều vấn đề về địa vị pháp lý, vai trò của hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và hội nghề nghiệp trong xu hướng cải cách hành chính và hội nhập quốc tế, cần tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện.
“Hoàn thiện” ngôn ngữ kinh doanh quốc tế
Do đó, nhiệm kỳ thứ năm của VACPA được xác định là một nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức cũng như đổi mới trong phương thức hoạt động. “Không chỉ áp dụng theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, tới đây doanh nghiệp còn phải theo chuẩn mực kế toán quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán quốc tế chính là công cụ, là “ngôn ngữ” kinh doanh quốc tế. Vì thế, VACPA có vai trò rất lớn trong việc tham gia hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, ở đó, kiểm toán độc lập không chỉ tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi họ có thể giảm thiểu được những tổn thất do đứt gãy chuỗi hay cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ ngày càng hoàn thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của mình”, Chủ tịch VACPA nhấn mạnh đây là thách thức lớn với Việt Nam.
Bởi trên thực tế, “điểm nghẽn” lớn nhất để có thể đưa ra một báo cáo tài chính trung thực, minh bạch, làm niềm tin cho các nhà đầu tư là Việt Nam cần phải áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS. “Minh bạch báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế chính là thách thức lớn nhất mang tính hệ thống cho việc doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như thu hút doanh nghiệp nước ngoài”, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch VACPA nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, khi xếp hạng về quản trị công ty và quản trị bền vững thì doanh nghiệp Việt Nam thường xếp phía sau. Như vậy chúng ta làm sao tham gia sâu vào chuỗi cung ứng? làm sao trở thành nhà cung cấp F1 cho các doanh nghiệp FDI?”, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch VACPA, Chủ tịch HĐTV Công ty Deloitte Việt Nam đặt vấn đề.
Câu trả lời vẫn là phải có một mô hình quản trị minh bạch, hơn lúc nào hết, dịch COVID-19 là thời điểm để doanh nghiệp nhìn nhận ra rằng những doanh nghiệp có hệ quản trị minh bạch, bền vững sẽ không bị tác động nhiều từ dịch chuyển chuỗi cung ứng. “Khắc phục vấn đề này không nằm ở khách quan mà phải đi từ nội tại quản trị và phát triển nội tại doanh nghiệp”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.
Đặc biệt, Luật Kiểm toán độc lập dù đã được ban hành và áp dụng tại Việt Nam 10 năm qua nhưng chưa theo kịp “hơi thở” của cuộc sống và nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. “Về quản lý tài chính và thực thi việc minh bạch tài chính thông qua những công cụ kiểm toán không chỉ là DNNN, không chỉ là doanh nghiệp niêm yết hay doanh nghiệp FDI mà ngay cả những DNNVV cũng cần áp dụng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nhất là sau khủng hoảng COVID-19, khi người ta còn không biết lấy tiền đâu ra thì người ta đã quên mất là cơ quan kiểm toán không chỉ thực hiện kiểm toán mà còn hỗ trợ cho họ những cái dịch vụ tư vấn với kích thước, công thức quản lý tài chính, quản lý vốn lưu động và quản lý dòng tiền cho sự phát triển bền vững”, bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch VACPA chia sẻ.
Đi kèm với đó, đòi hỏi lực lượng của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề phải phát triển đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Phát triển bao gồm cả số lượng và chất lượng chuyên môn kiểm toán viên, đặc biệt là đạo đức.
Do đó, VACPA đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán-kiểm toán theo kịp yêu cầu hội nhập và thông lệ quốc tế. “Kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sớm nghiên cứu và ban hành Luật Kế toán viên công chứng quy định cho Kế toán và Kiểm toán hành nghề, trong đó quy định việc tham gia tổ chức nghề nghiệp gắn với điều kiện hành nghề. Đồng thời, rà soát, đánh giá và xây dựng Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập thay thế cho các Luật hiện hành, làm cơ sở để xây dựng và hoàn thiện tiếp khung pháp lý về kế toán, kiểm toán”, PGS.TS Trần Văn Tá đề xuất.
TS Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính:
Triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tếTới đây, cần triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng; xây dựng chuẩn mực BCTC Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam thay thế cho 26 chuẩn mực hiện nay để áp dụng cho các doanh nghiệp khác. Việc triển khai Đề án sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đồng thời góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi. Triển khai Đề án xây dựng và công bố chuẩn mực kế toán công ở Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế phù hợp với yêu cầu quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam.
TS Hà Thị Ngọc Hà, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VACPA:
Gia tăng giá trị các sản phẩm kế toán, kiểm toánTrên cơ sở các quy định pháp lý, hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp hiện hành, trong thời gian qua, VACPA đã liên tục cập nhật và ban hành mới nhiều sản phẩm chuyên môn để hướng dẫn hội viên, DNKiT, KTV và các bên quan tâm áp dụng các quy định, yêu cầu liên quan đến hoạt động kiểm toán độc lập.
Trong thời gian tới, VACPA sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm chuyên môn mà hội viên đang gặp khó khăn trong việc triển khai, áp dụng do chưa có hướng dẫn như Chương trình kiểm toán mẫu báo cáo tài chính hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty; cập nhật hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm: chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế để trình Bộ Tài chính ban hành.
Ông Ngô Đức Đoàn, Uỷ viên BCH VACPA, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC
Lan toả giá trị cốt lõiQua 15 năm một giá trị cốt lõi đến giờ là các hội viên cá nhân và tập thể đều nâng lên tình yêu nghề kế toán, kiểm toán, thẩm định giá cũng như tư vấn thuế. Môi trường kinh doanh, quản lý và quản trị của Việt Nam ngày càng minh bạch với chất lượng ngày càng cao được khẳng định từ hoạt động của kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, những hạn chế về pháp lý và sự phát triển của môi trường kinh doanh tới đây sẽ là thách thức với Hội thời gian tới. Do đó, tới đây, Hội đề xuất tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán...