"Ông trùm" hành lý thất lạc

QUỐC HUY 06/12/2020 07:30

Mỗi năm có khoảng 4,3 tỉ kiện hành lí kí gửi, trong đó có khoảng 25 triệu hành lí lạc chủ.

Sau nhiều nỗ lực giúp đoàn tụ thì vẫn còn 0,03% số hành lí được dán nhãn “không người nhận”, rồi bán lại cho một công ty tư nhân sau 90 ngày.

Tại Mỹ, có một công ty chuyên thu mua hành lí vô chủ tên là Un- claimed Baggage- công ty duy nhất ở Mỹ kinh doanh mảng này.

Ý tưởng bất chợt

Năm 1970, một người bán bảo hiểm tên Hugo Doyle Owens thường dò sóng trên đài sau giờ làm việc để trò chuyện với bạn bè lẫn người lạ.

Một ngày nọ, qua chiếc đài, ông biết tin một công ty xe buýt ở thủ đô Washington có một khối hành lí vô chủ khổng lồ cần tống đi. Thời đó, “hành lí vô chủ” đồng nghĩa với “phế liệu” chẳng mấy ai quan tâm. Nhưng Owens lại hứng thú với tin đó và nhận thấy cơ hội khởi nghiệp tiềm năng.

Ông mượn bố vợ 300 USD (tương đương khoảng 2.000 USD hiện nay) và mua hết khối “phế liệu”. Với sự giúp đỡ của vợ và hai người con, ông lập một gian hàng nhỏ để bày bán những món đồ trong khối hành lí mua được.

Ông còn đăng một mẩu quảng cáo nhỏ trên tờ báo địa phương để thông báo đến mọi tín đồ săn hàng giảm giá ở Hạt Jackson. Tất cả đồ được bán hết trong chưa đầy 24 giờ, giúp ông lời một khoản kha khá.

Owens tiếp tục gian hàng của mình trong lúc mọi người truyền tai về nó. Sếp bảo hiểm của ông cuối cùng ra tối hậu thư bắt ông lựa chọn giữa bán bảo hiểm và bán hành lí, và ông quyết định biến thú vui bán đồ bỏ đi trở thành công việc chính của mình và gia đình.

Đến năm 1978, Owens đã kí thỏa thuận mua hàng từ Eastern Airlines, National Airlines, và Air Florida (nay đã giải thể); trong những chặng trung chuyển giữa Washington, Miami, Cleveland và Dallas, ông cùng 6 người phụ tá nhập đến 3.000 kiện mỗi tháng.

Qua nhiều năm, việc kinh doanh càng được mở rộng nhờ những thỏa thuận bí mật và độc quyền giữa Owens và các hãng hàng không lớn, tập đoàn khách sạn, hãng vận tải.

Khi tạ thế năm 2016, ông đã được ba đời thị trưởng thành phố Scottsboro vinh danh, mọi người ở thành phố đều biết tên ông, còn cửa hàng bán hàng lí thất lạc (Unclaimed Baggage) của ông hiện nay lớn như một siêu thị và thành điểm du lịch tầm cỡ quốc tế
- đón một triệu người ghé thăm vào năm 2019.

Tiệm bán đồ thất lạc duy nhất ở Mỹ

Sau khi tiếp quản công việc từ cha vào năm 1995, Bryan Owens đã mở rộng diện tích cửa hàng lên 4.600 m2. Trước dịch COVID-19, hàng ngàn kiện hành lí nhập kho mỗi ngày. Khu vực giặt ủi của cửa hàng là lớn nhất bang Alabama với công suất 70.000 đồ may mặc mỗi tháng.

Unclaimed Baggage không chỉ mua hành lí kí gửi vô chủ, mà còn mua đồ bỏ quên trong khoang hành lí trên đầu, trong ngăn ghế trước, và cả những món đồ quá cỡ (ván lướt sóng, ván trượt tuyết, xe lăn, thảm,...).

Công ty cực kì bảo mật thông tin thỏa thuận với các đối tác lẫn số tiền họ bỏ ra mua lại hành lí (dù mức phí này có thể tính theo kiện hàng hoặc cân nặng). Tất nhiên, Unclaimed Baggage không biết có gì trong từng kiện hàng.

Khi một khối hàng được giao đến, Unclaimed Baggage sẽ phân loại: Bán lại, sử dụng cho mục đích khác/quyên góp, tái chế/vứt bỏ. Các món có thể bán lại sẽ được chuyên gia định giá và xác thực.

Sau khi qua các công đoạn, khoảng 1/3 số đồ sẽ được bán, 1/3 sẽ được gửi đến các tổ chức từ thiện. Dù hành lí luôn được kiểm tra tại sân bay, một vài thứ nhạy cảm vẫn xuất hiện: đồ phi pháp (ma túy, vũ khí, tiền không đánh dấu) sẽ được niêm phong ngay để gửi chính quyền địa phương; đồ không phù hợp (sách báo và đồ chơi khiêu dâm) sẽ không lên kệ.

Giám đốc Brenda Cantrell bộc bạch: “Cần nhọc công đãi rất nhiều sạn mới có được vàng, và chúng tôi đã làm công việc này 50 năm qua với một quy trình đều đặn đến hoàn thiện.”

Độc lạ giữa đời thường

Từ khi chưa mở rộng Unclaimed Baggage, những món đồ kinh hãi nhất ở đây cũng có chủ mới: một chiếc bia mộ khắc hẳn tên và ngày mất được một quý ông mua làm mặt bàn cà phê, hay một cái đầu teo của thổ dân rừng Amazon thành vật trang trí tại nhà một bác sĩ…

Giám đốc Cantrell cho biết hiện khoảng 60% mặt hàng là quần áo và phụ kiện thời trang, ngoài ra có một lượng lớn tai nghe, sách điện tử, gối cổ... Tuy nhiên, cửa hàng vẫn có một số món bất ngờ: vài bộ váy cưới, nhẫn cưới, nhẫn đính hôn; bản hướng dẫn hệ thống phản lực F16 của Hải quân Mỹ; một con rắn chuông trong túi thể thao…

Mới đây, trang bán hàng trực tuyến cũng được ra mắt và không thiếu đồ kì quặc: một cây cơ bi-a bọc da thằn lằn, xe điện tự cân bằng chạy bluetooth, quần lót nam chống phóng xạ,...

Có lúc, chủ nhân và món đồ được đoàn tụ, như vài năm trước có một người đàn ông mất hành lí trong chuyến bay đi Châu Âu đến Unclaimed Baggage, nhận ra và mua lại bộ vest đặt may màu oải hương ở gian thời trang nam.

Một số người cho rằng Unclaimed Baggage cần trả những món đồ cho chủ nhân, nhất là những đồ rất riêng tư như nữ trang có khắc tên và ngày tháng hay hàng điện tử có thông tin xác định. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cửa hàng vẫn duy trì kinh doanh - trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, nhà sáng lập Owens nói: “Chúng tôi là nhà bán lẻ, không có nghĩa vụ tìm kiếm hành lí các bạn bỏ rơi.”

QUỐC HUY