Doanh nghiệp lữ hành tìm ánh sáng qua "khe cửa hẹp"
Trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh. Con số buồn nhưng đặt các doanh nghiệp lữ hành buộc phải có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2021.
Lữ hành có vai trò rất quan trọng trong ngành Du lịch, là đầu tàu liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ du lịch.
'Cuộc thi' bất đắc dĩ
Du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, giảm 50% khách nội địa và giảm 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Đồng thời, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.
Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại nặng nề khi là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành đã đóng cửa, dừng hoạt động; không ít nơi phải chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Cụ thể, trong năm 2020, có tới 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với năm 2019; có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 lần. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc STS Tourist cho rằng, đại dịch Covid-19 như phép thử bất ngờ, một “cuộc thi” đối với các doanh nghiệp du lịch.
“Cuộc thi” đó có những doanh nghiệp vượt qua, song cũng có những đơn vị phải dừng lại, rời cuộc chơi. Trong giới lữ hành, có “ông lớn” chuyên về du lịch outbound (đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài) thời cao điểm với cả nghìn nhân viên, khi dịch bệnh ập đến không kịp chuyển đổi, đã buông tay. Thậm chí, văn phòng công ty này tại Hà Nội còn cho tất cả nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại 3 nhân sự là lãnh đạo chủ chốt của văn phòng. Tuy nhiên, có những công ty nhanh nhạy, chuyển đổi sang mảng nội địa và bảo toàn được lực lượng nhân sự.
Còn theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist, nhìn nhận, trong bối nhu cầu đi du lịch thấp, giá xuống đáy, người dân tự túc đi du lịch ngày càng nhiều, hướng tới du lịch từng phần thay vì trọn gói và trong bối cảnh môi trường số, đòi hỏi lữ hành phải xây dựng các sản phẩm khác biệt mới thành công.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours đánh giá, kích cầu du lịch giờ không có nghĩa là giảm giá mà kích thích người dân đi du lịch bằng nhiều cách khác nhau. Các doanh nghiệp lữ hành cần liên tục làm mới, bổ sung ưu đãi cho du khách.
Khát khao khôi phục
Đề xuất một số chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho rằng cần tiếp tục chính sách miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp ngành du lịch trong năm 2021.
Theo đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT năm 2021 trong khoảng thời gian 6-12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet.
Cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp du lịch vay ưu đãi để phục hồi hoạt động kinh doanh. Về các gói vay tài chính từ ngân hàng, đa phần các ngân hàng vẫn đang đàm phán cho vay tiếp với điều kiện phải có tài sản thế chấp trong khi các công ty lữ hành không dựa trên tài sản cụ thể (như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ...) mà dựa trên tài sản vô hình như thương hiệu, tài nguyên khách hàng, uy tín là chủ yếu.
“Các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi. Ngay cả chấp nhận vay với lãi suất cao nhưng vẫn không được phép vay vì du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp”, bà Hương nói.
Ngoài ra, đại diện Vietravel nhìn nhận cần có thêm những chính sách và cơ chế đặc thù cho ngành du lịch trong tình hình mới; giải pháp với ngành du lịch địa phương; chính sách kích cầu; truyền thông an toàn.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, các doanh nghiệp không nên quá bi quan, cũng không quá chủ quan nhưng phải nhìn lại mình trong sự cạnh tranh, khắc nghiệt của dịch bệnh và phải chấp nhận.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp lữ hành phải tái cấu trúc, tái cơ cấu lại trong việc quản trị; thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, hành xử văn hóa trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung vào phân khúc du lịch nội địa, trong đó phải tìm phân khúc riêng, tìm kiếm sản phẩm du lịch khác biệt dành cho những khách hàng khác nhau. Lữ hành cùng các đơn vị phải tạo ra sản phẩm mới kết nối, định hướng, liên kết, từ đó thay đổi tư duy không chạy theo số lượng và mà đầu tư vào chất lượng.
Đồng thời, giao Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các hoạt động và đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tham gia quyết liệt, triển khai có hiệu quả những nội dung mà Hiệp hội Lữ hành Việt Nam khởi động với doanh nghiệp lữ hành trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông sông Cổ Cò: Tiềm năng phát triển du lịch, bất động sản Quảng Nam-Đà Nẵng
19:12, 08/01/2021
Cần Thơ: Kích cầu du lịch nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống COVID-19
12:45, 31/12/2020
Phú Quốc vào mùa đẹp nhất để du lịch, săn tìm cơ hội đầu tư
21:44, 30/12/2020
Giá bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc sẽ còn tăng
04:30, 30/12/2020
Hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh của Crystal Bay hấp dẫn du khách
18:00, 29/12/2020
Nỗ lực "đánh thức" du lịch Hội An
08:42, 29/12/2020