Trước tin đồn M&A với đại gia bán lẻ, Phúc Long đang kinh doanh ra sao?
Trong khoảng 1 tuần gần đây, trên thị trường F&B Việt Nam đã xôn xao thông tin: chuỗi đồ uống Phúc Long đang được một tập đoàn lớn tại Việt Nam hỏi mua.
Được biết, tập đoàn này hiện có chủ trương hợp tác chiến lược cùng các doanh nghiệp Việt, trong đó có thương hiệu đồ uống như Phúc Long. Tuy nhiên, cách thức hợp tác cụ thể chưa được tiết lộ.
Phúc Long là thương hiệu đồ uống từng có thời gian "gây bão" giới trẻ trong Nam, ngoài Bắc. Tận dụng làn sóng này, họ vươn lên mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây.
Phúc Long được khai sinh từ năm 1968 tại vùng cao nguyên chè Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ba cửa hàng đầu tiên mở ra từ năm 1980 tại TP HCM bày bán các sản phẩm trà và cà phê Việt. Năm 2007, Phúc Long sở hữu đồi chè tại tỉnh Thái Nguyên, họ cũng đầu tư một nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương được chứng nhận theo chuẩn HACCP.
Năm 2012, Phúc Long chính thức mở cửa hàng đồ uống đầu tiên, gia nhập ngành F&B. Kể từ năm 2018, sau khi phát triển mạnh mẽ tại TP HCM, chuỗi đồ uống Phúc Long mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có màn Bắc tiến ra Hà Nội. Họ đồng thời xây dựng nhà máy chế biến thứ hai tại Bình Dương.
Trong năm 2019, Phúc Long ồ ạt khai trương gần 20 cửa hàng, để nâng tổng số cửa hàng có mặt trên toàn quốc lên con số 70. Trong năm 2020, dù Covid-19, song chuỗi F&B lâu đời này cũng đã cố mở rộng thị trường, khi khai trương thêm gần 10 quán mới nữa. Trong năm 2021, họ lần đầu ra mắt concept mới kiểu kiosk và đã làm được 2 cái. Tổng cộng theo ước tính hiện Phúc Long đang có khoảng trên dưới 80 cửa hàng và 2 kioks. Công ty cũng đã đưa sản phẩm của mình đến hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay kênh thương mại điện tử, cũng như xuất khẩu sang nhiều quốc gia.
Cùng với sự hiện diện của mình, kết quả kinh doanh của Phúc Long tăng trưởng "phi mã", chiếm vị trí số một về doanh thu so với các chuỗi trà sữa, kể từ năm 2017.
Năm 2019, doanh thu của Phúc Long đạt 779 tỷ đồng, tăng 65%. Các năm trước đó, mức tăng trưởng cũng lần lượt ghi nhận 39% và 25%.
Doanh thu của Phúc Long thậm chí ngang ngửa với các chuỗi cà phê top đầu như Starbucks (783 tỷ đồng), The Coffee House (863 tỷ đồng), gần gấp đôi Trung Nguyên (409 tỷ đồng).
Biên lợi nhuận gộp của Phúc Long khoảng 35%, là mức trung bình trong ngành đồ uống. Tại Highlands Coffee, The Coffee House hay Trung Nguyên, tỷ lệ này thậm chí đạt từ 65% - 70%.
Giống như các doanh nghiệp chuỗi đồ uống khác, mặc dù doanh thu tương đối cao nhưng lợi nhuận ròng thu của của Phúc Long không quá ấn tượng. Đáng chú ý nhất trong năm 2019 khi tình hình kinh doanh đột biến, họ chỉ lãi 20 tỷ đồng, các năm trước lãi tượng trưng một vài tỷ đồng. Một phần nguyên nhân đến từ đặc thù của ngành F&B đòi hỏi chi phí vận hành lớn, bao gồm chi phí thuê mặt bằng đẹp, trả lương nhân công, truyền thông và kiểm soát chất lượng…
Chủ sở hữu của Phúc Long là ông Lâm Bội Minh (sinh năm 1946), một doanh nhân người Hoa. Tại thời điểm điểm đầu năm 2017, vốn điều lệ của Phúc Long ở mức 50 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Bội Minh sở hữu 53,33%; cổ đông nắm phần còn lại là ông Lâm Chấn Huy.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân ông chủ Phúc Long – Lâm Bội Minh có ý định tìm thêm ‘bạn đồng hành’ được cho là do chuỗi đã quá lớn và một mình ông quán xuyến quá vất vả.
Phúc Long đang là chuỗi trà – cà phê lớn thứ 3 thị trường, sau Highlands Coffee và The Coffee House. Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam Highlands Cofee của Công ty CP Việt Thái International vốn được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Jollibee đến từ Philippines – công ty mẹ của chuỗi thức ăn nhanh Jollibee. Chuỗi The Coffee House được chèo chống bởi Seedcom – cả về nguồn lực, công nghệ và tài chính. Trong tương quan đó, Phúc Long vẫn đang tự làm một mình và chưa có nhà đầu tư hoặc đối tác lớn. Việc suy tính tìm kiếm bạn đồng hành nếu có của ông chủ Phúc Long là một quyết định hợp lí và thức thời.
Như bất cứ cuộc M&A nào, nguyên nhân quan trọng khiến Phúc Long vẫn chưa ưng ý với bất kỳ người đối tác hay nhà đầu tư bên ngoài, có lẽ đến từ nỗi trăn trở của chủ thương hiệu. Phúc Long là tâm huyết của ông Lâm Bội Minh đã dày công gầy dựng trong vài chục năm, nên chuyện ông vô cùng cẩn thận khi tìm thêm ‘ba nuôi’ cho đứa con tinh thần của mình là chuyện bình thường.
Nếu không yên tâm giao thương hiệu Phúc Long cho người khác và vẫn muốn quản lý chuỗi dễ dàng hơn, theo lời khuyên của một nhà tư vấn đầu tư giấu mặt, ông chủ Phúc Long có thể thử tìm đến các quỹ đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao bạn có thể mua Highlands, Phúc Long trên GrabFood hay Now nhưng chẳng thể order nổi một cốc The Coffee House trên các ứng dụng này?
15:09, 19/09/2019
“Kẹt chân trong cửa” – Kỹ xảo nổi tiếng trong nghệ thuật thuyết phục lòng người
06:12, 12/08/2019
Lazada và câu chuyện chinh phục lòng tin của người tiêu dùng
16:44, 05/04/2016