Doanh nghiệp bất ngờ giải thể ở Bình Dương (Kỳ 1): Hàng trăm công nhân lao đao
Hàng trăm công nhân tại công ty TNHH Delancey Street Furniture VN (KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát, Bình Dương), lo lắng vì doanh nghiệp bất ngờ giải thể trong thời gian nghỉ Tết.
Doanh nghiệp chỉ được phép giải thể…
Theo ghi nhận của phóng viên, Công ty TNHH Delancey Street Furniture VN là doanh nghiệp nước ngoài (100% vốn FDI). Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bàn ghế, nệm da… ở KCN Rạch Bắp, thuộc tỉnh Bình Dương từ 2019 với số lượng lao động lên tới hàng trăm công nhân. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ tết nguyên đán 2021, ngày 17/2 (tức 6 tết), khi công nhân quay trở lại là việc thì doanh nghiệp này bất ngờ thông báo giải thể, khiến người lao động lo lắng vì không biết quyền lợi của họ sẽ được giải quyết như thế nào. Bởi, thông tin này đến với họ là hết sức bất ngờ.
Trước sự việc nêu trên, ngày 17/2021, cơ quan chức năng TX.Bến Cát, Bình Dương đã làm việc với Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho công nhân sau khi nhận được thông tin hàng trăm công nhân đến làm việc nhưng nhà máy của công ty đóng cửa.
Và làm việc với cơ quan chức năng TX.Bến Cát, đại diện Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam cho rằng, công ty đã ra thông báo giải thể từ ngày 6/2/2021, nhưng do thời điểm này công nhân đã nghỉ tết, nên không thông báo hết cho mọi người được.
Với nội dung này, Đoàn công tác của các cơ quan chức năng TX. Bến Cát đã lập biên bản, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải thể của công ty và trả lương ngừng việc cho người lao động.
Đại diện công ty cũng cam kết sau khi thực hiện các thủ tục pháp lý để giải thể sẽ chi trả đầy đủ các chế độ cho người lao động.
… khi đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Liên quan tới quy định về việc giải thể doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật sư Nguyên Hải Vân – Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật lao động - BLLĐ 2019, quy định khi doanh nghiệp giải thể, thì doanh nghiệp có nghĩa vụ ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng ghi nhận, các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Nợ thuế; Các khoản nợ khác.
Vì vậy, khi công ty giải thể, việc giải quyền quyền lợi cho người lao động phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiên các quyền lợi này cho người lao động thì các cơ quan chức năng tại địa phương phải giám sát chặt chẽ. "Trường hợp cần thiết phải áp dụng các điều kiện ràng buộc (hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Song song đó, đơn vị sử dụng lao động phải nghiêm túc thực hiện những gì cơ quan chức năng yêu cầu như: BHXH, HHYT, BHTN, Thuế, Sở Lao động Thương binh và xã hội", Luật sư Vân nhấn mạnh.
Kỳ 2: Nhiều nghi vấn về lí do doanh nghiệp giải thể trong dịp Tết?
Có thể bạn quan tâm
Hơn 26.000 DN giải thể, phá sản ngừng hoạt động
00:00, 29/06/2012
Gánh nặng từ việc DN giải thể, phá sản
00:00, 06/05/2012
Chuyện chỉ có ở Việt Nam: DN giải thể, cổ phiếu vẫn tăng giá
00:00, 18/04/2012
2 tháng đầu năm: Hơn 3.200 DN giải thể, ngừng hoạt động
00:00, 28/03/2012