Hoà Phát thêm container vào "hệ sinh thái thép"
Việc Hòa Phát tham gia lĩnh vực sản xuất container có tính chiến lược. Đó là đưa ngành logictics Việt Nam có được sự chủ động, sáng tạo và giúp hạ thấp chi phí vận chuyển.
Ngành logistics toàn cầu hiện đang vật lộn với tình trạngthiếu vỏ container. Do Covid-19, việc giải phóng, quay vòngcontainer rỗng bị đình trệ, trong khi nhu cầu xuất hàng đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến khiến container bị khan hiếm trầm trọng. Cao điểm, vào những tháng cuối năm 2020, giá thuê container đã tăng liên tục, gấp từ 2 đến 10 lần. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc tăng giá cước vận tải khiến xuất khẩu gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao, thậm chí có đơn vị phải phá sản.
Quyết định táo bạo
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thép, việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất như container là mặt hàng tương đối đặc thù, quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ…
Tưởng chừng như câu chuyện sản xuất container ở Việt Nam vẫn “nằm im bất động” thì bất ngờ vào tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có quyết định vừa bất ngờ vừa táo bạo đó là sẽ sản xuất vỏ container rỗng dựa trên những nghiên cứu đánh giá trong thời gian vừa qua về nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Ống Thép và Tôn mạ màu Hòa Phát cho biết tập đoàn dự định sản xuất 500.000 TEU mỗi năm tại hai khu vực gần cảng biển là Hải Phòng và Đông Nam Bộ. Nhà máy đầu tiên của Hòa Phát dự kiến tại phía Nam, tỉnh Bình Dương hoặc Đồng Nai, gần với cảng Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải.
"Container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát", ông Tuấn thông tin.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoan nghênh đề án của Hòa Phát này. Theo ông Giang, hiện nay đến 90% container trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Việc tổ chức sản xuất, đóng mới container tại Việt Nam là ý kiến hay, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.
Mắt xích để hoàn thiện chuỗi cung ứng
Các chuyên gia vận tải biển cho rằng xu hướng vận tải biển bằng container trên thế giới là ngày càng rõ, ngay cả những mặt hàng như gạo thì chủ hàng ngày càng chuộng đóng bao và xuất khẩu bằng container. Tuy nhiên, việc phát triển đội tàu container tại Việt Nam còn khá hạn chế về số lượng và kích thước, trong khi năng lực vận hành đội tàu này cũng là vấn đề lớn. Chuyên gia logistics Lê Văn Bảy cho rằng, trong các giải pháp, xây dựng đội tàu chính là giải pháp căn cơ nhất, vị chuyên gia khẳng định. Bản thân các nước có đội tàu sẽ có nhiều lợi thế, ngoài vấn đề kinh tế còn có cả an ninh quốc phòng...
Hiện 90% lượng container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có thể thời điểm ban đầu Hòa Phát gặp phải một số khó khăn, “nhưng là một tập đoàn đa ngành, với thế mạnh là thép, cơ khí... thì tôi tin tập đoàn này sẽ vượt qua trở ngại từ phía đối thủ lớn là các nhà sản xuất container đến từ Trung Quốc. Đã có rất nhiều các mặt hàng Trung Quốc sản xuất thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được, thậm chí còn cạnh tranh tốt” – ông nói.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, “vũ khí” chính để Hòa Phát có thể thành công khi sản xuất container: thứ nhất, là chi phí. Đây là vũ khí quan trọng nhất giúp Hòa Phát có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà sản xuất container đến từ Trung Quốc. Vì đây là doanh nghiệp vừa sản xuất thép nhưng cũng có chế biến, chế tạo, cơ khí... Thứ hai, khi Hòa Phát sản xuất container thì có thể đi ngay từ các cảng của Việt Nam. Việc này dẫn đến rút ngắn được thời gian và chi phí vận chuyển về Việt Nam. Thứ ba, Hòa Phát có lợi thế về nhân công, vị trí địa lý...
Container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều.
Một quyết định táo bạo từ một doanh nghiệp của Việt Nam có đủ năng lực để giúp ghi tên Việt Nam vào bản đồ những nước sản xuất và xuất khẩu container không phải là không khả thi!
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):
Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo. Năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng, do vậy phải phụ thuộc vào lượng container của hãng tàu nước ngoài.