Vì đâu Now “càng làm càng lỗ”?

NGUYỄN CHUẨN 08/05/2021 11:00

Gần đây, ứng dụng giao đồ ăn Now của Foody đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ khách hàng và tài xế sau chính sách ghép đơn bất hợp lý của mình.

Gần đây, ứng dụng giao đồ ăn Now của Foody đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ khách hàng và tài xế sau chính sách ghép đơn bất hợp lý của mình.

Song, đó dường như chỉ là một trong nhiều thách thức đối với Foody, hiện tại họ đang phải gánh một khoản lỗ ngày càng lớn trong cuộc đua “đốt tiền” với các đối thủ lớn như GrabFood, GoFood hay là Baemin trên mảng giao đồ ăn trực tuyến.

Ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Việt Nam

Now, trước đây là Delivery Now, ứng dụng giao hàng trực tuyến được ra mắt từ năm 2016, thuộc Công ty Cổ phần Foody và được thành lập bởi ông Đặng Hoàng Minh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Sau gần 6 năm hoạt động, Now đang là ứng dụng ship đồ ăn có lượng khách hàng rất lớn, kết hợp cùng sự hậu thuẫn của nền tảng review đồ ăn Foody, có thể tạo cho các nhà hàng một cơ hội tăng cường doanh thu đột phá. Không khó hiểu khi các nhà hàng, quán ăn, quán cafe hầu hết đều đang đăng ký Now để tiếp cận nhiều khách hàng và tăng doanh thu.

Điểm mạnh của Now ngoài khả năng tiếp cận nhiều khách hàng, họ còn được nhiều nhà hàng, quán ăn ưa chuộng bởi ít khi xảy ra tình trạng thiếu tài xế, tài xế hủy đơn, và liên tục có các chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho cả đối tác và khách hàng. Đây được coi là chiến lược phát triển của Now để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành.

Năm 2015, Foody, đơn vị chủ quản của Now được Sea, một công ty công nghệ của Singapore, đầu tư từ giai đoạn gọi vốn series B. Tiếp đó đến năm 2017, Sea đã mua lại 82% cổ phần của Foody với giá 64 triệu USD (gần 1.500 tỷ đồng).

Đến năm 2016, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 32 tỷ đồng, bằng với lãi gộp (giá vốn hàng bán bằng 0). Tuy nhiên, việc phải chịu quá nhiều chi phí khiến cuối năm doanh nghiệp phải báo lỗ 40 tỷ đồng. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Foody âm đến 112 tỷ đồng, dù doanh thu tăng gấp 4 lần (lên 130 tỷ). Lúc này, biên lợi nhuận gộp chỉ còn là 34%.

Thời điểm tháng 7 năm 2017, nhà sáng lập Foody chia sẻ Now có gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Cho đến cuối năm 2020, Now báo cáo có những ngày số lượng đơn hàng giao thành công của họ lên đến 1 triệu, ví dụ như ngày 12 tháng 12 năm ngoái.

Càng làm càng lỗ?

Nhưng lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu ứng dụng Now càng âm nhiều hơn sau mỗi năm kinh doanh. Năm 2018, họ báo lỗ là 433 tỷ đồng, tiếp đó năm 2019 số lỗ lên đến 650 tỷ, trong khi doanh thu thuần năm 2018 là 255 tỷ, năm 2019 là 519 tỷ. Riêng năm 2019, mỗi ngày Foody lỗ 1,8 tỷ đồng.

Vì sao doanh thu và lượng người truy cập sử dụng liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng Now lại vẫn chưa nhìn thấy lãi?

Trên thực tế, các ứng dụng giao hàng qua điện thoại thông minh là một trong những lĩnh vực được đầu tư mạo hiểm, nơi mà các giám đốc điều hành kinh doanh dường như đã nghiêm túc thực hiện câu nói đùa: “mất tiền trong mỗi giao dịch để mong kiếm được số lượng lớn hơn”. 

Rõ ràng các quy tắc thông thường của chủ nghĩa tư bản về việc “tối đa hóa lợi nhuận” không được áp dụng ở đây. Điều này đã dẫn đến một tình huống kỳ lạ là các nhà hàng cảm thấy bị siết chặt bởi phí dịch vụ giao hàng nhưng bản thân các ứng dụng giao hàng vẫn liên tục báo lỗ. Tại sao điều này lại xảy ra?

Các chuyên gia phân tíhc cho rằng, điều này liên quan đến chiến lược phát triển của các ứng dụng. Họ “đốt tiền” mạnh, khuyến mại nhiều, và sau đó chờ đợi để thiết lập một vị trí thống lĩnh thị trường, tại thời điểm đó họ có thể tăng giá đến mức mà họ sẽ có lãi. Tức là, trong tương lai, các nhà hàng và khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn phí giao hàng, và các ứng dụng này sẽ kiếm tiền.

Tuy nhiên, có một vấn đề là "tương lai" lợi nhuận bao giờ sẽ đến? Uber đã cung cấp dịch vụ đi xe được mười năm. Grab hoạt động được 9 năm, Now đã có 6 năm phát triển, nhưng khi nào thì giai đoạn "lợi nhuận" trong hoạt động kinh doanh của họ xuất hiện?

Khó khăn chồng chất…

Gần đây, ứng dụng Now đã phải hứng chịu “cơn bão” 1 sao sau phàn nàn của một số tài xế của mình. Nhiều tài xế của Now tỏ ra bức xúc với những chính sách ghép đơn mới của ứng dụng này bởi vì những bất cập mà nó gây ra. Họ cho rằng, tính năng ghép đơn hàng của Now gần đây đang rơi vào tình trạng bất hợp lý và gây ra ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.

Now là ứng dụng tiên phong áp dụng tính năng ghép đơn. Các ứng dụng khác như Grabfood hay Baemin đều áp dụng tính năng này, nhưng hiện tại dường như chỉ có Now bị “dính phốt”. Có lẽ tất cả nằm ở cách xử lý “khủng hoảng truyền thông” của ứng dụng này.

Thực tế là từ hồi tháng 8 năm 2020, Now đã chính thức ra mắt tính năng ghép đơn dành cho tài xế. Đây là tính năng giúp tài xế có thể nhận nhiều đơn hàng cùng lúc nếu như các đơn hàng đó có cùng lộ trình di chuyển, tài xế sẽ có cơ hội tăng thêm thu nhập, tăng điểm thưởng đơn hàng và thưởng ngày, mà theo công ty mô tả là "giúp tăng thu nhập cũng như tối ưu quãng đường di chuyển".

Đây được coi là yếu tố để tạo ra lợi nhuận: năng suất. Đối với nhiều mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ như dịch vụ đi xe hoặc giao đồ ăn, đây chính là công nghệ giúp cho người lao động làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với rất nhiều ứng dụng, việc tăng năng suất có thể sẽ không thành hiện thực.

Khó khăn của Now chứng tỏ một điều, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt quy mô khoảng 38 triệu USD năm 2020 và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Hiện tại, Grab, Baemin, VinID và cả Tiki cũng đã gia nhập thị trường này. Bất cứ một cuộc sảy chân nào của người chơi cũng có thể khiến họ phải “ôm hận”. Nếu Now không thể ngay lập tức xoa dịu dư luận và giải quyết khủng hoảng truyền thông, cái giá của họ phải trả có thể sẽ còn đắt hơn nữa…

NGUYỄN CHUẨN