Những công ty từ bờ vực phá sản đã “trở lại và lợi hại hơn xưa”
Khi một công ty trên bờ vực của sự thất bại, thường sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Điều này cho phép các công ty tái cấu trúc lại các công việc kinh doanh, các khoản nợ và tài sản.
Có không ít những cái tên chỉ còn là hoài niệm. Enron, WorldCom và Lehman Brothers là một số ví dụ nổi tiếng về các công ty phá sản và không bao giờ trở lại. Trong khi, một số đã xoay sở để vực dậy sau phá sản để “trở lại và lợi hại hơn xưa”. Dưới đây là những cái tên điển hình cho sự thành công đó.
Thật khó tin rằng một trong những công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường đã từng rơi vào tình trạng khốn đốn. Mặc dù chưa bao giờ thực sự nộp đơn phá sản, nhưng Apple cũng đã đứng trước bờ vực phá sản vào năm 1997. Thời điểm đó, họ bắt buộc phải cắt giảm 1/3 nhân sự và chỉ còn cách thời điểm phá sản không đến 90 ngày.
Khi đó, Steve Jobs đã làm điều mà ít người nghĩ đến khi ông có cuộc gọi với Bill Gates, ông chủ của đối thủ truyền kiếp, Microsoft. Sau đó, nhà lãnh đạo của Microsoft tuyên bố đầu tư 150 triệu USD vào Apple. "Thời đại mà chúng ta nghĩ rằng phải cạnh tranh với Microsoft đã chấm dứt", Steve Jobs phát biểu trong sự kiện MacWorld tháng 8 năm 1997.
Steve Jobs sau đó đã thực hiện rất nhiều thay đổi tại công ty, loại bỏ các rào cản của sự phát triển, tập trung vào thiết kế sản phẩm để tạo ra những thiết bị đột phá như iPhone, iPad. Đưa Apple từ một công ty yếu kém, được định giá chỉ khoảng 3 tỷ USD dần trở thành một công ty có giá trị nhất thế giới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, thời điểm đó Microsoft đưa tay ra cứu vãn cuộc phá sản của Apple vì lo ngại rằng các nhà quản lý sẽ coi họ như một sự độc quyền nếu không có sự cạnh tranh từ Apple trên thị trường. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, General Motors, từng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã đệ đơn phá sản và cuối cùng được chính phủ liên bang cứu trợ.
Từ tháng 12 năm 2008, Nhà Trắng bắt đầu phải rót tiền cứu nguy cho GM, đồng thời thành lập một đội “đặc nhiệm” để nghiên cứu kế hoạch vực dậy công ty, nhưng mọi nỗ lực gần như vô hiệu. Đầu tháng 6 năm 2009, GM chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Cổ phiếu của hãng ngay lập tức rơi xuống mức xấp xỉ 1USD.
Tuy nhiên, chỉ 40 ngày sau, GM đã vượt lên và thoát cảnh phá sản, đánh dấu sự ra đời của một “GM mới”. Dù vậy, GM mới đã teo tóp đi rất nhiều so với GM cũ và hãng cũng gần như đã “sang tên đổi chủ” khi “GM cũ” chỉ nắm được 10% cổ phần, số cổ phần còn lại thuộc Chính phủ Mỹ (60,8%), Chính phủ Canada và bang Ontario (11,7%), Nghiệp đoàn Ô tô (17,5%).
Hơn 1 năm sau, tháng 11 năm 2010, GM đánh dấu “sự trở về của huyền thoại” bằng cuộc ra mắt công chúng lần đầu tiên(IPO) thành công vang dội. Giá cổ phiếu của GM lúc đóng cửa phiên IPO cao hơn 3,6% so với giá chào sàn, giúp hãng thu về 23 tỷ USD, trở thành cuộc IPO lớn nhất thế giới tính tới thời điểm đó.
Cuối cùng, vào tháng 12 năm 2013, Bộ Tài chính Mỹ đã thoái vốn hoàn toàn khỏi GM, thu hồi tổng cộng 39,7 tỷ USD từ khoản đầu tư 51 tỷ USD ban đầu.
GMAC, nay là Ally Financial, là chi nhánh tài trợ ô tô của General Motors, cấp tín dụng cho những người mua ô tô của hãng. Ngân hàng này đã được cứu trợ cùng với công ty mẹ GM với số tiền 17,2 tỷ USD bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Sau đó, công ty đã nổi lên như một doanh nghiệp có lợi nhuận với giá trị vốn hóa thị trường là 5,9 tỷ USD vào tháng 5 năm 2020.
Trong khi đó, Nhà sản xuất ô tô Mỹ Chrysler cũng là một tên tuổi lớn của Mỹ bị “chết chìm” trong cuộc Đại suy thoái năm 2008. Họ đã đệ đơn phá sản vào tháng 4 năm 2009, khoảng một tháng trước GM, khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó là Barack Obama buộc Chrysler phải tái cấu trúc doanh nghiệp.
Sau khi tái cơ cấu, nhà sản xuất xe hơi thiết lập mối hợp tác với hãng xe Fiat đến từ Italy. Hiệp hội Công đoàn ngành ô tô Mỹ (UAW) đã nắm quyền kiểm soát lương hưu của hãng, trong khi chính quyền Mỹ có nhiệm vụ bơm 12 tỷ USD cho Chrysler.
Trong lịch sử, số phận của Chrysler cũng khá lận đận. Năm 2007, Chrysler bị bán cho hãng chứng khoán tư nhân Cerberus Capital Management sau gần một thập kỷ nằm dưới quyền sở hữu của đại gia xe hơi người Đức Daimler-Benz. Năm 1979, Chrysler cũng suýt bị phá sản, nếu không nhờ vào 1,5 tỷ USD do chính phủ Mỹ cho vay.
Năm 2014, nhà sản xuất ô tô châu Âu Fiat đã mua Chrysler và mới đây, liên doanh Fiat Chrysler(FCA) đã hợp tác với nhà chế tạo ô tô của Pháp PSA để thành tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ 4 trên thế giới.
Không quá khi cho rằng, MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) là kẻ thống trị của điện ảnh thế kỷ 21với 23 phim trong 11 năm, bắt đầu từ Iron Man (2008) và mang về 22 tỷ USD doanh thu cho Marvel. Kèm với đó là hàng loạt trò chơi điện tử, truyện tranh, series truyền hình đình đám.
Nhưng ít người biết, từ đầu nhưng năm 90 của thế kỷ trước, Marvel đã rơi vào cảnh cạn tiền khi ngành công nghiệp truyện tranh xuống dốc. Khi đó, hãng chủ yếu làm các series hoạt hình và kiếm tiền bằng cách cho thuê bản quyền nhân vật hay bán đồ chơi. Thậm chí năm 1996, Marvel còn nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Ngày đó, Marvel đành bán bản quyền làm phim các nhân vật để cứu vãn tình hình. Lần lượt Spider-Man, X-Men, Blade, Fantastic Four “đội nón ra đi” nhưng cũng chỉ khiến hãng cầm cự được thời gian ngắn.
Sau đó, ông cố vấn David Maisel đưa ra một ý tưởng, Marvel sẽ tự đầu tư và sản xuất phim của riêng mình, giữ 100% lợi nhuận? Marvel đã vay 525 triệu USD từ ngân hàng Merrill Lynch để thực hiện tối đa 10 bộ phim. Những bộ phim bom tấn như Spiderman , The Avengers và Guardians of the Galaxy đã mang lại thành công vang dội cho Marvel. Ngày nay, tài sản của công ty trị giá hàng tỷ đô la với hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới và hiện là công ty con của Disney.