Ẩn số Phúc Long

NHA TRANG 24/05/2021 11:26

Phúc Long là một trong những thương hiệu đồ uống Việt Nam hiếm hoi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trong ngành F&B đến từ nước ngoài.

Công ty TNHH The Sherpa – một công ty thành viên của Tập đoàn Masan (Masan Group) vừa công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% CTCP Phúc Long Heritage. Công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam. Giá trị thương vụ là 15 triệu USD, định giá toàn chuỗi khoảng 75 triệu USD, 1.729 tỷ đồng.

Trước đó, vào hồi đầu năm 2020, Phúc Long đã bất ngờ bắt tay với Masan Group để khai trương một kiosk bán trà sữa ngay bên trong một siêu thị VinMart tại TP HCM. Đây là lần đầu tiên Phúc Long kết hợp với một thương hiệu bên ngoài để mở điểm bán mới.

Masan cho biết, với việc mua lại cổ phần của Phúc Long, hai bên sẽ cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Mô hình với mục tiêu đưa thức uống trà và cà phê thương hiệu Phúc Long đến 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời chuyển đổi các cửa hàng VinMart+ thành điểm đến cho mọi lứa tuổi và mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Trước Phúc Long, một chuỗi đồ uống Việt khác là Cà phê Ông Bầu cũng có động thái tương tự khi "cộng sinh" với chuỗi nhà hàng bia Ba Gác để tăng lượng khách.

Phúc Long là thương hiệu đồ uống từng có thời gian

Phúc Long là thương hiệu đồ uống từng có thời gian "gây bão" giới trẻ trong Nam, ngoài Bắc. Tận dụng làn sóng này, họ vươn lên mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Phúc Long và Masan Group trong thời điểm này lại có ý nghĩa hơn cả, khi thị trường F&B Việt đang có những đồn đoán về việc một ông lớn trong ngành bán lẻ đang có ý định thâu tóm chuỗi đồ uống này.

Phúc Long là thương hiệu đồ uống từng có thời gian "gây bão" giới trẻ trong Nam, ngoài Bắc. Tận dụng làn sóng này, họ vươn lên mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây.

Phúc Long được khai sinh từ năm 1968 tại vùng cao nguyên chè Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ba cửa hàng đầu tiên mở ra từ năm 1980 tại TP HCM bày bán các sản phẩm trà và cà phê Việt. Năm 2007, Phúc Long sở hữu đồi chè tại tỉnh Thái Nguyên, họ cũng đầu tư một nhà máy chế biến trà và cà phê tại Bình Dương được chứng nhận theo chuẩn HACCP.

Năm 2012, Phúc Long chính thức mở cửa hàng đồ uống đầu tiên, gia nhập ngành F&B. Kể từ năm 2018, sau khi phát triển mạnh mẽ tại TP HCM, chuỗi đồ uống Phúc Long mở rộng ra nhiều tỉnh thành, trong đó có màn Bắc tiến ra Hà Nội. Họ đồng thời xây dựng nhà máy chế biến thứ hai tại Bình Dương.

Trong năm 2019, Phúc Long ồ ạt khai trương gần 20 cửa hàng, để nâng tổng số cửa hàng có mặt trên toàn quốc lên con số 70. Trong năm 2020, dù Covid-19, song chuỗi F&B lâu đời này cũng đã cố mở rộng thị trường, khi khai trương thêm gần 10 quán mới nữa. Trong năm 2021, họ lần đầu ra mắt concept mới kiểu kiosk và đã làm được 2 cái. Tổng cộng theo ước tính hiện Phúc Long đang có khoảng trên dưới 80 cửa hàng và 2 kioks. Công ty cũng đã đưa sản phẩm của mình đến hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay kênh thương mại điện tử, cũng như xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Cùng với sự hiện diện của mình, kết quả kinh doanh của Phúc Long tăng trưởng "phi mã", chiếm vị trí số một về doanh thu so với các chuỗi trà sữa, kể từ năm 2017.

Năm 2019, doanh thu của Phúc Long đạt 779 tỷ đồng, tăng 65%. Các năm trước đó, mức tăng trưởng cũng lần lượt ghi nhận 39% và 25%.

Doanh thu của Phúc Long thậm chí ngang ngửa với các chuỗi cà phê top đầu như Starbucks (783 tỷ đồng), The Coffee House (863 tỷ đồng), gần gấp đôi Trung Nguyên (409 tỷ đồng).

Biên lợi nhuận gộp của Phúc Long khoảng 35%, là mức trung bình trong ngành đồ uống. Tại Highlands Coffee, The Coffee House hay Trung Nguyên, tỷ lệ này thậm chí đạt từ 65% - 70%.

Giống như các doanh nghiệp chuỗi đồ uống khác, mặc dù doanh thu tương đối cao nhưng lợi nhuận ròng thu của của Phúc Long không quá ấn tượng. Đáng chú ý nhất trong năm 2019 khi tình hình kinh doanh đột biến, họ chỉ lãi 20 tỷ đồng, các năm trước lãi tượng trưng một vài tỷ đồng. Một phần nguyên nhân đến từ đặc thù của ngành F&B đòi hỏi chi phí vận hành lớn, bao gồm chi phí thuê mặt bằng đẹp, trả lương nhân công, truyền thông và kiểm soát chất lượng…

Chủ sở hữu của Phúc Long là ông Lâm Bội Minh (sinh năm 1946), một doanh nhân người Hoa. Tại thời điểm điểm đầu năm 2017, vốn điều lệ của Phúc Long ở mức 50 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Bội Minh sở hữu 53,33%; cổ đông nắm phần còn lại là ông Lâm Chấn Huy.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân ông chủ Phúc Long – Lâm Bội Minh có ý định tìm thêm ‘bạn đồng hành’ được cho là do chuỗi đã quá lớn và một mình ông quán xuyến quá vất vả.

Phúc Long đang là chuỗi trà – cà phê lớn thứ 3 thị trường, sau Highlands Coffee và The Coffee House. Chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam Highlands Cofee của Công ty CP Việt Thái International vốn được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Jollibee đến từ Philippines – công ty mẹ của chuỗi thức ăn nhanh Jollibee. Chuỗi The Coffee House được chèo chống bởi Seedcom – cả về nguồn lực, công nghệ và tài chính. Trong tương quan đó, Phúc Long vẫn đang tự làm một mình và chưa có nhà đầu tư hoặc đối tác lớn. Việc tìm kiếm bạn đồng hành của ông chủ Phúc Long là một quyết định hợp lí và thức thời.

Về phía Masan, trong chặng đường phát triển của mình, có thể nhận thấy khẩu vị ưa thích của Masan Group là các thương vụ M&A liên quan những nhãn hàng Việt. Từ hệ thống bán lẻ VinCommerce của Vingroup tới hãng sản xuất bột giặt NET, VinaCafé Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo,...

Với chiến lược M&A để phát triển hệ sinh thái hàng tiêu dùng kết hợp chuỗi bán lẻ, giả thiết nếu M&A với chuỗi đồ uống đang trên đà tăng trưởng doanh thu khủng như Phúc Long, hứa hẹn sẽ giúp Masan gia tăng sức mạnh. 

Điều này hoàn toàn có thể cải thiện được khi tích hợp giá trị giữa một bên là nhãn hàng và một bên là nhà phân phối như những gì Masan đang làm với The CrownX - công ty con của Masan nắm giữ lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings.

Năm ngoái, công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings lần đầu tiên ghi nhận doanh thu đạt mức 1 tỷ USD, doanh thu thuần và EBITDA tăng trưởng lần lượt 27,2% và 22,4% so với năm 2019.

Cùng với chiến lược đóng hàng trăm siêu thị hoạt động không hiệu quả của Masan, hệ thống VinCommerce lần đầu tiên đã có lãi gộp và đạt biên EBITA dương 0,2% trong quý cuối cùng của năm.

Sau những thương vụ M&A đình đám, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Masan.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang mới đây cho biết: "Đây chỉ mới là điểm khởi đầu trên con đường xây dựng hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại, giúp đẩy mạnh tăng trưởng và mang đến các giá trị vượt trội.

Năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VinCommerce từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline".

Có thể bạn quan tâm

  • Masan liên tiếp công bố các thương vụ: Chi 15 triệu USD mua cổ phần Phúc Long

    Masan liên tiếp công bố các thương vụ: Chi 15 triệu USD mua cổ phần Phúc Long

    13:29, 24/05/2021

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Masan - Lazada cộng hưởng sức mạnh

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Masan - Lazada cộng hưởng sức mạnh

    03:31, 23/05/2021

  • Những thương vụ tỷ USD của Masan

    Những thương vụ tỷ USD của Masan

    16:21, 19/05/2021

NHA TRANG