Thế khó cho Grab triển khai xe điện ở Việt Nam

NGUYỄN CHUẨN 29/06/2021 13:31

Mới đây, Grab và Hyundai đã mở rộng quan hệ đối tác chiến lược để đẩy nhanh việc áp dụng xe điện (EV) cho đội xe dịch vụ của Grab ở Đông Nam Á, nhưng có lẽ họ sẽ gặp khó khi triển khai ở Việt Nam.

Cả Grab và Hyundai đều cho biết, đây là các chương trình và sáng kiến thí điểm mới nhằm giảm bớt rào cản gia nhập điện khí hóa đối với tài xế và các đối tác giao hàng của Grab tại khu vực. Những hoạt động này sẽ bắt đầu tại Singapore trong năm nay trước khi mở rộng sang Indonesia và Việt Nam.

Grab và Hyundai đã mở rộng quan hệ đối tác chiến lược để đẩy nhanh việc áp dụng xe điện tại Đông Nam Á.

Grab và Hyundai đẩy nhanh việc áp dụng xe điện tại Đông Nam Á.

Hai bên cũng thông báo rằng họ sẽ tiến hành một nghiên cứu khả thi về EV để hiểu sâu hơn về những lỗ hổng và rào cản đối với việc phát triển hệ sinh thái EV. Ngoài ra, các công ty cho biết họ sẽ khám phá sự hợp tác trong các cơ hội kinh doanh và công nghệ mới như các giải pháp thành phố thông minh.

Không phải mãi bây giờ sự hợp tác giữa Hyundai và Grab mới bắt đầu. Kể từ đầu năm 2018, cả hai đã công bố quan hệ đối tác chiến lược nhằm khám phá các cơ hội di chuyển mới trong tương lai ở Đông Nam Á. Cuối năm đó, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đầu tư thêm 250 triệu USD để tạo ra một mạng lưới các chương trình EV thí điểm trên toàn khu vực.

Sau đó là một dự án thử nghiệm xe điện đầu tiên bắt đầu tại Singapore vào năm 2019 với việc triển khai 200 đơn vị xe Kona Electric vào đội xe GrabRentals. Các gói ưu đãi và gói bảo dưỡng tùy chỉnh cũng được triển khai để hỗ trợ các đối tác tài xế Grab thuê xe điện của Hyundai.

Tiếp đó là tại Indonesia vào năm 2020, khi Grab giới thiệu dịch vụ thử nghiệm GrabCar Elektrik tại sân bay Soekarno-Hatta của Jakarta, với đội xe ban đầu gồm 50 chiếc xe Ioniq Electric của Hyundai.

Tuy nhiên, Hyundai cho biết kết quả khảo sát từ lần thí điểm EV ban đầu ở Singapore cho thấy, chi phí cao, thiếu địa điểm thu phí và thời gian chờ tính phí lâu là những rào cản chính cản trở đối tác tài xế Grab áp dụng xe điện.

Hiện tại cả hai công ty đang tìm cách giải quyết một số rào cản này thông qua các mô hình kinh doanh xe điện mới như cho thuê xe điện với mô hình pin như một dịch vụ, hoặc mô hình xe như một dịch vụ cũng như tài trợ cho xe điện. Những điều này nhằm mục đích giảm tổng chi phí sở hữu và giảm lo ngại về phạm vi.

Trong khi Phó chủ tịch Bộ phận Đổi mới của Tập đoàn Ô tô Hyundai, Kim Min-sung cho rằng: “Sự kết hợp giữa việc Grab có mạng lưới tài xế lớn nhất trong khu vực và các giải pháp di chuyển toàn diện của Hyundai, chúng tôi tự tin rằng cùng nhau có thể giúp tăng cường áp dụng xe điện. Đồng thời, chúng tôi mong đợi sự hợp tác bổ sung với Grab sẽ trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường di động trong tương lai ở Đông Nam Á”.

Và Russell Cohen, Giám đốc Điều hành Hoạt động của Grab cũng cho biết: “Khi các chính sách và khuyến khích đối với xe điện của các chính phủ được thực hiện và cơ sở hạ tầng thiết yếu như trạm thu phí tiếp tục được xây dựng, mối quan hệ hợp tác này sẽ cung cấp thông tin chi tiết và thực tiễn tốt nhất về việc sử dụng xe điện như một phần của hoạt động hàng ngày của tài xế và đối tác giao hàng”.

Có thể nói, mặc dù trong những năm gần đây, các chính phủ trên khắp Đông Nam Á đã công bố các chính sách nhằm tăng cường áp dụng xe điện như một phần trong mục tiêu giảm khí thải của họ, nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

Trong khi tại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân.

Trong khi tại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân.

Riêng tại Việt Nam, nếu Grab muốn triển khai hệ sinh thái xe điện cho các đối tác của mình có lẽ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, nếu so với các nước trong khu vực, số lượng xe điện tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ với khoảng 1.000 xe cho đến năm 2020, phần lớn là xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) (lên đến 99%), trong khi xe điện chạy pin (BEV) chiếm một phần rất nhỏ.

Mặc dù hiện đã có một số doanh nghiệp ôtô bắt đầu sản xuất kinh doanh xe điện như VinFast, Toyota, Mitsubishi. Trong đó, VinFast đã thông báo kế hoạch bán xe BEV trong năm 2021 và đang xây dựng mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc, Toyota Việt Nam cũng đã bán một số xe HEV…

Song, VAMA cho rằng đến nay Việt Nam vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang xe điện, mặc dù đây là xu hướng vận tải cần xem xét phát triển trong tương lai.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng việc thiếu cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, điểm đỗ xe tĩnh, trạm sạc cho ô tô điện đang là vấn đề lớn của Việt Nam khi gia nhập vào hệ sinh thái xe điện.

Đồng thời với mức GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2020 là 2.750 USD/người. Đây là mức thấp để người tiêu dùng có thể sở hữu phương tiện cá nhân bốn bánh thông thường, chưa nói đến việc sở hữu xe điện với giá bán cao hơn nữa. Chính vì vậy, việc triển khai, sử dụng rộng rãi xe điện tại Việt Nam được đánh giá là khó khả thi. Và điều đó có thể cũng sẽ có tác động lớn đến việc triển khai xe điện tại Việt Nam của Grab trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Grab hoãn đợt sáp nhập SPAC đến cuối năm

    Grab hoãn đợt sáp nhập SPAC đến cuối năm

    17:05, 14/06/2021

  • IPO của Grab và GoTo mở đường cho các startup Đông Nam Á

    IPO của Grab và GoTo mở đường cho các startup Đông Nam Á

    04:23, 14/06/2021

  • Grab công bố dự án GrabConnect nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số

    Grab công bố dự án GrabConnect nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số

    11:57, 08/06/2021

  • Startup Grab đặt mục tiêu định giá 40 tỷ USD trong đợt  IPO

    Startup Grab đặt mục tiêu định giá 40 tỷ USD trong đợt  IPO

    04:23, 21/04/2021

NGUYỄN CHUẨN