CEO VJM Holdings: Thị trường Đức là cơ hội lớn cho lao động trẻ Việt Nam
Nước Đức nói riêng và các nước thuộc khối EU nói chung là thị trường lao động xuất khẩu hấp dẫn, nhưng có đòi hỏi khắt khe và tỷ lệ cạnh tranh cao.
Mới đây, doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên và VJM Holdings đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tư về việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam cho thị trường Đức và tiến tới là các nước khác thuộc khối EU. Bên cạnh tên tuổi của Shark Liên vốn quen thuộc với công chúng, VJM cũng là một đơn vị có bề dày trong mảng du học và cung ứng nhân lực cho các thị trường quốc tế. Theo đại diện VJM, Đức là đất nước hiện đại, nhịp sống nhanh, công nghệ phát triển và có những yêu cầu rất khắt khe với lực lượng lao động. Chính vì thế, đây luôn là mảnh đất đầy tiềm năng và thách thức với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du học và xuất khẩu lao động Việt Nam.
- Shark Liên là tên tuổi quen thuộc với công chúng và giới kinh doanh, nên có thể nói sự lựa chọn đầu tư của bà đã là một sự xác nhận về uy tín của đối tác. Tuy nhiên, ông có thể giới thiệu thêm về kinh nghiệm và năng lực của VJM trong lĩnh vực này?
Có thể nói, nguồn lực của VJM Holding là sự tổng hợp từ 3 doanh nghiệp chuyên các mảng: xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang châu Âu, xuất khẩu LĐ, tu nghiệp sinh cho thị trường Nhật Bản và Du học. Nhờ đó, chúng tôi có khoảng 20 năm kinh nghiệm về các lĩnh vực và thị trường này. Trong thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống văn phòng ở 65 tỉnh thành, đưa được khoảng vài chục ngàn người lao động ra nước ngoài.
- Số lao động mà VJM xuất khẩu tại các thị trường chủ yếu là nguồn nhân lực đã qua đào tạo hay là nhân lực phổ thông, thưa ông?
Để tham gia vào các chương trình của chúng tôi, điều kiện tối thiểu là các bạn phải tốt nghiệp phổ thông trung học. Sau đó qua đào tạo ít nhất là 6 tháng về ngôn ngữ cũng như tay nghề tùy theo yêu cầu từ phía khách hàng. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực được đảm bảo hơn, giảm thiểu các vấn đề phát sinh.
Các thị trường đều có đánh giá tốt về nguồn nhân lực của chúng tôi. Ví dụ Hội chứng chấn hưng Nhật Bản có những đánh giá rất tốt đẹp về VJM. Với nguồn nhân lực được chọn lọc kỹ, các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng xếp chúng tôi vào danh sách các đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cao.
- VJM chuẩn bị như thế nào cho đợt “ra quân” tiến vào thị trường châu Âu sắp tới, mà cụ thể là thị trường Đức?
Thị trường châu Âu cũng là thị trường mà VJM đã triển khai, tuy nhiên, để đưa nhân lực vào thị trường Đức thì cần chuẩn bị kỹ càng hơn. Trước lễ ký kết này, chúng tôi đã có nhiều hoạt động để khảo sát thị trường này, cũng như truyền thông nội bộ về nội dung hợp tác đầu tư. Tất cả đã sẵn sàng để triển khai việc tuyển dụng và đào tạo theo đúng yêu cầu từ các doanh nghiệp Đức có nhu cầu về lao động Việt Nam.
Điểm khác biệt ở thị trường Đức so với các thị trường khác đó là rào cản ngôn ngữ. Mỗi lao động cần có thời gian đào tạo dài hơi về ngôn ngữ để có thể được chấp thuận visa, đó là chưa kể tới việc đào tạo nghề. Vì vậy, điểm khó nhất trong toàn bộ quá trình đưa lao động sang thị trường Đức là chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, vượt qua được rào cản này thì sẽ cho những kết quả rất tích cực. Người lao động đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp Đức sẽ có rất nhiều cơ hội ngay cả khi đã kết thúc thời hạn lao động. Đó là kiến thức vượt trội, tay nghề cao, kỷ luật tốt đã “chứng nhận” về trải qua rèn luyện trong môi trường công nghiệp hiện đại nhất thế giới. Có thể nói, họ đi đến đâu cũng được rộng cửa chào đón.
- Như vậy, trong Chương trình này, vai trò của nhà đầu tư Đỗ Thị Kim Liên sẽ mang ý nghĩa như thế nào?
Shark Liên là nhà đầu tư có các mối quan hệ quốc tế và hiểu biết sâu rộng thị trường châu Âu, đặc biệt CHLB Đức. Đồng thời, bà cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối, giao thương các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và thị trường EU.
Với thế mạnh đó, trong thỏa thuận hợp tác này, Shark Liên sẽ là nhà đầu tư và đầu mối quan trọng. Shark Liên và các cộng sự sẽ cung cấp, liên tục cập nhật thông tin, tư vấn về nhu cầu nhân lực của thị trường lao động Đức và các nước khác thuộc khối EU; Đồng thời, tư vấn hướng nghiệp và tham gia tuyển sinh theo các dự án, lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, thông qua Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM), Shark Liên còn đầu tư để cung cấp nền tảng Đào tạo Ngoại ngữ và Quản lý hoạt động giới thiệu, tuyển sinh, quản lý học viên trực tuyến và bằng công cụ số hoá. Qua đó, đảm bảo việc tương tác và quản lý học sinh, sinh viên, người lao động… một cách phù hợp, hiệu quả.
Việc hợp tác với Shark Liên sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu mở rộng hơn nữa sang thị trường EU, đặc biệt là thị trường Đức - thị trường có chất lượng học tập và làm việc số 1 tại châu Âu mà VJM chưa chinh phục được. Bà Đỗ Liên rất quan tâm đến việc thúc đẩy, hỗ trợ thế hệ trẻ học tập, lập nghiệp. Bà đã cam kết sẽ trao tặng nhiều học bổng hấp dẫn cho các học sinh, người lao động hoàn thành tốt chương trình đào tạo này của VJM. |
Có thể bạn quan tâm
Bài III: Thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao?
10:01, 01/05/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: "Hộ chiếu vắc xin" có thể xóa nhòa "sự ảm đạm" của thị trường lao động?
05:00, 01/05/2021
Cần phát triển thị trường lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
15:18, 26/04/2021
KINH TẾ CUỐI TUẦN: Thị trường lao động và nỗi "ám ảnh" bóng ma Covid-19
04:30, 18/04/2021