"Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ III): Bài học từ các quốc gia

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV 04/08/2021 11:00

Chính phủ các nước đều dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình hoạt động và triển vọng của ngành hàng không cũng như của các hãng hàng không lớn của quốc gia.

Trong nửa đầu năm 2020, hãng hàng không quốc gia Thái Lan, Thai Airways, thua lỗ khoảng 560 triệu USD; với tổng giá trị nợ lên tới 200 tỷ Baht (khoảng 6,2 tỷ USD), trong số đó có tới 49% là của chủ nợ nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ, Anh và Đức. Ngày 26/5/2020 hãng đã đệ đơn phá sản lên tòa án nhằm tìm kiếm sự bảo trợ để có thể tiếp tục kinh doanh và tiến hành tái cơ cấu nợ.

Với tình trạng tài chính các hãng hàng không hiện nay, phá sản là viễn cảnh khó tránh nếu Quốc hội, Chính phủ không tìm cách giải cứu.

Với tình trạng tài chính các hãng hàng không hiện nay, phá sản là viễn cảnh khó tránh nếu Quốc hội, Chính phủ không tìm cách giải cứu.

Ngày 15/06/2021, Tòa án Thái Lan đã đồng ý phương án tái cơ cấu nợ cho Thai Airways. Theo đó, các khoản nợ được gia hạn, đồng thời miễn lãi chưa thanh toán đối với khoản vay. Dự kiến, số nợ phải tái cơ cấu lên đến 12,9 tỷ USD (~4.000 tỷ Baht). Tuy nhiên, một số chủ nợ sẽ có quyền chuyển đổi khoản nợ của họ thành cổ phần của công ty.

Không chỉ Thai Airways, một loạt các hàng hàng không khác thuộc Hiệp hội Hàng không của Thái Lan (TAA) đã đề xuất chính phủ Thái Lan hỗ trợ 5 tỷ Baht với gói vay lãi suất thấp. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ Thái Lan vẫn chưa có hành động nào cụ thể đối với đề xuất này.

Riêng với Đức, Chính phủ nước này bơm tiền dưới hình thức góp cổ phần. Theo đó, khi nhận gói 9 tỷ EUR của chính phủ Đức năm 2020, hãng hàng không quốc gia Lufthansan phải chấp nhận thỏa thuận để chính phủ Đức nắm giữ 20% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất. Lufthansan Group cũng sẽ phải nhường lại một số suất khai thác tại các sân bay trọng điểm của hãng tại Munich và Frankfurt.

Còn tại Pháp và Hà Lan, với Air France và KLM, để nhận được gói cứu trợ trị giá 10,4 tỷ EUR từ chính phủ Pháp và chính phủ Hà Lan, dưới hình thức gói vay trực tiếp và bảo lãnh vay, KLM phải giảm số lượng chuyến bay đêm từ trung tâm chính của đất nước tại Schiphol và lượng khí thải CO2 của xuống 50% vào năm 2030.

Air France sẽ phải cắt các chuyến bay ngắn để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt, cũng như đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải CO2 còn 50% vào năm 2024. Như vậy, khi đưa ra gói cứu trợ này, Chính phủ Pháp sẽ có thể phần nào đó cân bằng lợi ích giữa ngành hàng không và ngành đường sắt, cũng như buộc hãng hàng không quốc gia phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm với môi trường.

Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

Ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

Tại Mỹ, Chính phủ đưa ra gói cứu trợ 50 tỷ USD để hỗ trợ cả những hãng tư nhân, gồm United Airlines, Delta Airlines, Alaska Airlines, Jet Blue Airways và Southwest Airlines. Trong đó, 25 tỷ USD để trả lương nhân viên (không hoàn lại) nhằm đảm bảo việc làm cho nhân viên hàng không tới tháng 9/2020 và 25 tỷ USD dưới dạng cho vay với quyền chuyển đổi thành cổ phần công ty với các mức giá theo thỏa thuận từ trước. Khoản hỗ trợ này phân bổ không đồng đều giữa các hãng. Cuối tháng 3/2021, Chính phủ Mỹ hỗ trợ 12 tỷ USD cho hãng hàng không American Airlines nhằm khắc phục khó khăn bởi Covid-19.

Một số trường hợp khác như Bồ Đào Nha, Chính phủ đầu tư 1,2 tỷ EUR vào TAP Airlines (hãng hàng không quốc gia) để tăng vốn chủ sở hữu nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 72,5%.

Singapore, tháng 3/2021, Chính phủ đã đưa ra gói cứu trợ 19 tỷ SGD từ ngân sách quốc gia để hỗ trợ Singapore Airlines. Với Hàn Quốc, Chính phủ đã hỗ trợ tổng cộng 40 nghìn tỷ Won (~36 tỷ USD) để giải cứu 7 ngành chủ chốt (bao gồm hàng không). Cuối tháng 4/2021, các ngân hàng do Chính phủ Hàn Quốc sở hữu 100% (gồm Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc) đã cung cấp khoản vay ưu đãi gần 2,35 tỷ USD cho 2 hãng hàng không là Korean Air và Asiana Airlines.

Chính phủ các nước đều dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình hoạt động và triển vọng của ngành hàng không cũng như của các hãng hàng không lớn của quốc gia.

Trong đó, điểm nổi bật nhất là Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp, vào thị trường hàng không mà chỉ cung cấp những gói hỗ trợ ngắn hạn như ngoài việc cho phép giãn, hoãn thuế, giảm phí, kích cầu… để doanh nghiệp khắc phục những khó khăn bất khả kháng do Covid-19 dưới dạng khoản vay ưu đãi với nguồn vốn từ ngân sách hoặc góp vốn cổ phần với tư cách là nhà đầu tư, cổ đông góp vốn mà sau một thời gian sẽ thoái vốn.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện một số điều kiện nhất định như: (i) cơ cấu lại, tiết giảm chi phí; (ii) tiết kiệm nguyên nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu ít ô nhiễm môi trường, giảm phát thải; (iii) giữ việc làm, lương cho nhân viên.

Có thể bạn quan tâm

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ II): Cấp bách tái cấp vốn

    12:04, 03/08/2021

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ I): Khủng hoảng lan toả

    15:29, 02/08/2021

  • Kịch bản phục hồi cho thị trường hàng không

    04:00, 13/07/2021

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV