Cạnh tranh nguồn nhân lực tại các nhà cung cấp của Apple ở Trung Quốc
Các nhà máy cung cấp thiết bị của Apple tại Trung Quốc đang phải tăng tiền thưởng cho người lao động mới, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực, khi sản lượng hàng hoá tăng cao.
Khan hiếm nguồn nhân lực
Theo thông tin mới đây, nhà máy của Tập đoàn Công nghệ Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, nơi sản xuất ước tính 80% iPhone trên thế giới, đã tăng tiền thưởng cho những người mới thuê lên mức cao kỷ lục khác là 10.200 nhân dân tệ (1.578 USD) nếu họ ở lại ít nhất 90 ngày sau khi đăng ký vào Nhóm Kinh doanh Sản phẩm Kỹ thuật số tích hợp (iDPBG).
Đề nghị được đưa ra chỉ hai tuần sau khi nó tăng số tiền thưởng lên 10.000 nhân dân tệ vào ngày 23/7.Trong tổng số tiền thưởng, nhân viên iDPBG sẽ nhận được 9.500 nhân dân tệ trong khi 700 nhân dân tệ sẽ được trao cho người đã giới thiệu họ, theo bài đăng tuyển dụng mới nhất của công ty mới đây.
Foxconn không phải là nhà cung cấp duy nhất của Apple ở Trung Quốc đang tranh giành công nhân mới. Mà Lens Technology, công ty cung cấp màn hình cảm ứng cho Apple và Luxshare Precision, cũng đã tung ra các ưu đãi tuyển dụng tương tự.
Cụ thể, công ty này đang tuyển dụng 5.000 công nhân cho các dây chuyền sản xuất của mình và thêm 2.000 nhân viên kiểm tra chất lượng, đã tăng gấp đôi tiền thưởng cho các nhân viên mới từ 5.000 nhân dân tệ vào tháng 2 lên 10.000 nhân dân tệ vào tháng 5. Người lao động làm việc hơn 20 ngày mỗi tháng, trong 7 tháng sẽ đủ điều kiện nhận tiền thưởng.
Bên cạnh đó, nhà máy Dongguan của Luxshare Precision ở tỉnh Quảng Đông đã tăng gấp đôi tiền thưởng giới thiệu nội bộ từ 2.500 nhân dân tệ vào tháng 4 lên 5.000 nhân dân tệ vào cuối tháng 5. Công ty cũng đã công bố khoản tiền thưởng lên tới 3.800 nhân dân tệ cho những công nhân trở lại đã rời công ty trước đó, theo quảng cáo tuyển dụng được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của công ty.
Có thể thấy, việc thúc đẩy tuyển dụng đang gia tăng, nhằm đối phó với tình trạng tăng cường sản xuất các mẫu iPhone mới.
Ông Dan Ives, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Wedbush Securities cho biết, Apple đang đặt mục tiêu xuất xưởng từ 130 -150 triệu chiếc iPhone mới vào nửa cuối năm 2021. Riêng chuỗi cung ứng của Apple tại châu Á sẽ cho phép sản xuất từ 90 đến 100 triệu chiếc để đáp ứng các đơn đặt hàng ban đầu cho iPhone 13.
“Trong ba năm qua, Apple đã thêm nhiều nhà cung cấp mới từ Trung Quốc đại lục vào danh sách nhà cung cấp của mình hơn bất kỳ quốc gia nào khác, bất chấp cuộc đàm phán về sự tách biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm, đặc biệt là các công việc trong nhà máy nhanh chóng mất đi sự hấp dẫn đối với thế hệ trẻ của nước này”, ông nói.
Theo điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc, dân số lao động, những người trong độ tuổi từ 15 - 59 đã giảm xuống 63,4% vào năm 2020, so với hơn 70% của một thập kỷ trước, dẫn đến việc tăng lương ổn định.
Thống kê của chính quyền địa phương cũng chỉ ra, ở Trịnh Châu, thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn, nguồn lao động lớn nhất của nhà máy Foxconn là 9.225 nhân dân tệ vào năm 2010, năm nhà máy Foxconn bắt đầu hoạt động. Kể từ đó, nó đã tăng gần gấp ba lần lên 24.783 nhân dân tệ. Trong cùng thời kỳ, mức lương tối thiểu ở thành phố đã tăng từ 800 nhân dân tệ một tháng ở 10 năm trước, lên 1.900 nhân dân tệ một tháng vào năm ngoái.
Appe chưa thể rời Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng, động thái tuyển dụng quy mô lớn, thu hút nhân công bằng chính sách lương ưu đãi này của Foxconn ở Trung Quốc là để chuẩn bị nhân lực tốt nhất phục vụ cho việc sản xuất iPhone số lượng lớn của Apple.
Theo IT Times tiết lộ, ngoài Foxconn Trịnh Châu tuyển dụng ồ ạt, thì tại Pegatron Thượng Hải, đơn vị OEM lớn của Apple cũng tuyển dụng công nhân quy mô lớn lên tới hàng ngàn nhân sự mỗi ngay, tăng lượng công nhân làm kíp đêm, với mức lương trung bình lên đến trên 10.000 nhân dân tệ một tháng.
Trước đó, xuất hiện nhiều thông tin Apple rục rịch chuyển nhiều nhà máy và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ, nhằm tránh sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở thị trường tỷ dân và né các hệ lụy không mong muốn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, dù các đối tác của Apple đã tốn hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở và kế hoạch mở rộng sản xuất ở những nơi khác ngoài Trung Quốc, đến nay, Apple vẫn phải quay về Trung Quốc làm iPhone.
Nguyên nhân được cho là do dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh trở lại ở khu vực Đông Nam Á, nhiều nhà máy tại Ấn Độ, Việt Nam đã phải dừng hoạt động khiến tiến độ sản xuất, ra mắt iPhone của Apple bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ có sản xuất bị ngưng trệ, thách thức lớn khác đáng chú ý là các nhà máy sản xuất iPhone khác của Apple ngoài Trung Quốc cũng đòi hỏi chi phí vận chuyển vật liệu điện tử tăng cao. Chi phí hậu cần từ nhà máy nguyên liệu ở Trung Quốc sang Ấn Độ cùng với việc các nhà máy bị giảm sản lượng nghiêm trọng do dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến Apple tiếp tục quay lại Trung Quốc.
Cùng với đó, khả năng liên kết chuỗi giá trị mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khiến Apple và đối tác “chần chừ” rời đi. Theo các chuyên gia, những thị trường mới như Việt Nam hay Ấn Độ, dù có lợi thế lao động rẻ, ổn định nhưng còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng được chuỗi cung ứng của Apple, điển hình như thực tế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, chuỗi cung ứng toàn ngành chưa mạnh, chưa phong phú, chất lượng nhân công chưa cao…
Có thể bạn quan tâm