Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Giải pháp "cứu nguy" được chia hai cấp độ
Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp được chia theo 02 cấp độ.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Nhiều rủi ro bủa vây doanh nghiệp
Thủ tướng chia sẻ: “Chính phủ cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm ‘lửa thử vàng - gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
"Trong thời gian qua, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021. Nhưng tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong thời gian tới, một số nguy cơ, thách thức mà các doanh nghiệp có thể phải đối mặt, cụ thể nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới: Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực cùng với việc tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản… đều rơi vào tình trạng sụt giảm, trong đó có nhiều đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam.
Cùng với đó, làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn: Do ảnh hưởng của dịch covid 19 nặng nề và thời gian giãn cách kéo dài (nhất là đợt dịch bùng phát vào tháng 7/2021), nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì, buộc phải dừng sản xuất và đóng cửa, người lao động mất việc và dẫn đến xuất hiện làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…).
Điều này có nguy cơ cao là ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch Covid-19 giảm thì doanh nghiệp khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, nguyên liệu đầu vào…
Nguy cơ suy giảm dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến thay đổi dòng thương mại toàn cầu, làm suy giảm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn có xu hướng chuyển dịch về chính quốc và xây dựng lại hệ thống doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu để chủ động hơn, giảm thiểu rủi ro.
8 nhóm giải pháp - 2 cấp độ
Trên cơ sở đánh giá tình hình doanh nghiệp và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, hiệp hội và doanh nghiệp cũng như quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp được chia theo 02 cấp độ: Cấp độ 1 Nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay; cấp độ 2 Nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Trước hết, nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay.
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp, lao động trong lĩnh vực hàng không, vận tải, giao nhận, du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, siêu thị…
Đồng thời hướng dẫn, ban hành danh sách các tỉnh, thành phố, lĩnh vực ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để chính quyền các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp tại các địa phương có thể tính toán chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh; nghiên cứu có cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm “selftest”.
Đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vắc xin và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, công khai thông tin đối với các đối tượng đã được tiêm phòng để tăng cường phòng bị, đảm bảo an toàn cho xã hội.
Thứ hai, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Theo đó, Bộ GTVT khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất “quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch Covid-19”; chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động trong lĩnh vực giao thông vận tải hành khách, hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt.
Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch Covid-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp, nghiên cứu khung quy định về nhà máy an toàn để có thể linh hoạt áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và doanh nghiệp.
Các địa phương tổ chức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng; vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong khu công nghiệp nhưng phải tuyệt đối an toàn.
Nghiên cứu đánh giá đầy đủ khả năng thực tế của doanh nghiệp, địa phương khi áp dụng mô hình “hai điểm, một con đường” và chỉ áp dụng khi đáp ứng đủ điều kiện; rà soát việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để khẩn trương có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các ca nhiễm tại nhà máy, kiểm soát dịch bệnh. Bổ sung các điều kiện áp dụng, xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” để có thể chủ động ứng phó khi thực tiễn phát sinh.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu sửa đổi điều kiện đối với doanh nghiệp được giãn đóng kinh phí công đoàn phù hợp với tình hình thực tế và nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án giảm phí công đoàn.
Bộ GTVT nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải; nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không của cả khu vực tư nhân và nhà nước; trong đó lưu ý các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.
Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nghiên cứu bổ sung đối tượng “cơ sở lưu trú du lịch” áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách tín dụng trong thời gian tới theo hướng quy định kéo dài thời gian cơ cấu lại khoản nợ, thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng; tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay hiện tại; xem xét giảm lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT phải nộp năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh40; báo cáo Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục áp dụng và sửa đổi, bổ sung chính sách giảm tiền thuê đất cho đối tượng liên quan41; xem xét, nghiên cứu cơ chế ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trung ương và địa phương.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Đề nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình ban hành và hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021; nghiên cứu sửa đổi quy định về yêu cầu quyết toán thuế năm 2020 quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 cho phù hợp với thực tế và quy định pháp luật về quản lý thuế; đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn Giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phù hợp với bối cảnh mới.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới áp dụng thống nhất từ các Bộ, ngành và địa phương đối với các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với đối tượng đã được tiêm chủng, các đối tượng là các Lãnh đạo Tập đoàn quốc tế lớn đến tìm hiểu, quyết định đầu tư các dự án quy mô lớn, giảm thời gian cách ly xuống mức thấp nhất; tạo luồng xanh cho chuyên gia nhập cảnh tại các cửa khẩu, sân bay.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Về nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ KH&ĐT đề xuất:
Thứ nhất, xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản quy trình, thủ tục hành chính. Trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trong tháng 8/2021 và giao Bộ Tài chính bố trí nguồn lực để đẩy mạnh triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn dịch bệnh.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: VLA đề xuất 6 giải pháp khôi phục chuỗi cung ứng
10:49, 08/08/2021
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Nhà đầu tư Mỹ cảnh báo nguy cơ chuyển dịch sản xuất
11:46, 08/08/2021
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: VASEP đề nghị xây dựng bộ quy tắc thực hiện “y tế tại chỗ”
10:20, 08/08/2021
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
05:36, 08/08/2021