HUBA: Đề xuất giải pháp ngăn nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng thiết yếu
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã đề xuất các giải pháp nhằm duy trì, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân.
Cụ thể, theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), hiện nay, tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tại TP. HCM đều lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đến từ các tỉnh, nhất là 19 tỉnh thành phía Nam. Đơn cử như nguồn heo hơi, bò, gà chính phục vụ cho tiêu dùng thịt tươi sống và sản xuất chế biến của TP. HCM đều đến từ các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang,…nguồn rau củ quả đến từ Lâm Đồng,…điều đó thấy rõ tính liên kết trong một chuỗi mắt xích từ nguồn nguyên liệu đến sản xuất.
Để đảm bảo duy trì và không đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành trong thời gian tới, nhất là khi tình hình COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị Thành phố tính toán và cần sớm xúc tiến việc trao đổi, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa chính quyền thành phố với chính quyền các tỉnh thành lân cận có vùng nguyên liệu lớn, thông qua các cuộc họp liên tỉnh để đi đến thống nhất đưa ra các cam kết chung, cùng triển khai hành động; trong đó TP. HCM sẽ đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng của vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, cần đi đến thống nhất thành lập Tổ công tác liên tỉnh với đường dây nóng để cùng nhau liên kết phối hợp tiếp nhận thông tin và hợp tác xử lý để điều tiết hoạt động vận chuyển, lưu thông thuận lợi.
Đồng thời, TP. HCM với vai trò là hạt nhân Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các tỉnh phải đặt hoạt động sản xuất nông nghiệp là thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và kéo dài để không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới, bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. Nếu tình trạng nông dân các tỉnh trồng ra phải bỏ vì không tiêu thụ được như thời gian qua, nguy cơ ngưng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng cả chất và sản lượng về sau.
Về công tác vận chuyển lưu thông từ vùng nguyên liệu về nhà máy và cung cấp ra thị trường, theo HUBA, với những ách tắc trong hoạt động lưu thông, vận tải trong thời gian qua càng khẳng định những tác động tiêu cực của vấn đề này đến các doanh nghiệp trong ngành là ảnh hưởng rất lớn. Chính phủ và các Bộ ngành tháo gỡ nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát không chỉ trong phạm vi TP. HCM mà hơn hết là giữa các tỉnh thành với TP. HCM vẫn còn gây khó dễ theo kiểu “phép vua thua lệ làng” và đòi hỏi các thủ tục nhiêu khê, khiến vấn đề này đến thời điểm này chưa được giải quyết triệt để, gây ách tắc cục bộ, khiến doanh nghiệp bức xúc; đặc biệt là nông sản, thực phẩm ở một số tỉnh hiện nay rất dồi dào, một số mặt hàng có hiện tượng cung vượt cầu nhưng khó để đưa về TP. HCM.
Do đó, việc quan trọng hiện nay là phải tập trung giải quyết triệt để vận chuyển thông suốt giữa các tỉnh, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong từng địa phương mà hơn hết là cả khu vực mà còn kết nối với chuỗi cung ứng ở các khu vực khác và phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, lực lượng vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn trong việc xét nghiệm COVID - 19 khi di chuyển qua các tỉnh đều yêu cầu giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 72 giờ, nhưng vận chuyển từ phía Nam ra các tỉnh phía Bắc mất khá nhiều thời gian, giấy xét nghiệm hết hiệu lực giữa đường thì không biết tìm địa điểm xét nghiệm ở đâu, những vấn đề này tưởng rất nhỏ nhưng tác động rất lớn đến hoạt động vận tải. Do đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải công bố thông tin các điểm thực hiện test nhanh COVID - 19 dọc đường để lái xe chủ động đảm bảo các quy định.
Về xử lý tình huống thiếu hụt các phụ liệu, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, với đặc thù là để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh ngoài các nguyên liệu chính thì các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối phải nhập từ nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau; và trong tình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp này có thể sẽ dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 là có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nếu không nhập được một loại nguyên liệu nào đó thì khả năng doanh nghiệp sản xuất phải ngừng hoạt động, hàng hóa tiêu dùng Lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu để phục vụ nhân dân thành phố.
Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, hiệp hội đề xuất đối với các loại nguyên liệu phụ như gia vị, hương liệu, phụ gia... cho phép doanh nghiệp có thể tìm loại khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm như trước đây và doanh nghiệp cam kết tuyệt đối là sự điều chỉnh này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Đơn cử như đối với nhóm mì ăn liền, các nguyên liệu phụ như hành lá khô, tiêu,… đều được đặt hàng gia công từ các nhà cung cấp về gia vị, chẳng may một trong các nhà cung cấp này dừng hoạt động thì sản lượng doanh nghiệp nhập về không đủ số lượng thì có thể chủ động gia giảm phù hợp.
Tuy nhiên, theo Luật An Toàn Thực Phẩm và các quy định liên quan thì với những điều chỉnh nói trên, doanh nghiệp cần phải làm lại thủ tục tự công bố sản phẩm và thay đổi bao bì hiện tại. Thông thường việc này mất khá nhiều thời gian và trong thời điểm này sẽ càng mất nhiều thời gian hơn nữa và nếu in lại bao bì thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn, bao bì cũ còn nhiều phải bỏ sẽ rất lãng phí và như vậy khả năng các doanh nghiệp sẽ phải tạm ngưng sản xuất là rất cao. Trong bối cảnh hiện nay, rất mong nhận được sự chia sẻ và rất cần các giải pháp xử lý linh động từ chính quyền, do đó HUBA đề nghị cho phép được thay thế các thủ tục nói trên bằng cách doanh nghiệp gửi báo cáo chi tiết bằng văn bản cho các cơ quan chức năng liên quan và thông tin minh bạch đến người tiêu dùng. Bởi, phương án điều chỉnh nguyên liệu phụ này chỉ là giải pháp tạm thời trong thời gian ngắn.
Đối với việc hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp ngành lương thực thực thẩm để thu mua và dự trự tồn kho tăng thêm đối với nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất, HUBA cho rằng, với vai trò một ngành trọng yếu và đặc thù, thời điểm này, việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước là rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết, nhằm ổ định giá, đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân theo chỉ đạo của Thành phố, góp phần cùng TP chống dịch. Các doanh nghiệp cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chính vì vậy Hiệp hội đề xuất Thành phố kiến nghị NHNN chi nhánh TP. HCM bổ sung các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay,... để doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhằm thu mua dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngân hàng cho phép điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, để các ngân hàng điều chỉnh nhằm giúp doanh nghiệp được tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85%, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.
Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đề xuất têm vaccine dứt điểm cho người lao động thuộc các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm để ổn định nguồn lao động sản xuất để không bị đứt gãy sản xuất.
Về lâu dài, Thành phố cần triển khai thực hiện nhanh Đề án phát triển ngành logistics Thành phố nhằm khắc phục những điểm yếu của chuỗi cung ứng bộc lộ qua đại dịch. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị được cùng với Sở công thương nghiên cứu triển khai chương trình đầu tư phát triển hệ thống logistics trong đó tập trung vào hệ thống kho đông, kho mát cho hàng nông sản thực phẩm nhất là thực phẩm tươi sống cùng với hệ thống bến bãi, vận tải, giao nhận. Cần quy hoạch vị trí đất hình thành trung tâm về logistics. Đưa lĩnh vực đầu tư hạ tầng logistics vào danh mục lĩnh vực đầu tư được hưởng chính sách kích cầu hỗ trợ đầu tư của Thành phố. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư Đề án xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa, như thịt heo, rau củ quả, trái cây… gắn liền với hệ thống kho đông kho mát trong đề án phát triển ngành logistic nói trên...
Có thể bạn quan tâm
Bàn giao hai trung tâm hồi sức tích cực cho người bệnh COVID-19 tại TP HCM
22:33, 07/08/2021
Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: VLA đề xuất 6 giải pháp khôi phục chuỗi cung ứng
10:49, 08/08/2021
4 nhóm giải pháp giữ chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu
11:00, 06/08/2021
Kết nối chuỗi cung ứng: Hàng hóa không liên quan đến dịch bệnh thì được phép lưu thông
03:55, 05/08/2021
Duy trì sản xuất để không đứt gãy chuỗi cung ứng
16:39, 04/08/2021