Doanh nghiệp hàng không khẩn cấp đề nghị vay 5.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi

THY HẰNG 25/08/2021 11:00

Ngành hàng không đang là những "con bệnh" cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị hỗ trợ các hãng hàng không.

Số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Doanh nghiệp đề xuất vay số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Văn bản do ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký VABA chỉ rõ "báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam đều cho thấy nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là rất cấp bách".

Theo đó, đại dịch Covid-19 và đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ tư rất khốc liệt và đang bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Con số 80-90% doanh thu giảm đã được lãnh đạo VABA nhiều lần nhắc tới.

Đặc biệt, với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.“Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai", PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.

Tính đến 30/6/2021, các khoản công nợ quá hạn đối tác, nhà cung cấp của Vietnam Airlines lên đến 13.340 tỷ đồng. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, hiện các hãng hàng không đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, doanh thu thu hẹp hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả, nên gần như không có cửa tiếp cận vốn ngân hàng.

Do đó, để hỗ trợ các hãng hàng không, VABA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, VABA kiến nghị mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại, áp dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhóm nợ phải trả và phát sinh mới trong thời gian dịch bệnh bùng phát, cho cả các khoản giải ngân cả trước và sau ngày 10/6/2020.

Trên thực tế, khó khăn của doanh nghiệp hiện tại do thiếu dòng tiền ngắn hạn để chi trả các khoản duy trì hoạt động sản xuất.

"Việc quy định chỉ tái cơ cấu nợ cho các khoản vay trước 10/6/2020 khiến các khoản vay ngắn hạn gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 03. Điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, từ đó phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động", VABA lý giải.

VABA cũng kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các dư nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi; giữ nguyên nhóm nợ.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 cho đến ngày liền kề sau 3 - 6 tháng kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, hoặc công bố trạng thái bình thường mới, theo quy định của Thông 1/2020 của Ngân hàng Nhà nước thay vì giới hạn thời hạn tại 31/12/2021.

Lý do được VABA đưa ra là sau khi hết dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn cần thời gian từ 3 - 6 tháng để ổn định trở lại, trong khi Covid-19 đã ảnh hưởng xuyên suốt năm 2020 cho đến nay và dự kiến còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài ít nhất là hết năm 2021.

Nhìn nhận Thông tư 01 và Thông tư 03 chỉ quy định cơ cấu lại nợ đối với các khoản vay, cho thuê tài chính, trong khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh. "Do đó, kiến nghị bổ sung áp dụng việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giãm lãi đối với dư nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như bảo lãnh, LC, bao thanh toán", ông Nề nhấn mạnh.

Để giảm áp lực về nguồn vốn, chi phí trích lập dự phòng cũng như tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 03 trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Hiệp hội đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và ban hành cơ chế về tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho các hãng hàng không tư nhân đã và đang bị ảnh hưởng trưc tiếp bởi Covid-19 vay tùy theo quy mô kinh doanh của từng hãng.

Số tiền từ 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và có thể được gia hạn khi ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Đối với các khoản vay trung và dài hạn, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cũng cần có thời gian ổn định, phục hồi sản xuất, cải thiện dần dòng tiền, tới khi có doanh thu trở lại mới có tiền để trả nợ ngân hàng.

Doanh nghiệp rất khó có thể đảm bảo duy trì dòng tiền để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa trả nợ trong vòng 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả thời gian gia hạn nợ như quy định tại Thông tư 03. Do đó, cần kéo dài thời gian cơ cấu lên 18 - 24 tháng hoặc thực hiện theo Thông tư 01 là "12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay”.

Trước đó, cho ý kiến về vấn đề cấp vốn cho hàng không, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từng cho biết: "Ngành Ngân hàng không thiếu vốn. Các tổ chức tín dụng cũng đang cho vay theo đúng quy định, và việc cho vay vẫn phải có tài sản bảo đảm. Vấn đề ở đây là cơ chế. Làm sao tạo ra cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy, mới có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân".

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức khai tử hãng hàng không chung cung cấp dịch vụ "độc nhất"

    19:26, 20/08/2021

  • Điện khí hóa ngành hàng không

    10:00, 18/08/2021

  • “Rộng cửa” cho hàng không ASEAN-EU

    11:00, 15/08/2021

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ III): Bài học từ các quốc gia

    11:00, 04/08/2021

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ II): Cấp bách tái cấp vốn

    12:04, 03/08/2021

  • "Cấp cứu" doanh nghiệp hàng không (kỳ I): Khủng hoảng lan toả

    15:29, 02/08/2021

THY HẰNG