DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Thư tay thời đại công nghệ
Cà phê Thông điệp là một hiệu cà phê rất trẻ, chủ yếu bán trên các sàn thương mại điện tử. Mặc dù trong “thời đại 4.0”, nhưng đội lại có một phương thức kết nối khách hàng rất là “0.4”: Thư tay
Cà phê Thông điệp (Message Coffee) là một nhãn hiệu cà phê rất trẻ. Họ chủ yếu bán trên các sàn thương mại điện tử. Mặc dù kinh doanh trong “thời đại 4.0”, nhưng đội cà phê này lại có một phương thức kết nối khách hàng rất là “0.4”: THƯ TAY.
Mỗi khi đóng gói gửi đi 1 đơn hàng, họ cẩn thận đính kèm thêm một bức thư viết tay lời cảm ơn và lời chúc tới người nhận. Hơn 1 năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử, bán được hơn 15.000 đơn hàng, cũng có nghĩa là họ đã viết và gửi đi hơn 15.000 bức thư tay.
“Chưa tính các chiến dịch bán hàng khác thì một tháng có khoảng 3.000 thư. Đây là số lượng không hề nhỏ và tôi cần tới 10 người viết, bao gồm cả nhân sự trong nhóm sáng lập và nhân sự thuê ngoài”, ông Vũ Việt Đức, đồng sáng lập nhãn hiệu cà phê này nói.
Thoạt nhìn có vẻ như Message Coffee là những người hoài cổ, và việc gửi thư tay là một trò lạc hậu, tối thời gian, tốn công sức. Nhưng thực tế lại cho thấy, nếu có đủ sáng tạo, chính những bức thư tay “thời ông bà anh” lại có những hiệu quả rất bất ngờ.
Max Maher là quản lý một chi nhánh cho công ty dịch vụ chuyển nhà Skinny Wimp Moving ở Mỹ.
Sau một thời gian hoạt động, Max nhận thấy, có vẻ như công ty anh không được nhiều khách hàng giới thiệu đến cho bạn bè của mình lắm. Những khách hàng mới do khách hàng cũ giới thiệu chỉ mang lại vỏn vẹn có 5% doanh số của công ty. Max muốn thay đổi điều này, anh muốn tăng cái con số 5% kia lên.
Anh lập một danh sách 100 khách hàng cũ, và gửi cho mỗi người họ một gói quà. Mỗi gói quà gồm có:
- Một bức thư viết tay
- Một tấm thiệp
- Năm tấm danh thiếp
Trong thư anh viết:
Chúc anh chị vui vẻ và hạnh phúc với ngôi nhà mới của mình. Xin cảm ơn vì đã cho phép chúng tôi giúp anh chị một tay dọn đến căn nhà mới. Chúng tôi cũng gửi anh chị vài chiếc danh thiếp, phòng trong trường hợp bạn bè anh chị cũng cần giúp một tay chuyển nhà. Thân.
Trên tấm thiệp là dòng chữ: Cảm ơn bạn đã ủng hộ và giới thiệu chúng tôi tới bạn bè.
9 tuần sau, kết quả là:
- Doanh số từ việc khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới tăng vọt lên 140%
- Doanh số thực thu mỗi tháng tăng thêm 5.200 USD từ nguồn này.
Max nói: Mọi người cứ đua nhau đổ tiền vào quảng cáo trên mạng. Nhưng tôi nghĩ những mối quan hệ mang tính tình người vẫn còn chỗ đứng trong kinh doanh, tạo dựng niềm tin, và bạn sẽ trở nên khác biệt.
Sheldon Yellen là CEO của công ty BELFOR Holdings, một đơn vị chuyên về bảo tồn tài sản và giảm thiểu nỗi đau. Kể từ khi được nhận vào công ty năm 1985, ông đã bắt đầu tự viết những tấm thiệp chúc mừng sinh nhật dành tặng mọi người trong công ty. Đến nay, khi đã là CEO, thói quen này vẫn được Yellen duy trì và phát huy.
Theo ước tính, trung bình mỗi năm ông viết khoảng 9.200 tấm thiệp. Yellen chia sẻ, khi bàn về vấn đề tuyển thêm người mới, các nhân viên hay đùa với ông rằng liệu ông sẽ viết thêm bao nhiêu tấm thiệp mừng sinh nhật. Yellen cũng thú nhận rằng đây là con số ông hay nhẩm tính và ghi nhớ trong đầu, thay vì những con số về doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Cho đến bây giờ, trong hành lý mỗi chuyến đi của ông đều chứa đầy giấy bút, để ông viết những tấm thiệp cho nhân viên của mình. Không những chỉ là sinh nhật, Yellen còn viết những câu cảm ơn, những tấm thiệp mừng kỷ niệm, bưu thiếp ngày lễ, thậm chí viết cả những lời hỏi han khi con em các nhân viên bị ốm.
Ông chia sẻ: “Có những thứ mang ý nghĩa lớn nhưng không hề tốn một đồng nào. Vì vậy tôi bắt đầu thói quen viết thiệp của mình để các nhân viên biết được công sức của họ luôn được đánh giá cao và không hề bị quên lãng”.
Với Yellen, việc viết thiệp là hành động góp phần xây dựng môi trường làm việc lịch sự và có tính đồng cảm cao. Có thể một số lãnh đạo khác xem đây là công việc mất thời gian, nhưng Yellen thì không. Ông cho rằng thói quen này sẽ đem đến những giá trị chân chính khác.
Hành động của Yellen hoàn toàn phù hợp với hình mẫu của những người lãnh đạo lý tưởng theo những cuộc điều tra đối với lực lượng lao động. Theo đó, lực lượng lao động mong muốn những người cấp trên của họ có thể nhận thấy sự nỗ lực và đưa ra những lời đánh giá và động viên tốt đẹp.
Quay trở lại với nhãn hiệu Message Coffee non trẻ, nhãn hiệu cà phê mới mẻ này cho rằng, việc gửi những lá thư tay tới khách đặt hàng qua nền tảng số cho thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng luôn cần duy trì, dù hoạt động thương mại có ở dạng thức nào.
“Nhiều người hỏi tôi, viết những tấm thiệp như vậy có quá tốn công sức không? Tôi chỉ muốn nói, chúng ta đang trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải chung sống với đại dịch và lan tỏa thông điệp tích cực là điều đáng làm. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ kết nối được với khách hàng ở điểm chạm cảm xúc thông qua thông điệp của những bức thư”, đại diện thương hiệu cà phê chia sẻ.
Như vậy là, đồng cảm với khách hàng đâu cần nhiều công nghệ.
QUÂN BẢO