DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Chuyện phông chữ và thương hiệu
Có thể nói phông chữ là một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của thương hiệu Baemin trong mắt khách hàng.
>>Baemin "địa phương hóa" theo cách của mình
Bộ phông chữ tiếng Việt của Baemin lần thứ hai nhận được giải thưởng thiết kế quốc tế. Baemin đã rất thành công khi khai thác tầm quan trọng của phông chữ độc quyền trong việc phát triển thương hiệu.
Theo thông tin ghi nhận, bộ phông này mang tên BM Daniel, là sản phẩm hợp tác giữa Baemin và Rice Creative.
Trong tháng 11 vừa qua, BM Daniel đã thắng giải cao nhất “Best of the Best” ở hạng mục Thương hiệu và Thiết kế Truyền thông của Red Dot Awards 2021. Đây là một trong 3 giải thưởng thiết kế lớn nhất thế giới. Trước đó vào năm 2020, bộ phông này còn thắng giải tại Type Champion Awards 2020 do công ty kiểu chữ quốc tế Monotype tổ chức.
Có thể nói phông chữ là một trong những dấu hiệu đặc trưng nhất của thương hiệu Baemin trong mắt khách hàng ngoài màu xanh bạc hà (mint) đồng phục. Không chỉ trên logo, Baemin còn sử dụng BM Daniel trên các ấn phẩm truyền thông, các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số, trên áo tài xế, v.v..
Theo nhiều người trong nghề, BM Daniel mang đặc điểm là nén các dấu thanh và dấu mũ của ký tự vào cùng một chiều cao giới hạn. Do đó, BM thể hiện sự dí dỏm, sáng tạo, khiến các sản phẩm thiết kế vừa có hồn vừa thu hút ánh nhìn.
>>Con đường “siêu ứng dụng” của Baemin
Đại diện Baemin cho biết việc áp dụng một phông chữ riêng đã bắt đầu từ công ty mẹ ở Hàn Quốc (công ty Woowa Brothers). Khi đến Việt Nam, họ tiếp tục truyền thống này bằng việc sáng tạo và sử dụng một phông chữ tiếng Việt riêng biệt. Từ đó dễ dàng tiếp cận khách hàng, khiến khách hàng ấn tượng và nhớ về Baemin nhiều hơn.
Và thực sự các chiến dịch của Baemin đã thành công. Chỉ sau khoảng 2 năm ra mắt thị trường Việt Nam, hình ảnh Baemin đã có thể vượt mặt Gojek, sánh vai cùng Grab, Now, phủ sóng tại hơn 20 thành phố lớn trên khắp cả nước.
Theo dự kiến Baemin sẽ trình làng khách hàng Việt Nam bộ phông chữ thứ 2 vào cuối năm nay.
Việc một công ty tự mình sáng tạo phông chữ của riêng mình để dùng là chuyện khá hiếm ở Việt Nam. Mặc dù tất cả các nhà marketing đều biết, phông chữ đóng vai trò rất quan trọng trong hình ảnh thương hiệu.
Ở thời điểm hiện tại, khách hàng tiếp cận nội dung bằng rất nhiều thiết bị từ laptop, điện thoại cho đến máy tính bảng. Vậy nên rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã tạo và sử dụng một phông chữ riêng biệt để trở nên nổi bật hơn.
Chẳng hạn, năm 2014, Intel đã sáng tạo bộ font Intel Clear và sử dụng trên tất cả sản phẩm thương hiệu Intel. Phông chữ này đơn giản, tinh tế, dễ đọc, đáp ứng tiêu chí “hợp với mọi màn hình, mọi ngôn ngữ, mọi người dùng”.
Hoặc chẳng hạn năm 2012, Nokia đã chuyển từ phông Nokia Sans sang Nokia Pure. Theo đánh giá, phông chữ mới có phần viền dễ đọc, hợp mắt hơn, đặc biệt khi hiển thị trên điện thoại thông minh Nokia.
Công ty GE cũng từng thực hiện sự thay đổi tương tự. Trước năm 2002, GE chỉ sử dụng phông Futura rất phổ biến. Thế nhưng nhận thấy công ty cần đổi mới về hình ảnh, GE đã hợp tác với một nhà thiết kế nổi tiếng và cho ra đời bộ phông GE Inspira. Bộ phông mới rất gọn gàng và đơn giản - giống như sản phẩm của GE.
Năm 2014, dịch vụ cho thuê căn hộ Airbnb cũng tiến hành chiến dịch thiết kế lại website và hình ảnh thương hiệu. Trong đó, họ cũng tạo nên phông chữ mới “Air”. Đây là một phông chữ in đậm, thẳng và không chân. Đặc biệt nhất phông chữ này rất phù hợp với logo mới của Airbnb, cũng như có thể hiển thị dễ dàng trên website lẫn điện thoại.
Quay trở lại câu chuyện Baemin. Không ai có thể phủ nhận độ thành công của độ nhận diện thương hiệu Baemin khi tạo nên một phông chữ độc quyền của mình. Điều này giúp họ luôn nổi bật, để khách hàng thậm chí chỉ cần nhìn vào một vài dòng chữ cũng biết “Đây là Baemin”.
Phông chữ quan trọng là thế, tuy nhiên ở Việt Nam, các thương hiệu Việt tuy rất chăm chút vào phông chữ cho logo nhưng lại chưa có nhiều thương hiệu làm hẳn bộ phông riêng để sử dụng như các ví dụ kể trên. Có thể sau câu chuyện của Baemin, việc tạo phông chữ riêng sẽ được chú ý hơn ở các thương hiệu Việt.
Có thể bạn quan tâm