Năm kiến nghị khôi phục chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngành logistics
Đại dịch Covid-19 được xem là phép thử với doanh nghiệp ngành logistics, chuyên gia đề xuất 5 kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng.
>>>Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Phép thử” covid-19
Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Cũng theo Tư lệnh ngành Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam.
"Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhắc tới tác động của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn tới các doanh nghiệp ngành logistics, bộc lộ nhiều yếu điểm về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệpdịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, Covid-19 là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Khảo sát của VLA cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp dịch vụ logistics bị thu hẹp sản xuất và giảm mạnh doanh thu…
Chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, nhất là thời gian giãn cách xã hội do không thống nhất quy định chống dịch giữa các địa phương làm cho chi phí logistics gia tăng. Sản xuất bị gián đoạn, thiếu lao dộng hoạt động dịch vụ. Sức khỏe, tinh thần và năng suất lao động của người lao động bị tác động nặng nề, Thương mại quốc tế bất định, khó lường. Chi phí logistics, nhất là vận tải đường biển với giá cước tăng vô kiềm tỏa. Ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Hạn chế việc tiếp cận Vaccine của lao động làm dịch vụ logistics.
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch thường trực VLA, khó khăn từ đại dịch cũng tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, vận tải biển gặp nhiều khiến dịch vụ logistics vận tải hàng không và đường sắt được hưởng lợi từ nguồn hàng đường biển chuyển sang hàng không và đường sắt.
“Chính điều này tạo nên sự bùng nổ về thị trường vận tải hàng không từ đầu năm 2021 đến nay, dẫn đến sự tăng trưởng hàng quốc tế tại Việt Nam tới 20% so với năm 2020 và tăng 19% so với năm 2019. Một số hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjetair, Bamboo Airways đã chủ động chuyển máy bay chở khách sang chở hàng hóa nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới bằng cách cho các công ty logistics thuê nguyên chuyến hoặc thuê kết hợp. Tổng công ty Đường săt Việt Nam đã bắt đầu khai thác các tuyến tàu liên vận, vận chuyển hàng hóa container qua Trung Quốc để đi đến Nga và một số nước EU”, ông Đào Trọng Khoa nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới. Đổi mới mô hình hoạt động với điểm sáng của hoạt động dịch vụ logistics bằng đường không.
“Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội đã góp vốn thành lập Công ty CP Asean Cargo Gateway (ACG) cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường không cố định hàng tuần cho các tuyến từ Việt Nam đi Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan…với giá cước ưu đãi hơn giá thị thị trường 10%-20%. Tiến tới hình thành các Hub cho hàng hóa trung chuyển đi Châu Âu. Hay việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam VIMC liên doanh với Công ty Ấn Độ mở tuyến vận tải container thường xuyên Hải Phòng- Hồ Chí Minh kết nối Việt Nam - Malaysia và Ấn Độ, với thời gian rút ngắn 10 ngày so với tàu nứơc ngoài hiện nay”, Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
>>>Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics
>>>Đường sắt "bắt tay" doanh nghiệp logistics khép kín chuỗi vận tải
Năm đề xuất khôi phục chuỗi cung ứng
Để hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển bền vững ngành logistics, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam kiến nghị, thứ nhất, tăng cường gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các Doanh nghiệp logistics. Đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác…Đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp cùng VLA và các Hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin nhằm giảm giá cước, giảm phụ phí hàng hải và chi phí logistics.
“Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa như hiện nay. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Đây là vấn đề cấp bách quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK trong nước”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logisitcs: Hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ và hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics, nhất là vận tải đa phương thức. Đề nghị Chính phủ tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc gia như Quy hoạch phát triển đến năm 2030 đạt 5000km. Trước hết là tuyến Bắc Nam, các tuyến nối Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối với các cảng biển nước sâu; phát triển cảng biển đầu mối và các trung tâm địch vụ logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ ba, đề nghị sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Cần đưa thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics phát triển đòi hỏi phải hình thành các trung tâm dịch vụ logistics, nhưng các quy định về phát triển trung tâm logistics chưa theo kịp, thông tư cũ đã hết hiệu lực nhưng Bộ Công Thương chưa có quy định quản lý mới phủ hợp.
Thứ tư, VLA đề nghị Ủy Ban 1899 cần hoạt động tích cực và có hiệu quả trong việc quản lý và phát triển dịch vụ logistics theo chức năng của Ủy Ban. Hiện nay, quản lý nhà nước về vận tải và logistics thiếu một vai trò chỉ huy liên ngành. Điều này thể hiện rõ trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua.
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics, phát triển một số doanh nghiệp Logistics mạnh phát triển logistics tích hợp 4PL-5PL, logistics phục vụ thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong thị trường nội đia và trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
“Cần tầm nhìn mới về chuyển đổi số trong logistics”
16:16, 11/12/2021
Hải Phòng: Sắp có khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện
15:45, 08/12/2021
“Cái bắt tay” nghìn tỷ trong ngành logistics
01:04, 03/12/2021
Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội cho doanh nghiệp logistics
03:00, 18/11/2021
Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp logistics mở rộng thị trường
04:00, 15/11/2021