DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: "Giải cứu" nông sản bằng sản phẩm mới

QUÂN BẢO 09/01/2022 11:08

Central Retail vừa đưa ra chương trình giải cứu thanh long bằng cách chế biến thành nhiều món thành phẩm. Giải cứu nông sản tương tự cách của Central Retail là một giải pháp đáng chú ý.

>>Những vụ giải cứu nông sản kinh điển

Theo thông tin ghi nhận, từ ngày 4/1/2022, các siêu thị thuộc Central Retail bao gồm BigC, Go!, Tops Market và go! sẽ thực hiện chương trình “Đồng hành cùng nông dân” nhằm giải cứu thanh long đang không thể xuất khẩu qua biên giới hoặc xuất khẩu cầm chừng.

Với chương trình này, Central Retail sẽ thu mua thanh long trực tiếp từ các hợp tác xã và hộ nông dân, sau đó phân phối và bày bán tại các siêu thị trong hệ thống. Ngoài việc bán trực tiếp trái thanh long, Central Retail còn chế biến thêm nhiều sản phẩm từ thanh long như bánh mì thanh long, thạch thanh long, sinh tố - nước ép thanh long, bánh bông lan từ thanh long, v.v..

Đại diện Central kỳ vọng trong tuần đầu tiên triển khai, chương trình sẽ tiêu thụ được 20 tấn thanh long và tăng dần sản lượng vào những ngày cuối năm âm lịch.

Việc giải cứu nông sản đã không còn là việc quá mới mẻ hiện nay ở Việt Nam hay trên thế giới. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là phương thức giải cứu. Nếu đi đúng hướng, nông sản “được giải cứu” thậm chí có thể còn có giá trị hơn nông sản bình thường.

Chẳng hạn, năm 1986, thị trường cà rốt tại Mỹ gặp khó khăn rất lớn. Thừa cung và thiếu cầu, các nhà nông trồng cà rốt thường rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Do ê hề cà rốt, người tiêu dùng lúc này chỉ chọn lọc những củ cà rốt có hình dáng, mẫu mã đẹp để tiêu thụ. Kết quả là hầu hết những củ cà rốt có hình dáng kì dị, cong vẹo đều bị trả về hoặc để đến mức hư hỏng. Tuy rằng sau khi cắt ra thì về bản chất cà rốt xấu vẫn ăn được như bình thường.

 >>Chiến lược thâm sâu đằng sau bông sen kẹo

Mike Yurosek là một trong những nhà nông đang phải u sầu nhìn số cà rốt xấu bề ngoài của mình hóa thành thức ăn cho gia súc hoặc làm nước ép. Không cam tâm, Yurosek quyết định mình phải làm điều gì đó trước khi buông xuôi.

Ông gọt những củ cà rốt xấu, bỏ đi những phần thừa, để lại mỗi miếng dài khoảng 5 cm, trông như những củ cà rốt nhỏ, và ông gọi là “baby carrot” (cà rốt con). Sau đó, Yurosek đóng cà rốt vào từng bao nhỏ, vừa miệng ăn, rồi gửi cho siêu thị.

Đó là một sản phẩm bán đắt hơn cả tôm tươi. Các cửa hàng vào thời điểm đó chỉ mua 10 xu một gói cà rốt bình thường và bán ra với giá 17 xu. Trong khi đó, với cà rốt con, họ mua với giá 50 xu và bán ra tận 1 đô la cho người tiêu dùng. Giải pháp của Mike đã cứu được 400 tấn cà rốt mỗi ngày.

Hoặc nông trại Tsuji ở Nhật cũng từng có pha giải cứu củ cải rất sáng tạo. Họ đóng gói củ cải xấu xí vào những chiếc túi bóng nhỏ có in hình những khuôn mặt dễ thương. Phần xấu xí của củ cải vô tình lại rất hợp với biểu cảm khuôn mặt này. Do đó số củ cải xấu xí nhanh chóng được bán hết rất nhanh.

Ở Việt Nam, pha giải cứu nông sản nổi tiếng nhất thởi gian gần đây phải kể đến bánh mì thanh long của Kao Siêu Lực - ông chủ thương hiệu bánh mì ABC. Bánh mì thanh long được nhiều người khen ngon miệng, có hương vị độc đáo, chua nhẹ và khách hàng đón nhận nhiệt tình.

Hoặc công ty thực phẩm Duy Anh ở TP.HCM cũng từng giải cứu nông sản thành công với hai loại sản phẩm bánh tráng thanh long và mì dưa hấu năm 2020. Doanh nghiệp này đã trải qua hơn 10 ngày nghiên cứu với 8 công thức khác nhau để cho ra kết quả sau cùng. Theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp, 2 sản phẩm này vừa chào hàng đã được thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc yêu thích. Vì khách Nhật và Hàn thích dùng các món đầy màu sắc này để cuốn thịt nướng, ăn với sushi, v.v.. Lô đầu tiên công ty xuất đi Nhật 3,5 tấn sản phẩm và xuất đi Hàn 4 tấn sản phẩm.

Từ những ví dụ trên có thể thấy được rằng không nên quá phụ thuộc vào việc bán nguyên liệu thô. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm thành phẩm, tạo nên nhiều sản phẩm mới. Có như vậy việc kinh doanh mới bền vững và phát triển. Hay nói cách khác, giải cứu bằng thị trường vẫn là phương pháp tốt và bền vững nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”

    Ùn tắc nông sản biên giới: Đừng coi thị trường nội địa chỉ là nơi “giải cứu”

    04:00, 03/01/2022

  • COVID-19: Giải cứu nông sản, chuyện dễ mà khó

    COVID-19: Giải cứu nông sản, chuyện dễ mà khó

    05:05, 21/02/2021

QUÂN BẢO