DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Mua trước trả sau "lan" sang hàng không
MOVI và Vietjet vừa bắt tay nhau ra mắt sản phẩm “Bay trước - Trả sau”. Đây cũng là một kiểu của dịch vụ “mua trước trả sau” đang rất hot trên thị trường hiện nay.
>>Vietjet: Ra mắt sản phẩm mới “Bay Trước - Trả Sau”
Đúng như tên gọi của mình, “Bay trước - Trả sau” cho phép khách hàng đặt và sử dụng dịch vụ vé máy bay giá rẻ của Vietjet trước, sau đó sẽ thanh toán theo hình thức trả góp qua MOVI. Thời gian trả góp linh động từ 1 đến 6 tháng.
Theo đại diện từ hai bên, sản phẩm “Bay trước - Trả sau” là một giải pháp được thiết kế dành riêng cho đối tượng khách hàng thu nhập trung bình thấp nhưng có nhu cầu di chuyển trong nước bằng máy bay. Đặc biệt khi ra mắt trong dịp tết, sản phẩm này giúp khách hàng vừa có thể về quê ăn tết nhanh chóng vừa có thể giảm bớt áp lực chi tiêu.
Thực chất giải pháp “Bay trước - Trả sau” của Vietjet và MOVI là một biến thể của dịch vụ tài chính “mua trước trả sau” đang rất hot hiện nay. Mô hình này cho phép người dùng mua sắm, thanh toán hóa đơn trước rồi dần trả sau theo kỳ hạn. Điểm khác biệt giữa “mua trước trả sau” và các dịch vụ trả góp, thẻ tín dụng truyền thống là kỳ hạn thanh toán của “mua trước trả sau” ngắn hơn và người dùng không phải trả lãi (chỉ bị phạt nếu trả chậm).
Với dịch vụ này, người mua có thể kéo dài thời hạn thanh toán và giảm bớt áp lực tài chính. Còn người bán sẽ có thêm công cụ để hấp dẫn khách hàng. Chính vì vậy mua trước trả sau trở thành một miếng bánh ngon của ngành fintech - công nghệ tài chính.
Theo báo cáo từ Worldpay, “mua trước trả sau” trở thành hình thức thanh toán online phát triển nhất thế giới, với mức tăng trung bình 28% mỗi năm trong 5 năm tới. Các chuyên gia cũng kỳ vọng “mua trước trả sau” sẽ chiếm gần 3% tổng thanh toán thương mại điện tử năm 2023.
Trên thế giới, các công ty cung cấp dịch vụ mua trước trả sau cũng ăn nên làm ra và phát triển khá nhiều. Chẳng hạn Affirm của Mỹ chuẩn bị IPO, Klarnar của Thụy Điển sắp niêm yết sàn chứng khoán ở Anh, hoặc Afterpay của Úc vừa có thương vụ 29 tỷ USD với Square Inc.
>>Vietjet ghi danh top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam
Tại Đông Nam Á, dịch vụ PayLater, một kiểu “mua trước trả sau”, là một trong những công cụ giúp Gojek (Indonesia) trở thành siêu ứng dụng.
Bắt nhịp cùng thế giới, các fintech Việt Nam cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chơi “mua trước trả sau”. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Ví Trả Sau của Momo kết hợp cùng TPBank. Momo cho người dùng 3 hạn mức chi tiêu 1 triệu, 3 triệu và 5 triệu, thanh toán lần lượt ngày 5, 10 và 15 tháng sau. Khách không cần phải chứng minh tài chính và không cần trả lãi nếu trả tiền đúng hạn.
Hoặc vào giữa tháng 9/2021, startup giải pháp “mua trước trả sau” Fundiin của ông Nguyễn Ảnh Cường, cựu Giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Holding, đã huy động thành công 1,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Họ đã hợp tác cùng hơn 100 đối tác bán lẻ có tiếng trên thị trường Việt Nam.
“Mua trước trả sau” sở hữu nhiều đặc tính nổi bật, giúp khách hàng vừa thỏa mãn nhu cầu mua sắm ngay lập tức vừa giảm bớt áp lực chi tiêu. Do đó không khó hiểu khi dịch vụ này thúc đẩy khách mua hàng, đem đến lợi ích trực tiếp cho người bán. Với sản phẩm “Bay trước - Trả sau”, có lẽ Vietjet cũng đang muốn tận dụng xu hướng này để thúc đẩy doanh số bán vé, đặc biệt trong mùa tết khi nhu cầu đi lại tăng cao như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm