Hành trình đi lên và sụp đổ của đại gia thủy sản Phương Nam
Câu chuyện đi lên và sụp đổ của doanh nghiệp thủy sản Phương Nam đã tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Nhưng, đến nay đã qua 10 năm mọi thứ vẫn còn "lùm xùm"…
- Xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 sẽ ra sao?
Đại gia đi lên từ xe ba gác
Hành trình trở thành đại gia thủy sản của ông Lâm Ngọc Khuân rất giống với một câu chuyện cổ tích, nhưng không có hậu. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, người dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Sau giải phóng miền nam năm 1975, ông Khuân kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác chở khách trên tuyến đường từ Trà Cuông về Sóc Trăng và ngược lại.
Tiếp đó, ông Khuân còn trải qua nhiều công việc khác như làm bột mì, buôn xăng dầu, buôn bán xe ô tô, xe máy... Có một thời ông ta xuống Cà Mau làm đại lý thu mua tôm tép rồi chuyển về Sóc Trăng và các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ để bán.
Vào những năm 1990, Việt Nam bước vào thời kỳ kinh tế mở cửa, hội nhập. Vốn là người nhanh nhẹn, từng va chạm với công việc kinh doanh, ông Khuân nhận thấy cơ hội trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nên đã nhảy vào với mong muốn có sự đổi đời. Đây cũng là thời điểm ở Sóc Trăng nở rộ nghề nuôi tôm sú.
Đến năm 1998, ông Khuân thành lập Công ty TNHH Phương Nam. Hai năm sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam, với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Công ty này chuyên thu mua, chế biến tôm và mua bán thức ăn cho tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm.
Thành lập công ty, ông Khuân giữ chức vụ chủ tịch HĐQT với tỉ lệ góp vốn 35,26%. Ba cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ (người vợ, góp 20,5%), Lâm Ngọc Hân (con gái, góp 20,24%) và cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Lâm Minh Mẫn làm kế toán trưởng…
Thời gian đầu, do có ít doanh nghiệp cạnh tranh nên tên tuổi cũng như quy mô của Phương Nam lên “như diều gặp gió”. Kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng dần theo từng năm.
Với tổng công suất năm 2010 đạt 11.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là Mỹ, Nhật, EU, Canada và Trung Đông. Trong đó thị trường Mỹ chiếm hơn 50%. Doanh thu vào năm 2010 của công ty này vào khoảng 120 triệu USD và lọt vào tốp 10 doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu của năm. Điều này cũng đưa tên tuổi ông Khuân vào hàng đại gia thủy sản miền Tây.
- Dư địa tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2022
- Ảm đạm triển vọng ngành thủy sản
Sa lầy và ngã ngựa
Nhưng, ngay cả khi công việc làm ăn đang ở vào thời kỳ hoàng kim, ông Khuân và công ty Phương Nam đã cho thấy sự yếu kém trong quản lý, thiếu năng lực trong sản xuất, đầu tư dàn trải và không trọng tâm. Thêm vào đó là sự sa lầy trong nhận thức, cuộc sống vương giả ảo mộng nhưng lại bằng tiền vay ngân hàng với vỏ bọc của một đại gia nghìn tỷ.
Thực tế là kể cả trong thời điểm làm ăn tốt nhất, công ty Phương Nam cũng đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 5 năm, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Sau này, theo báo cáo của cơ quan điều tra, ông Khuân đã chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền.
Theo kết quả giám định tài chính cho thấy từ năm 2008 đến 2012 Thủy sản Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ khoảng gần 640 tỷ đồng. Và cũng trong thời điểm đó, Công ty Phương Nam đã liên tục vay nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 9.789 tỷ đồng được cho là sử dụng sai mục đích gồm tiền trả nợ vay trên 9.594 tỷ; kinh doanh bất động sản, liên doanh - liên kết đầu tư với công ty KM Phương Nam 142,7 tỷ…
Năm 2012, cơ quan điều tra đã kết luận, xác định nguyên Chủ tịch Công ty Phương Nam với con gái và thuộc cấp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên 471 tỷ đồng; Mẫn và Phượng cùng các đồng phạm giúp sức cho ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt trên 720 tỷ đồng. Nhưng, ông Khuân đã nhanh chân tẩu thoát ra nước ngoài ngay sau đó…
Dư âm 10 năm vẫn còn đó
Cho đến thời điểm hiện tại, sau gần 10 năm khi Lâm Ngọc Khuân qua Mỹ, Công ty Cổ Phần Chế biến thực phẩm Phương Nam đang đứng trên bờ vực phá sản. Tổng nợ của doanh nghiệp lên đến 5.000 tỷ đồng, sau khi tái cơ cấu và bán tài sản để xử lý nợ cho các ngân hàng, công ty vẫn còn nợ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, theo đánh giá của quản tài viên, tổng tài sản còn lại của Thủy sản Phương Nam chỉ có giá trị khoảng 150 tỷ đồng. Từ sự mất cân đối này, doanh nghiệp đã nộp đơn đến tòa án để xin phá sản.
Tại buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiều 9/2, ông Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, các vấn đề liên quan đến Thủy sản Phương Nam được chia thành 2 giai đoạn.
Đầu tiên là hình sự, đã xét xử xong từ năm 2017. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổ chức bán tài sản của Công ty Phương Nam để thu hồi nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn 2 là tái cấu trúc Thủy sản Phương Nam. Tuy nhiên, do khoản nợ quá lớn, doanh nghiệp này đã nộp đơn xin phá sản. Hiện, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở thủ tục phá sản đối với công ty.
“Chúng tôi đã xử lý gần hết tài sản của Thủy sản Phương Nam. Hiện tại, chỉ còn một thứ duy nhất mà chúng tôi phải xử lý là Nhà máy Phương Nam. Chúng tôi cam kết trong năm nay sẽ xử lý xong nhà máy để kết thúc vụ án tại Công ty Phương Nam”, ông Rết khẳng định.
Có thể thấy, hành trình đi lên và sụp đổ của công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam đã là một lời cảnh báo sâu sắc cho những doanh nghiệp Việt Nam “ăn xổi”, đi lên bằng những mánh lới, chụp giật trong bối cảnh yếu kém trong quản lý, thiếu năng lực trong sản xuất, đầu tư dàn trải và không trọng tâm.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Gia Lai trước nỗi lo phá sản
01:02, 09/01/2022
Nhiều nhà đầu tư điện gió trước nguy cơ phá sản
00:23, 07/01/2022
Từ bờ vực phá sản thành thương hiệu quốc dân
00:08, 26/12/2021
Hàng loạt doanh nghiệp điện gió đối mặt nguy cơ phá sản, xin "đường lùi"
01:10, 26/10/2021
Vì đâu các công ty nhiệt điện Trung Quốc có nguy cơ phá sản?
05:00, 23/09/2021